27/07/2023 13:56 GMT+7

Thành quốc Vatican và Tòa thánh khác nhau thế nào?

Tòa thánh chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế. Thành quốc Vatican chỉ vùng lãnh thổ cụ thể của Tòa thánh.

Một buổi lễ tại thành phố Vatican năm 2013 - Ảnh: Getty

Một buổi lễ tại thành phố Vatican năm 2013 - Ảnh: Getty

Nhận lời mời của Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Tòa thánh Vatican hôm nay 27-7. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam và Tòa thánh kể từ năm 2016.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ gặp Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ mở ra bước phát triển mới, tích cực trong quan hệ hai bên.

Vatican - quốc gia nhỏ nhất thế giới

Nhắc đến Vatican cần phân biệt Tòa thánh (the Holy See) và Thành quốc Vatican (Vatican City State). Cái tên xuất phát từ chữ Latin là Mons Vaticanus, nghĩa là ngọn đồi Vatican ở thủ đô Rome của Ý.

Tòa thánh dùng để chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế. Do đó Tòa thánh có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước.

Trong khi đó, Thành quốc Vatican là vùng lãnh thổ cụ thể của Tòa thánh, có dân số ít và những dịch vụ cơ bản như ngân hàng, báo chí, ga xe điện, trạm xăng, bệnh viện, bưu chính. 

Với diện tích 0,44km2, Thành quốc Vatican là quốc gia nhỏ nhất thế giới, gồm thành phố Vatican (thủ đô), 23 địa điểm ở Rome và 5 địa điểm ngoài Rome.

Đứng đầu Tòa thánh là Giáo hoàng trị vì trọn đời và có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Giáo hoàng cũng là giám mục Giáo phận Rome.

Cơ cấu tổ chức của Tòa thánh gồm: Phủ Quốc vụ khanh, 16 bộ và cơ quan tư pháp.

Phủ Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề nội vụ, ngoại giao và nhân sự ngoại giao. Người đứng đầu hiện nay là Hồng y Pietro Parolin do Giáo hoàng bổ nhiệm - chức vụ như thủ tướng các nước, vai trò quan trọng thứ hai sau Giáo hoàng. 

Phủ Quốc vụ khanh là cơ quan duy nhất của Giáo triều nằm trong thành phố Vatican, các cơ quan còn lại nằm rải rác ở Rome.

Về an ninh và quân đội, từ năm 1506, Tòa thánh có bộ phận lính gác Thụy Sĩ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cá nhân của Giáo hoàng. Tòa thánh không có quân đội, việc phòng vệ Tòa thánh do Ý đảm nhiệm.

183 nước có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh

Giáo hoàng Francis (trái) trò chuyện với Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin năm 2016 - Ảnh: Tòa thánh Vatican

Giáo hoàng Francis (trái) trò chuyện với Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin năm 2016 - Ảnh: Tòa thánh Vatican

Cơ quan đối ngoại của Tòa thánh là Bộ Quan hệ với các nhà nước (Bộ Ngoại giao) thuộc Phủ Quốc vụ khanh. Bộ này có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước và các chủ thể của công pháp quốc tế.

Bộ cũng đại diện cho Tòa thánh tại các tổ chức và hội nghị quốc tế, phụ trách các việc liên quan đến đặc phái viên của Giáo hoàng, cơ cấu tổ chức các giáo hội cụ thể và làm việc với các chính quyền dân sự liên quan đến thi hành thỏa ước. 

Hiện Tòa thánh có quan hệ ngoại giao với 183 nước, có hơn 100 cơ quan đại diện thường trú trên toàn cầu. 

Tòa thánh cũng tham gia nhiều tổ chức, liên minh, diễn đàn quốc tế và khu vực. Trong đó có 33 cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế và 10 cơ quan, tổ chức khu vực với tư cách thành viên chính thức. 

Tại Liên Hiệp Quốc, Tòa thánh hưởng quy chế quan sát viên thường trực từ năm 1964. Cơ quan đại diện của Tòa thánh thường được tổ chức gọn nhẹ và kiêm nhiệm nhiều nước.

Quan hệ giữa Tòa thánh và các nước có ba hình thức phổ biến là Sứ thần (Apostolic Nuncio), Khâm sứ (Apostolic Delegate) và Phái viên của Giáo hoàng (Legate).

Sứ thần gồm thường trú và kiêm nhiệm, là quan hệ đầy đủ nhất giữa Tòa thánh với một nước trên cả hai mặt ngoại giao và tôn giáo. 

Khâm sứ cũng bao gồm thường trú và không thường trú, song mức thấp hơn Sứ thần do chỉ quan hệ về mặt tôn giáo. Phái viên của Giáo hoàng chủ yếu thay mặt Giáo hoàng đến một nước hoặc giáo hội địa phương giải quyết vấn đề nhất định, thường là các sự kiện hay lễ kỷ niệm đặc biệt của Công giáo.

Việt Nam và Tòa thánh hướng tới đại diện thường trú

Chia sẻ với báo chí trước chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết quan hệ hai bên thời gian qua đã có những tiến bộ tích cực. Hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao, cũng như triển khai hiệu quả cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican.

Từ năm 2011, đại diện không thường trú Tòa thánh đã vào hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm, Đại sứ Việt Nam tại Ý Dương Hải Hưng cho biết tại cuộc họp vòng 10 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican vào tháng 3-2023, hai bên đã thảo luận và cơ bản nhất trí nội dung "Quy chế hoạt động của đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam". 

"Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng sau khi hai bên đã đàm phán 14 năm kể từ năm 2009. Hiện nay, Việt Nam và Vatican đang tiến hành các bước cuối cùng để có thể thông qua quy chế này. Qua đó chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đại diện thường trú trong thời gian sắp tới", Đại sứ Hưng thông tin thêm.

Đại diện không thường trú hiện nay của Tòa thánh tại Việt Nam là Tổng giám mục, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore Marek Zalewski.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Rome, bắt đầu thăm Ý và Tòa thánh VaticanChủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Rome, bắt đầu thăm Ý và Tòa thánh Vatican

Nhận bó hoa tươi thắm từ đại diện Bộ Ngoại giao Áo tại sân bay quốc tế Vienna, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân lên chuyên cơ rời Áo và đến Ý hơn 1 tiếng sau đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên