Chị Thanh Yến (Q.2, TP.HCM), có con 3 tuổi, than thở: “Bật các kênh Việt lên thật sự rất khó tìm được chương trình thiếu nhi phù hợp với tuổi của con.
Các game show thiếu nhi trên tivi hiện nay có đối tượng thi là trẻ con, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí cho người lớn bởi nội dung, câu chữ, cách bỡn cợt, trêu chọc của các giám khảo, người dẫn chương trình hoàn toàn không phù hợp với trẻ con”.
Qua các màn ảnh nhỏ cho thấy hầu như khán giả đến xem trực tiếp tại trường quay đều là người lớn.
Giờ đây, các thí sinh chỉ cần dễ thương, dạn dĩ sân khấu là đủ. Hỗ trợ các em là một đội ngũ người lớn được trang bị kiến thức “dụ con nít” bằng những lời ngợi khen có cánh, bằng những nụ hôn, bằng bánh kẹo...
Dường như chưa đủ, xem một số chương trình thi thiếu nhi phát sóng thời gian vừa qua có cảm giác các em trổ tài thì ít mà giám khảo, huấn luyện viên “chặt chém” nhau thì nhiều.
Biệt tài tí hon phát sóng tối 12-3 dài khoảng 60 phút, trong đó chỉ có 5 tiết mục dự thi của các thí sinh nhí. Chiếm hơn một nửa thời lượng chương trình là màn tung hứng của Trấn Thành, Mỹ Linh, các khách mời Trịnh Thanh Bình, John Huy Trần và MC Ngô Kiến Huy.
Một khán giả có biệt danh “Chiều Tím” tỏ vẻ bức xúc khi trong một tập thi của Biệt tài tí hon, giám khảo Trấn Thành cứ trêu chọc hai chị em thi hát dân ca có cha là người Nigeria rằng: “Trời đất ơi, hai chị em trắng nõn...”.
Khi Trấn Thành bị phạt chơi trò bịt mắt bắt dê với Mỹ Linh, Mỹ Linh giả làm tiếng dê kêu trên sân khấu thì Trấn Thành cũng sẵn miệng nói: “Con này là con quỷ chứ con dê gì!”.
Còn MC Đại Nghĩa nghe Diệu Nhi hát đã vô tư nói: “Làm ơn xô nó xuống cái cầu tre giùm anh luôn đi!”.
Theo Chiều Tím, những lời lẽ trêu chọc như thế có thể rất bình thường trong ngữ cảnh hằng ngày, giữa những người trưởng thành, nhưng không nên xuất hiện trong một chương trình dành cho con trẻ bởi trẻ con rất hay bắt chước một cách vô thức.
Và vì thế, khán giả này cho hay đã ngưng, không cho con xem chương trình nữa.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) - nhận xét: “Theo dõi các cuộc thi trên truyền hình, tôi cảm thấy bức xúc.
Thật sự người lớn chúng ta đang thương mại hóa trẻ em. Các nhà sản xuất chương trình tìm mọi cách để có khán giả, quảng cáo. Còn phụ huynh có con đi thi, không ít người chủ yếu khoe con mình.
Ban giám khảo thường xuyên dùng từ ngữ đẩy các em lên chín tầng mây như “thánh hài”, “siêu nhí”, “thần tượng” làm mê muội các em và cả phụ huynh, khiến họ mơ mộng hão huyền”.
Khi cậu bé google thua showbiz Khi dùng từ khóa “Phan Đăng Nhật Minh” - người được đặt biệt hiệu "cậu bé google" đầu tiên lọt vào vòng chung kết của Đường lên đỉnh Olympia 2017 có khoảng 6 triệu kết quả. Trong khi đó, chỉ cần gõ "Ku Tin" "Tin Tin" kết quả lên đến con số 14 triệu đến 320 triệu kết quả. Rõ ràng, mức độ "nóng" của “cậu bé google” thua xa Ku Tin, Tin Tin. So sánh này có vẻ không cân xứng lắm nhưng cũng phần nào cho thấy những đứa trẻ bước ra từ showbiz luôn nổi tiếng hơn là những bạn trẻ giỏi về kiến thức. Và đó là lý do vì sao giờ đây rất nhiều những đứa trẻ cùng cha mẹ đang ngày đêm tích cực luyện tập, tham gia những gameshow để tìm kiếm những cơ hội để trở thành thần tượng, siêu nhí... Dạo quanh các cuộc thi dành cho thiếu nhi, dễ nhận ra những gương mặt thân quen. Các bé liên tục thi hết chương trình này đến chương trình khác như Đồ Rê Mí, Gương mặt thân quen nhí, VN Idol Kid, Vietnam got talent… Dĩ nhiên đồng hành cùng các em là phụ huynh. Họ bỏ công việc, thời gian để theo các con trong hành trình thi. Bé Diệp Nhi (10 tuổi) nhà ở Nghệ An tham gia Đồ Rê Mí năm 2015. Năm 2016 khán giả thấy bé xuất hiện trong VN Idol kid mùa đầu tiên. Và chỉ sau đó một thời gian ngắn, Diệp Nhi lại tham gia Gương mặt thân quen nhí. Dĩ nhiên đồng hành cùng với Nhi là mẹ và cô bé cũng đã chuyển trường vào TP.HCM để tiện việc học và thi. H.Lê |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận