11/05/2018 15:34 GMT+7

Thanh long trồng không đủ bán

THANH TÚ
THANH TÚ

Đang ăn nên làm ra với thương hiệu vịt quay Cát Tường khá nổi tiếng ở Tiền Giang, bỗng dưng một ngày đẹp trời, Đoàn Thanh Sang đổi ý, quyết tâm làm… nông dân.

Thanh long trồng không đủ bán - Ảnh 1.

Vùng trồng thanh long Cát Tường ở Tân Phước - Ảnh: Thanh Tú

Năm 2015, trang trại trồng thanh long của Sang được cấp chứng nhận Global GAP. Giá bán thanh long ổn định 30.000 đồng/kg. 40ha trồng thanh long của anh cho ra 2.000 tấn trái. Vụ đó, anh bỏ túi 60 tỉ đồng.

Global GAP vùng rốn phèn

Năm 2011, người dân ở xứ Tràm Mù, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước (Tiền Giang) bất ngờ khi thấy có một người bỏ ra số vốn lớn mua 8ha đất để trồng thanh long ruột đỏ.

Vùng này vốn là vùng nhiễm phèn nặng, trước giờ người dân chỉ trồng được mỗi cây tràm. Sau đó nhờ làm đê bao khép kín nên trồng được cây khóm (dứa) nên tự nhiên thấy có người nhào vô trồng thanh long thì nhiều người không khỏi hoài nghi.

Chưa kể, lúc anh Sang chuyển hướng làm nông, giá thanh long đang xuống tận đáy với chỉ 3.000 đồng/kg. Suy đi, xét lại, có làm bao nhiêu phép tính thì người ta chỉ thấy anh cầm chắc lỗ.

Vậy mà, hơn một năm sau, nhiều người không khỏi trố mắt khi thanh long của Sang trồng có giá… trên trời, những 70.000 đồng/kg. Phần mình, Sang cũng thú thật đó là kết quả "ngoài mong đợi". Anh cho rằng, được vậy là do "đất đã không phụ lòng người".

Từ thành công của mình, Sang dẫn dắt nhiều nông dân khác làm theo. Anh mở rộng diện tích, sản xuất theo mô hình trang trại. Đến nay, trang trại thanh long Cát Tường của anh với diện tích 200ha đã trở nên nổi tiếng gần xa, được bạn hàng nhiều nước biết đến và tin tưởng.

Nông dân gần xa thấy vậy đến xin làm theo, Sang không "giấu nghề", mà chỉ cách cho nông dân trồng thanh long vừa an toàn, vừa hiệu quả. Chỉ mới mấy năm, "group nông dân" của Sang đã có diện tích trên 2.000ha.

Chinh phục thị trường

Hôm gặp chúng tôi, Sang nói anh không "lãng mạn" đến mức ném tiền vào vùng đất mà không tính khả năng huê lợi. "Thật ra, trước khi chọn vùng đất Tân Phước để trồng thanh long, tôi đã lấy mẫu đất đi phân tích. Dù đây là vùng đất phèn nặng, nhưng phần lớp đất mặt có rất nhiều mùn. Cây thanh long vốn là loại cây rễ ăn bàn nên chỉ cần lớp đất phía trên đảm bảo là có thể sinh trưởng được. Vả lại, vùng đất Tân Phước nắng gió quanh năm, đất mới nên mầm bệnh cũng ít, thích hợp với loại cây này" - Sang nói.

Cũng theo Sang, mấu chốt của vấn đề là phải kiên định với ý tưởng, và ý tưởng đó phải dựa trên nền tảng khoa học hẳn hoi. Mặt khác, ngay từ đầu anh Sang đã xác định mô hình Global GAP là con đường tất yếu phải chọn. Do đó, mỗi cọc thanh long được cắm xuống đây, người trồng phải nghĩ ngay là trái của nó sẽ được bán ở những thị trường khó tính nhất.

Sang đầu tư hàng tỉ đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo mô hình tiên tiến của Israel. Anh Sang còn đầu tư hệ thống đèn năng lượng mặt trời bắt côn trùng có hại, nên nhìn chung chất lượng trái thanh long được tốt hơn từ màu sắc, độ ngọt đến trọng lượng...

Quy trình trồng thanh long được quốc tế công nhận, nên sản phẩm của anh không gặp nhiều khó khăn khi vào các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu…

Nông dân Sang nói vui nhưng rất thật rằng: “Vấn đề “khó khăn” gặp phải ở đây là thanh long của anh trồng không đủ bán!

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên