17/05/2006 22:31 GMT+7

Thanh tra các công trình sử dụng nguồn vốn ODA

Đ.ĐẠI - Vietnamnet - VNExpress - TTXVN 
Đ.ĐẠI - Vietnamnet - VNExpress - TTXVN 

TTO - Liên quan đến việc sử dụng và quản lý nguồn vốn vay ODA hiệu quả hay không hiệu quả, sắp tới, Thanh tra Chính phủ sẽ lập 3 đoàn thanh tra tại 3 địa chỉ:

Gnjx73Qv.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngọc Trân hứa sẽ chất vấn tiếp về ODA - Ảnh: TTXVN

Bộ Giao thông vận tải (GT-VT), Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và 1 địa phương có những công trình sử dụng nguồn vốn ODA.

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng phải giải trình trước khi rời Bộ Tài chínhCó tranh cử mới chống lại được chạy chức chạy quyền

Các ý kiến của Đại biểu quốc hội xoáy vào việc sử dụng nguồn vốn ODA, giải pháp để giám sát cách sử dụng nguồn vốn và phân công rõ trách nhiệm của những người có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn.

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) yêu cầu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc báo cáo Chính phủ để giải trình trước Quốc hội, trước dân về số vốn bị rút năm 2005 cũng như trách nhiệm, biện pháp xử lý những tổ chức, cá nhân quản lý vốn đầu tư phát triển.

Đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây) cho rằng đã đến lúc Quốc hội cần dành nhiều thời gian xem xét và xử lý nghiêm minh, quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý những sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn ODA để chấm dứt tình trạng tham nhũng thất thoát, lãng phí ảnh hưởng đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ vốn ODA.

* Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình: Sẽ thanh tra chuyên về các dự án sử dụng vốn vay ODA

Các công trình được chọn để thanh tra sẽ do các bộ tự đề xuất. Hiện Bộ GT-VT và Bộ NN-PTNT đã đưa ra cho chúng tôi một danh sách gồm mấy trăm công trình để các đoàn thanh tra vào cuộc.

Trong đó, Bộ GT-VT có nhiều công trình cần thanh tra nhất. Một số ý kiến sẽ cho rằng, việc để các bộ tự chọn danh sách các công trình có sử dụng vốn vay ODA để thanh tra sẽ không khách quan, sẽ khiến việc thanh tra chọn không đúng công trình có tiêu cực. Nhưng lần này, Thanh tra Chính phủ đã xác định tổ chức hẳn một cuộc thanh tra dài hơi về các công trình sử dụng vốn ODA. Nếu thanh tra xong công trình này sẽ tổ chức thanh tra tiếp công trình khác.

Ngay cả các công trình đã thanh tra, nếu bây giờ phát sinh thêm những hạng mục, chi tiết mới chưa thanh tra cũng cần phải thanh tra tiếp. Điều đáng quan trọng, từ trước đến nay, Thanh tra Chính phủ thường đứng ngoài cuộc trong việc thanh tra các dự án sử dụng vốn ODA, nhưng lần này, Chính phủ đã cho phép làm một cuộc thanh tra chuyên về ODA.

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân: Đến năm 2020, chúng ta có trả nợ xong vốn vay ODA?

Theo kế hoạch trong 5 năm 2006-2010, cân đối các nguồn vốn đầu tư phát triển dự kiến là 2.200.000 tỷ đồng, quy ra đôla là 1.140 tỷ USD. Trong đó, nếu tính 35% là đầu tư từ bên ngoài thì chúng ta cần phải có 49 tỷ USD trong 5 năm, kể cả vốn ODA.

Trước tình trạng sử dụng và quản lý vốn vay ODA như hiện nay, tôi yêu cầu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói rõ lộ trình tiếp nhận ODA trong 5 năm tới như thế nào? Bởi vì nếu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của nước ta là 1.050 USD-1.100, tức là chúng ta đã thoát ra khỏi những nước có thu nhập kém.

Vậy thì đến năm 2010, tình trạng vay và nợ vốn ODA sẽ chấm dứt đối với chúng ta? Theo tôi, tính khả thi của nó là một vấn đề rất lớn. Chính phủ phải có một chiến lược chính sách tài chính rõ ràng thì mới đảm bảo khả thi trong tính toán các cân đối.

* Ông Nguyễn Đức Dũng, ĐB Kon Tum: Cần làm rõ trách nhiệm của những người quản lý nguồn vốn

Tôi thấy, cơ chế quản lý của ta hiện nay có vấn đề và chưa hiệu quả. Theo tôi, phải tăng cường vai trò cụ thể của những người, những ngành có trách nhiệm như "ông" tài chính, "ông" đầu tư.

Cần phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý nguồn vốn. Như vụ PMU 18 vừa qua, không riêng gì ngành giao thông mà phải xét đến cả trách nhiệm của "anh" Bộ Kế hoạch & Đầu tư, "anh" Bộ Tài chính. Cao hơn nữa là Chính phủ?

* Ông Hà Văn Thạch, ĐB, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh: Cần phân công ĐB giám sát chuyên sâu

Khi được hỏi rằng liệu có nên nhắc đến trách nhiệm giám sát của QH vì có ĐB đã nói đến trách nhiệm của một số cơ quan của Chính phủ trong việc quản lý nguồn vốn ODA, ông Hà Văn Thạch đã nói rằng: "Với một khuyết điểm nào đó, có những người chịu trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm gián tiếp. Trong vấn đề quản lý ODA thì cả người làm trực tiếp, quản lý gián tiếp và giám sát đều phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, ĐB của mình đại diện cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên không thể đòi hỏi một đại biểu am hiểu được tất cả mọi lĩnh vực. Vì thế nên rất cần phân công ĐB giám sát theo hướng chuyên sâu và chuyên trách".

* Phan Kim Nhạn, ĐB Quảng Nam: Nên mời chuyên gia thẩm định trong quá trình giám sát

Theo tôi, việc giám sát có thể thực hiện trong cả ba thời điểm: trước, trong và sau khi thực hiện dự án ODA. Trong quá trình giám sát của ĐB QH nên kết hợp với các cơ quan dân cử ở địa phương (Hội đồng nhân dân ở tỉnh, huyện, xã, phường).

Theo tôi, có một vấn đề quan trọng cần chú ý đó là, các ĐBQH khó có thể có chuyên môn sâu về mọi lĩnh vực nên trong việc giám sát các công trình có nguồn vốn ODA nên mời (hoặc thuê) chuyên gia am tường về lĩnh vực của công trình.

Và đương nhiên, là cần phải thông báo kết quả quá trình giám sát, có đề xuất, tuyên dương đối với trường hợp tốt, có phê phán và đề nghị xử lý đối với nơi nào không sử dụng tốt nguồn vốn ODA.

* Ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH: Đừng khép kín thì cơ quan dân cử và báo chí mới có thể "thấy" để giám sát

Trong thời gian vừa qua, việc giám sát thực hiện các nguồn ngân sách, trong đó có vốn ODA, vốn viện trợ chưa thực hiện tốt, đó là trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, của UBNS của QH, UB Đối ngoại của QH.

Qua theo dõi thì thấy việc giám sát còn nặng về chủ trương, hình thức mà chưa đi sâu thẩm định tính hiệu quả của các công trình; trong đó có nguyên nhân chủ yếu là chưa trưng tập các chuyên gia có uy tín để thẩm định các công trình thực hiện bằng vốn ODA, và các công trình thực hiện bằng các nguồn vốn hỗ trợ khác.

Ở nước ngoài, các công trình khi triển khai đều phải công bố công khai bằng kế hoạch, thiết kế, thi công, chất lượng, hiệu quả, nguồn vốn... để nhân dân giám sát và nhất là cơ quan báo chí theo dõi đảm bảo tính chính xác, xác thực trong triển khai, thực hiện.

So sánh với VN, các quy trình kế hoạch, thiết kế, thi công, kiểm tra đều khép kín - do một cơ quan - là một Bộ nào đó chủ trì, tất cả đều do một người là Bộ trưởng quyết định.

Phải tách các cơ quan các tổ chức độc lập trong từng khâu mới mong có sự thẩm định, giám sát lẫn nhau, có sự công khai, minh bạch tạo điều kiện cho các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan dân cử, báo chí tham gia giám sát và đưa tin kịp thời mọi diễn biến của tiến trình thực hiện các công trình có sử dụng tài chính công.

Đ.ĐẠI - Vietnamnet - VNExpress - TTXVN 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên