Một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy nam thanh niên thực hiện các động tác lên xà, khi đang treo mình trên nóc một tòa nhà 62 tầng ở Hồ Nam, Trung Quốc. Anh không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào từ đai đến dây cáp.
Sau đó chàng trai không leo lại lên nóc nhà được, điều anh vẫn thực hiện được trong hàng chục video trước đó. Anh dừng lại và tuột tay. Sự cố xảy ra ngày 8-11.
Hình ảnh của Ngô Vịnh Ninh đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Ảnh: CNN.
Ngô Vịnh Ninh, 23 tuổi, có biệt danh trên mạng xã hội Trung Quốc là The Extreme (Cực Hạn), là một trường hợp tử vong trong trào lưu liều mạng quốc tế có tên rooftopping (leo nóc nhà). Trào lưu này đã lan rộng ở Trung Quốc nhờ sự kết hợp giữa vô số cao ốc mới xây dựng và sự bùng nổ của các ứng dụng mạng xã hội.
Không phải ai tham gia trào lưu rooftopping đều thực hiện những màn biểu diễn mạo hiểm trên tầng thượng. Một số chỉ thích chụp ảnh những tòa nhà cao tầng, thường là mới được xây dựng, nơi phần lớn họ vào trái phép.
Tuy nhiên, những người khác như chàng trai họ Ngô lại theo đuổi một đẳng cấp khác.
Những video trước đó của Vịnh Ninh cho thấy anh treo mình bằng tay không ở những tòa cao ốc lộng lẫy, đôi khi còn thực hiện động tác lên xà.
Gia đình của Vịnh Ninh trả lời Beijing News rằng anh đã nhận 100.000 nhân dân tệ (345 triệu đồng) để làm một video có khả năng lan tỏa lớn. Anh định dành số tiền này làm đám cưới. Bố mẹ anh nói họ không hề hay biết con mình làm gì mà chỉ nghĩ anh muốn trở thành diễn viên.
Mạng xã hội và nhà cao tầng
Sau cái chết vào ngày 8-11 của Ngô Vịnh Ninh, một bài viết trên trang China Daily đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc có những biện pháp giám sát chặt chẽ hơn với các ứng dụng truyền trực tiếp (livestream) ở nước này.
Nếu Ngô Vịnh Ninh không nổi tiếng trên các ứng dụng livestream, có thể cậu ấy đã không mất mạng. Một số người cố khuấy động mọi thứ bằng những hành động đáng sợ và nguy hiểm, với mục đích thu hút sự chú ý và tạo lợi nhuận. Đã đến lúc chúng ta chấm dứt điều này.
China Daily
Rooftopping không phải là trào lưu khởi nguồn từ Trung Quốc mà đã xuất hiện trên mạng xã hội trong nhiều năm nay.
Theo phóng viên Dominique Vương, loại hình mạo hiểm này chỉ mới nổi ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, một phần là do việc cấm sử dụng các trang mạng xã hội phương Tây như YouTube.
Claire, một người đam mê rooftopping ở Trung Quốc, cho rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, kết hợp với sự bùng nổ của mạng xã hội đã khơi lên sự quan tâm dành cho sở thích liều lĩnh này.
Cô ví việc các cao ốc mọc lên giống như nền tảng, sự lan rộng của mạng xã hội khiến việc thành công hay nổi tiếng trở nên dễ dàng hơn và điều đó hấp dẫn nhiều người.
Claire nhận được hàng trăm lượt thích cho những bức ảnh chụp từ khung cảnh mạo hiểm. Ảnh: Instagram.
Tuy nhiên, với các rooftopper chân chính, đam mê của họ không đơn thuần chỉ là để thu hút sự chú ý hay tìm kiếm lợi nhuận. Claire cho biết cô bắt đầu thích hoạt động mạo hiểm này từ khi mắc bệnh trầm cảm.
Đứng trên tòa nhà Guoson Center bị bỏ hoang ở Bắc Kinh với thành phố rộng mở, cô có cảm giác như mình đã được "chữa lành".
Cô chia sẻ: "Đứng trên nóc một tòa nhà, sự hồi hộp đủ chiếm trọn tâm trí, và tôi không thể nghĩ gì khác. Điều đó khiến những suy nghĩ tuyệt vọng của tôi biến mất".
Theo phóng viên Vương, nhiều rooftopper ở Bắc Kinh mà cô đã phỏng vấn bắt đầu sở thích đặc biệt này từ những khoảng thời gian đen tối trong cuộc đời.
Bên cạnh đó, nhiều người đơn giản chỉ là thích cảm giác hồi hộp chứ không phải vì lý do tinh thần. Với một trong những người mạo hiểm hơn, điều này chủ yếu là thách thức với anh ta.
Có đáng không?
Càng ngày các rooftopper càng thực hiện nhiều hành động mạo hiểm. Một bài báo trên tờ New York City cho rằng thế hệ trẻ xem đây là một cách nhanh chóng để nổi tiếng trên mạng.
Những người mới chơi có thể thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi chỉ trong vài tháng, bằng cách đăng ảnh chụp đôi giày bẩn treo trên nóc một tòa tháp, hay ảnh chụp chính bản thân họ đang treo mình ở đó.
Đi kèm với danh tiếng là những hợp đồng tài trợ và quảng cáo. Theo Claire, nguyên nhân cái chết của Ngô Vịnh Ninh không phải chỉ từ sự liều lĩnh của chính bản thân anh, mà các công ty tài trợ cũng phải chịu trách nhiệm. Cô cho biết những công ty này trả tiền cho người làm video để quảng cáo.
Claire nói: "Nếu bạn ký hợp đồng họ sẽ trả tiền vé máy bay, khách sạn và toàn bộ chi phí để bạn bay tới một thành phố khác làm những điều điên rồ. Hợp đồng ghi rõ họ không chịu trách nghiệm cho bất cứ thương vong nào".
Một nhiếp ảnh gia mê rooftoping ở Hong Kong cho biết sau cái chết của Ngô Vịnh Ninh, một số người theo đuổi bộ môn này sẽ suy nghĩ lại. Anh cho biết: "Đây là một tin buồn với những người trong giới, dấu hiệu khiến người ta phải suy nghĩ xem có đáng không".
Phóng viên Vương cho biết những người cô phỏng vấn thừa nhận rằng rủi ro mất mạng là điều họ có nghĩ tới. Những trường hợp tử vong ảnh hưởng lớn đến mức có thể khiến vài người bỏ chơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận