Hào quang sân khấu khiến nghệ sĩ mang nhiều trọng trách, nhưng khán giả cũng cần bao dung hơn. Ảnh minh họa trong phim tài liệu Burn The Stage của BTS - Ảnh: Trafalgar Releasing
Đó là ý kiến của một người trẻ khi nhìn nhận về các trào lưu tẩy chay ở Việt Nam trong năm 2021.
"Cancel culture" (văn hóa hủy bỏ, tẩy chay) ở Việt Nam vốn mờ nhạt trong những năm trước, nhưng từ năm 2020 và 2021, giới giải trí ghi nhận nhiều trường hợp nghệ sĩ, chương trình, phim ảnh gây tranh cãi và bị khán giả bị phản ứng.
"Thanh lọc" nền giải trí
Diễn biến mới là không còn dừng ở đả kích trên mạng xã hội. Trong năm qua "văn hóa hủy bỏ" ở Việt Nam đã có những động thái thực tế hơn như kêu gọi cấm sóng, ngừng ủng hộ, nộp đơn tố cáo nếu là vấn đề pháp lý.
Điều này có mặt tốt và mặt xấu, đôi khi trầm trọng hóa vấn đề. Nhưng dù sao đây là những cách thể hiện sự phản đối mang tính tôn trọng các nguyên tắc ứng xử, pháp luật. Với những trường hợp nghiêm trọng, tất cả các bên đều mong cơ quan điều tra và cơ quan thực thi pháp luật tìm ra sự thật.
"Văn hóa hủy bỏ" ở Việt Nam vẫn cần tiếp tục phát triển theo hướng văn minh và thượng tôn pháp luật để thanh lọc nền giải trí và không sa vào tấn công cá nhân, "giết nhầm còn hơn bỏ sót" như một số nền giải trí lân cận.
Trên thế giới, "văn hóa hủy bỏ" đã được nghiên cứu và mổ xẻ nhiều. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng văn hóa này gắn với thế hệ trẻ nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ Y (sinh từ 1981 - 1996) và thế hệ Z (sinh từ 1997 - 2012) - lực lượng sử dụng mạng xã hội đông đảo hiện nay. Riêng với thế hệ Z, văn hóa này cũng biến chuyển hằng ngày chứ không bất di bất dịch.
Là một người trẻ, Nguyễn Lê Dung (thạc sĩ truyền thông đa phương tiện, Đại học Myongji, Hàn Quốc) cho biết cô và bạn bè không hề xa lạ với các trào lưu tẩy chay trong giới giải trí Việt Nam. Nhưng cô chọn không tham gia, không tẩy chay mà đứng ngoài quan sát.
"Từng có người nói ở Việt Nam không có tẩy chay thực sự nhưng trong năm 2021, tôi thấy một số nghệ sĩ đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc công khai xin lỗi. Điều đó cho thấy tẩy chay không chỉ là trào lưu trên mạng mà có tác động thật. Nhưng cũng có lúc tôi thấy một nghệ sĩ bị bêu riếu nặng lời chỉ vì lỗi lầm nhỏ" - Lê Dung nói.
Lê Dung cho biết bạn bè cô (sinh năm 1995 - 1997) hay bàn tán về bê bối nghệ sĩ hay các vụ tẩy chay. Quan điểm của họ rất đa dạng, không phải ai cũng ủng hộ mà có người phản đối hành vi tẩy chay, nhưng tất cả đều thừa nhận sự tồn tại của "văn hóa hủy bỏ" ở Việt Nam.
Thế nhưng, khi nói đến "thanh lọc nền giải trí" hay "kêu gọi nghệ sĩ Việt Nam giữ gìn đạo đức, tuân thủ pháp luật" thì ai cũng ủng hộ vì đó là điều đúng đắn.
Lê Dung nói: "Một nền giải trí lành mạnh hơn, nơi những nghệ sĩ có tài năng và nhân cách được tỏa sáng là mong muốn chính đáng của giới trẻ. Và ngược lại, chính khán giả cũng nên cư xử văn minh với các nghệ sĩ khi họ có thiện chí sửa sai".
Sau tẩy chay là "văn hóa tha thứ"?
Thế hệ nào cũng trải qua giai đoạn chớm trưởng thành, phẫn nộ với những bất công, bất bình đẳng. Tiếp đó là giai đoạn họ thực sự trưởng thành và tìm đến những cách giải quyết sâu xa, gốc rễ hơn cho các bất công, bất bình đẳng đó.
Và "văn hóa hủy bỏ" có khả năng sẽ sớm chấm dứt để tiến đến văn hóa "thấu cảm và tha thứ", theo trang Persuasion.
Theo khảo sát của Hãng Morning Consult vào tháng 7-2021, đáng ngạc nhiên, thế hệ Z đang dần thay đổi từ ủng hộ sang bài trừ "văn hóa hủy bỏ" cực đoan. 55% có cái nhìn tiêu cực về "văn hóa hủy bỏ", 8% ủng hộ, 18% trung lập và 19% không có ý kiến. Nhóm trẻ nhất của thế hệ Z (từ 13 - 16 tuổi) lại là những người phản đối nhiều nhất.
Nhận mình thuộc nhóm trung lập, Lê Dung cho rằng trong tương lai, thấu cảm và tha thứ sẽ dần trở thành phương châm để giới trẻ ứng xử với các nghệ sĩ gây tranh cãi.
Điều quan trọng không kém chính là tinh thần thượng tôn pháp luật đối với bất cứ ai trong xã hội, không riêng với nghệ sĩ hay giới giải trí.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) nói với Tuổi Trẻ: "Thiếu sót lớn nhất là thiếu luật. Tôi nghĩ lùm xùm tiền từ thiện có phần lớn lý do là chưa có khung hình luật để chúng ta, cả người dân lẫn nghệ sĩ, làm một cách chỉn chu. Khi công an đang điều tra, chúng ta không nên chĩa mũi dùi vào các nghệ sĩ.
Việc bị điều tra không cản trở họ lên sóng, vì họ chưa trở thành kẻ phạm tội cho đến khi bị tòa án kết tội. Điều cần làm là thúc đẩy xây dựng luật. Có luật rồi thì nghệ sĩ hay ai sai cứ chiếu theo luật mà xử, không cần mang cả cộng đồng mạng ra làm quan tòa như hiện nay".
"Thanh lọc" nền giải trí và kêu gọi nghệ sĩ giữ gìn đạo đức, tuân thủ pháp luật là mục tiêu tốt đẹp nhưng cần đạt được nhờ cách làm đúng đắn. Hãy cùng chờ đợi người trẻ tạo nên sự thay đổi so với các thế hệ trước.
Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Đừng quá hoan hỉ, đừng quá tiêu cực
Đều có nguồn gốc tiếng Anh mang nghĩa "tẩy chay", nhưng nếu "boycott" thường được biết đến là tẩy chay sản phẩm thì "cancel culture" được gán ý nghĩa cho việc tẩy chay các nhân vật nổi tiếng.
Theo tôi, phong trào "cancel culture" vừa mang đến những sắc thái tích cực, nhưng cũng hàm chứa những sự nguy hiểm khôn lường.
Về mặt tích cực, trước đây những giới tinh hoa quyền lực (như chính trị gia, doanh nhân, ngôi sao giải trí, giới siêu giàu...) lấn át không gian báo chí - truyền thông, tạo dựng được những quyền lực mềm vượt trội.
Những nhóm người yếm thế khác trong xã hội bị lấn lướt, tiếng nói của họ bị lơ đi, thân phận của họ dễ bị tổn thương và quên lãng... Cứ thế ẩn ức tích tụ.
Nhưng khi truyền thông xã hội nở rộ, quyền được lên tiếng được trao tận tay mỗi cá nhân, các phong trào "me too", "cancel culture"... như được "hà hơi thổi ngạt".
Nếu như trước đây, quyền đó nằm trong giới "tinh hoa quyền lực" thì nay bất cứ ai có trong tay smartphone và Internet đều có thể cất lên tiếng nói của mình, và "được cả thế giới lắng nghe". Đó như là một sự cân bằng, giải tỏa những ẩn ức kiểu "bất đối xứng về quyền lực mềm".
Nhưng điều này ở một góc độ khác mang vô số hiểm họa cho xã hội. Khi người ta lầm tưởng quyền lực của việc "được lên tiếng", "được trao quyền"... họ có thể lạm dụng, bị lợi dụng để làm hại những người khác.
Có những sự thật hay những chân lý không hề được cấu thành từ những sự giản đơn, do vậy những cá nhân thiếu năng lực nhận biết có thể dễ dãi trong việc nhận định, phán xét. Vẫn có những miệng giếng được xem là bầu trời của một con ếch già nua.
Những đám đông yếm thế vốn bị "chèn ép" bởi giới "tinh hoa quyền lực" xưa kia nay lại càng dễ bề bị tổn thương và dẫn dắt bởi những bậc thầy về dụ mị đám đông.
Họ nhân danh làm điều chính đạo, công bình, nhưng không biết rằng mình bị lợi dụng trong các phong trào "cancel culture" để hạ bệ một ai đó, và những âm mưu này không dễ gì nhận biết.
Vậy là từ những thân phận bên lề dễ bị tổn thương dồn tụ, họ có nguy cơ biến thành những con tốt trên một ma trận của trò chơi hạ bệ lẫn nhau của những cao thủ truyền thông. Dù là đứng bên nào, đó cũng là những thân phận tội nghiệp.
Chính vì những điều trên, "cancel culture" cần được thận trọng nhìn nhận như những phong trào lợi có nhưng hại cũng nhiều, chất lượng của nó phụ thuộc chính yếu vào mục đích và năng lực của những người khởi tạo chúng.
Ở nghĩa đó "cancel culture" như là một con dao, dùng nó vào mục đích chế biến thức ăn, hay để sát nhân... là do những người sử dụng chúng. Vậy nên đừng quá hoan hỉ với "cancel culture", cũng đừng quá tiêu cực để... tẩy chay "văn hóa tẩy chay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận