04/05/2023 14:43 GMT+7

‘Thành Lộc mãi là linh hồn của Idecaf’

‘Anh mệt rồi, anh nghỉ ngơi. Anh mãi là linh hồn của Idecaf’ là bình luận của độc giả Tuổi Trẻ Online trước tin đồn Thành Lộc rời Idecaf sau 26 năm gắn bó.

‘Thành Lộc mãi là linh hồn của Idecaf’ - Ảnh 1.

Thành Lộc trong tạo hình Cậu đồng - Ảnh: LINH ĐOAN

Thành Lộc sinh tại Sài Gòn trong đại gia tộc hát bội - cải lương tuồng cổ có hàng trăm năm ăn cơm tổ nghiệp, cha là NSND Thành Tôn, mẹ là nữ nghệ nhân hát bội Huỳnh Mai.

Sau đó, anh chọn theo kịch nói và trở thành một trong những nam nghệ sĩ kịch nói hàng đầu của thế hệ vàng, diễn qua các sân khấu kịch lớn và tham gia nhiều kịch truyền hình gây được tiếng vang.

Năm 1997, NSƯT Thành Lộc hoạt động tại sân khấu kịch Idecaf. Một thời gian sau, anh đảm nhận chức vụ phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, cùng với ông Huỳnh Anh Tuấn và nhiều nghệ sĩ đưa Idecaf lên vị trí sân khấu xã hội hóa hàng đầu ở TP.HCM.

Thành Lộc là linh hồn của Idecaf

Một trong những chương trình Thành Lộc dàn dựng và tham gia diễn xuất nổi bật tại Idecaf chính là Ngày xửa ngày xưa, phần tuổi thơ của nhiều khán giả trẻ tuổi. Sau 23 năm, trải qua 34 số, thương hiệu Ngày xửa ngày xưa vẫn được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Trong vở Tấm Cám, Thành Lộc đã khuấy động sân khấu với vai Cám đỏng đảnh, ham chơi. Anh khiến từ khán giả nhí đến phụ huynh cười nghiêng ngả trong những lần trả treo hay điệu múa hất tóc “lố” khi gọi cá Bống.

Đến màn đấu khẩu giữa Thúy Mama và bà tiên đỡ đầu trong Công chúa Chích Chòe, anh nói: “Ối xời, đây nè người ta đỡ nguyên con người ta còn chưa nói, tự nhiên đỡ mà đỡ có cái đầu, đầu con người ta bị cái gì mà đỡ”. Sau câu nói đó, khán giả vỗ tay khắp khán phòng.

‘Thành Lộc mãi là linh hồn của Idecaf’ - Ảnh 2.

Tấm Cám là vở diễn mở màn chương trình kịch dành cho thiếu nhi trong Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf vào năm 2000 - Ảnh: Facebook nhân vật

Kế tiếp là hàng loạt vai diễn để lại ấn tượng mạnh trong Nữ thần Lee Kim Chi, Hoàng tử Ai Cập… Từ vai chính đến nhân vật phụ, cứ mỗi lần Thành Lộc bước ra sân khấu là sự chú ý của khán giả đều tập trung vào anh.

Bên cạnh những vai diễn dành cho thiếu nhi, điều tạo tên danh xưng “phù thủy sân khấu” của Thành Lộc còn đến từ tài hóa thân vào mọi kiểu nhân vật, làm người ta khóc cười đảo điên. 

Khán giả sẽ nhớ về vai ông Tư Chơn đờn kìm, một người đàn ông mất vợ nhưng không chấp nhận thực tại trong vở Tía ơi má dìa!

Thành Lộc một mình trên sân khấu với chiếc áo được khoác lên ghế khiến người xem khắc khoải không thể dứt. Đỉnh điểm, khán phòng im phăng phắc khi thấy ông Tư ôm bụng lăn xuống sàn than khóc.

Sẽ nhớ về ông Tư trong Dạ cổ hoài lang, một ông già Nam Bộ sang Mỹ sinh sống với con cháu mang nỗi niềm về kiếp tha hương. 

Khi đi khỏi nơi chôn nhau cắt rốn cộng thêm khác biệt về văn hóa đã khiến ông gieo mình vào cái giá lạnh của tuyết. Thành Lộc đã làm cho ông Tư trở nên đa cảm, day dứt.

Tài năng và trái tim mẫn cảm của nghệ sĩ

Ở vai trò đạo diễn, Thành Lộc gây chú ý qua tác phẩm Bí mật vườn Lệ Chi - tác phẩm tái dựng sự kiện thảm án Lệ Chi Viên, minh oan cho Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. 

Vở kịch mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc, từ cách tái hiện sân khấu, trang phục, nội dung mang tính đậm chất văn học.

“Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải; nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người”, đây chính là câu nói ám ảnh tâm trí khán giả khi xem xong tác phẩm Bí mật vườn Lệ Chi.

Hay ở Ngàn năm tình sử, Thành Lộc đã dựng nên một chân dung Lý Thường Kiệt khác với những trang sách, phiên bản mới đời hơn, người hơn và cũng đau đớn hơn.

Anh đã thành công khi không sa vào mô tả sự kỳ vĩ của một nhân vật lịch sử, mà khai thác mối tình của Lý Thường Kiệt với Thuận Khanh.

Chỉ một chữ “yêu”, Thành Lộc đã dựng nên hành trình đầy sóng gió, bất trắc cùng vận nước của Lý Thường Kiệt nhưng không thiếu bóng dáng Thuận Khanh. 

Tình yêu ấy tưởng chừng sẽ được quả ngọt, cuối cùng họ lại mất nhau vĩnh viễn bởi quyền lực tối thượng, sự hy sinh…

‘Thành Lộc mãi là linh hồn của Idecaf’ - Ảnh 4.

Thành Lộc đảm nhận vai trò làm người dẫn chuyện trong vở kịch Tiên Nga - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Tiên Nga là dấu mốc mới trong vai trò đạo diễn của nghệ sĩ Thành Lộc. Đây được xem là tác phẩm thành công về chất lượng nghệ thuật lẫn khán giả (phục vụ khoảng 37.000 khán giả).

Thành Lộc đã từ chối nhạc nền, thay vào đó là bố trí ban nhạc đánh theo âm hưởng Nam Bộ. Điều này tuy khó khăn và tốn kém nhưng đủ để thấy Thành Lộc đang hướng đến một tiêu chí nghệ thuật ưng ý nhất cho vở diễn của mình. 

Chính sự tâm huyết trên đã giúp nghệ sĩ Thành Lộc nhận thêm về hàng loạt giải thưởng cho sân khấu Idecaf như Mai Vàng, giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần 2 (2012-2017)… 

Dù ở vai trò gì, đạo diễn hay diễn viên, Thành Lộc luôn thể hiện một tài năng và trái tim mẫn cảm của người nghệ sĩ. Có lẽ chính những điều đó đã trở thành một trong những lý do khiến khán giả dành tình cảm đặc biệt cho sân khấu Idecaf. 

Thành Lộc rời Idecaf: Thành Lộc rời Idecaf: 'Mong chỉ là hiểu lầm'

Trước tin đồn rời sân khấu Idecaf sau 26 năm gắn bó, Tuổi Trẻ Online liên lạc với Thành Lộc và nghệ sĩ đáp 'xin miễn trả lời'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên