22/05/2018 15:00 GMT+7

Thành tích của học sinh có phải chỉ là điểm 9, 10?

CẦM PHAN
CẦM PHAN

TTO - Luôn có một câu chuyện đáng được kể, đáng được biết tới đằng sau mỗi thành tích của một đứa trẻ, và giá mà thành tích ấy được nói đến không chỉ qua điểm số.

Thành tích của học sinh có phải chỉ là điểm 9, 10? - Ảnh 1.

Cô bé Sydney Smoot, lớp 4, đứng trước hội đồng trường mình phát biểu bày tỏ sự bất bình đối với kỳ thi đánh giá tiêu chuẩn mới của bang Florida, Mỹ và nhận được nhiều ủng hộ của người tham dự - Ảnh: Washington Post clip

Câu chuyện về thi cử, điểm số, thành công, thất bại... của một học sinh, chính xác hơn của một con người, không hề là một chuyện đơn giản.

Nhìn nhận thấu đáo, giải quyết "êm xuôi" chuyện này mới hi vọng mỗi ngày đến trường của trẻ thật sự là một ngày vui.

Một kỳ thi xác định thành công hay thất bại?

Tháng 4 vừa qua, Sydney Smoot, một cô bé học lớp 4, đã đứng trước hội đồng trường mình phát biểu bày tỏ sự bất bình của em đối với kỳ thi đánh giá tiêu chuẩn mới của bang Florida (Mỹ), theo The Washington Post. 

Những người lớn trong khán phòng đã lắng nghe em và sau đó đứng dậy vỗ tay ủng hộ em nhiệt thành. Sydney Smoot nói gì?

Với bài phát biểu có sự giúp đỡ của mẹ, Smoot tự tin nhìn nhận mình là "một cô bé có giáo dục tốt", và thẳng thắn chê trách việc bang Florida khi áp dụng một kỳ thi dùng bộ tiêu chuẩn học tập mới cho học sinh phổ thông (Florida Standards Assessment (FSA), thay thế bộ tiêu chuẩn cũ là Common Core) đã nhìn cô "như một con số, không hơn".

"Với bài kiểm tra FSA, năm năm tiểu học của tôi hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Kỳ thi xem tôi như là một con số, không hơn. Một kỳ thi xác định tôi là người thành công hay kẻ thất bại chỉ qua phiếu đánh giá" - Smoot nói.

Smoot đã liệt kê chi tiết các lo ngại và phản đối của mình trước hình thức và mục đích của kỳ thi và đặt câu hỏi: "Tại sao chúng tôi phải chịu những căng thẳng về một kỳ thi trong khi có thể vui vẻ học tập ở trường? Giờ đây mọi thứ vui vẻ như những giờ giải lao đều bị lấy đi để ôn luyện cho kỳ thi này".

Còn những chuyện khác ngoài việc học 

Một phụ huynh Việt Nam, khi năm học kết thúc, đã chia sẻ: "Tôi có hai đứa con, một học năm thứ 2 đại học và một học lớp 9. Sau ngần ấy năm theo đuổi việc học hành cùng các cháu, lần đầu tiên khi đi dự một cuộc họp phụ huynh cuối năm, tôi được chứng kiến một điều mới mẻ.

Hôm ấy, giáo viên chủ nhiệm sau khi chiếu lên màn hình tên của năm học sinh đứng đầu lớp với các điểm số tổng kết ấn tượng đã dừng lại, nhắc đến tên một học sinh khác.

Theo cô, học sinh này trong học kỳ 1 đã gặp rất nhiều vấn đề về học tập và điểm số của em ở mức đáng lo ngại. Nhưng đến cuối năm, điểm số của em đã được cải thiện đáng kể. Điều đó chứng tỏ em đã hết sức nỗ lực vươn lên và đó là một điều đáng khen ngợi".

Vị phụ huynh này sau đó nói thêm: Tôi cảm thấy rất vui với câu chuyện này nhưng tôi ước gì các phụ huynh khác cũng như các bạn học của cháu biết được cụ thể cháu đã làm thế nào để vươn lên. 

Luôn có một câu chuyện đáng được kể, đáng được biết tới đằng sau mỗi thành tích của một đứa trẻ, và giá mà thành tích ấy được nói đến không chỉ qua một con số là điểm tổng kết. 

Câu chuyện đáng được kể ấy sẽ không chỉ là câu chuyện của riêng em, mà còn là câu chuyện của các thầy cô đã dạy và giúp em cải thiện việc học, và câu chuyện của cha mẹ em đã đi cùng hành trình vươn lên ấy thế nào. 

Và giá mà còn có những câu chuyện khác nằm ngoài việc học, nói về những học sinh đã thay đổi tích cực như thế nào sau mỗi năm học, rằng có những em đã vui hơn, hòa đồng hơn, lạc quan hơn và tự tin hơn...

Đánh giá năng lực và kết quả học tập, rèn luyện của một học sinh là một chủ đề quan trọng và khó khăn trong suốt chiều dài lịch sử trường học và ngành giáo dục. 

Không thể thống kê hết có bao nhiêu phương pháp, bao nhiêu bộ tiêu chuẩn, hệ thống tiêu chí và bao nhiêu lợi ích/bất lợi từ những cách đánh giá đó. Ngành giáo dục Việt Nam cũng chẳng phải là ngoại lệ mà chuyện loay hoay thông tư 22 thay cho thông tư 30 mới đây là một ví dụ.

Nhưng trong sự đa dạng đó của các nhà trường, người ta vẫn thấy những điểm chung trong suy nghĩ của những người làm giáo dục có đầu óc khoa học, cởi mở và nhân văn: mỗi một tiêu chí đánh giá nên và cần là một sự trợ giúp cho người dạy để hướng họ tới sự công tâm và hiểu rõ từng học trò để giúp từng em học tập, trau dồi đúng với năng lực của mình, là sự khích lệ và ghi nhận thực chất cho từng người học để các em hiểu rõ hơn về mình.

Để mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui

Các học sinh không phải là những cái tên đi kèm con số trong một danh sách thống kê tổng kết cuối năm. Đó là những cá nhân độc nhất vô nhị có năng lực, phẩm chất và nhu cầu đa dạng, mà một nền giáo dục khai phóng phải tạo ra đủ các cơ hội đáp ứng.

Khi đó "mỗi ngày đi học là một ngày vui", không phải là một dòng chữ treo trước các cổng trường cho bắt mắt.

Mẹ có biết con đã phải đánh đổi gì để lấy điểm 9, 10 cho mẹ? Mẹ có biết con đã phải đánh đổi gì để lấy điểm 9, 10 cho mẹ?

TTO - Tâm sự của một đứa con ra sức học 'cho mẹ vui' ngay trước thời điểm kết thúc năm học 2017-2018 khiến người đọc xót xa.

CẦM PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên