12/10/2011 13:09 GMT+7

Tháng an toàn giao thông: Số người chết không giảm

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại TP.HCM trong tháng 9-2011 tuy giảm về số vụ nhưng gia tăng số người chết, toàn TP vẫn còn tồn tại hàng chục điểm đen và tuyến đường đen có nguy cơ xảy ra tai nạn cao...

Read this on Tuoitrenews.vn

Đó là những thông tin tại cuộc họp tổng kết Tháng an toàn giao thông (ATGT) diễn ra sáng 11-10 do Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chủ trì.

Z8DrWVcW.jpgPhóng to
Công an khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông ngày 26-9 dưới chân cầu Tham Lương (đường Trường Chinh, quận 12, TP.HCM) - Ảnh: SƠN BÌNH

Phê bình một số lãnh đạo quận huyện

Báo cáo của Ban an toàn giao thông TP cho biết trong chín tháng đầu năm toàn TP đã xảy ra 750 vụ TNGT, làm chết và bị thương gần 1.000 người, tăng 14 người chết so với cùng kỳ năm 2010. Riêng tháng 9-2011 có tới 8/24 quận huyện tăng số người chết do TNGT, trong đó các quận huyện 2, 7, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Cần Giờ... có số người chết vì TNGT cao nhất.

Đáng chú ý, khi được Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân hỏi về nghị quyết 88 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT, lãnh đạo các địa phương có số người chết đều không nắm được nội dung nghị quyết này. “Một nghị quyết quan trọng của Chính phủ ban hành từ cuối tháng 8-2011, UBND TP gửi tất cả quận huyện mà các đồng chí không nắm thì TNGT không giảm là đúng rồi” - ông Lê Hoàng Quân nghiêm khắc phê bình và yêu cầu lãnh đạo các quận huyện ngay lập tức chấn chỉnh tình trạng này.

Các cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân chủ yếu của TNGT do ý thức của người tham gia giao thông. Đặc biệt tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến. Nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho biết đã đi thực tế bằng xe máy và rất đau lòng khi chứng kiến có những người say xỉn nhưng vẫn lái xe và ngã ngay trước mặt ông.

Ông Lê Hoàng Quân dẫn ra ví dụ hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang được cải tạo để tạo không gian xanh cho người dân đi bộ và tập thể dục nhưng bị hàng loạt quán nhậu lấn chiếm, đồng thời khẳng định sẽ truy trách nhiệm lãnh đạo những quận huyện nào để tình trạng các quán nhậu tràn lan làm ảnh hưởng tới ATGT. Thường trực UBND TP cũng chỉ đạo duyệt ngay kinh phí sắm máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ, thiết bị cân tải trọng... để trang bị cho cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

Thành lập trung tâm thông tin chống đua xe

Về chống đua xe, đại tá Ngô Minh Châu - phó giám đốc Công an TP - cho biết đã lập Trung tâm thông tin chống đua xe trực thuộc ban giám đốc Công an TP, thiết lập đường dây nóng và mở bộ đàm 24/24 giờ giữa cảnh sát giao thông các quận huyện. Trong tháng 9-2011, Công an TP đã giải tán được bốn tốp, mỗi tốp 50-70 xe tụ tập thành đoàn, lạng lách đánh võng, rú ga nẹt pô... gây mất trật tự công cộng trên các tuyến đường.

Trước băn khoăn của phó ban chuyên trách Ban ATGT Nguyễn Ngọc Tường về tình trạng thỏa thuận “cưa đôi” mức tiền phạt giữa cảnh sát giao thông và người vi phạm, đại tá Ngô Minh Châu cho biết sẵng sàng tiếp thu các góp ý, nhưng các góp ý cần “có địa chỉ”, tên tuổi cảnh sát giao thông vi phạm mới có cơ sở để xử lý.

Kết luận buổi làm việc, ông Lê Hoàng Quân cho rằng từ nay đến cuối năm tình hình giao thông tại TP.HCM sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để kéo giảm TNGT cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cán bộ công chức phải gương mẫu và giáo dục gia đình mình thực hiện nghiêm Luật giao thông.

“Không một văn bản nào của TP có thể nêu đủ, nêu chi tiết những diễn biến khó lường của TNGT nên các quận huyện cần nắm rõ chủ trương và căn cứ tình hình thực tế địa phương của mình để thực hiện. Các lực lượng phải vào cuộc để không chỉ tháng 9-2011 là tháng ATGT, từ nay tới cuối năm tháng nào cũng là tháng ATGT” - ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Giao thông Hà Nội rối loạn nhất nhì thế giới

* 8 tỉ đồng bồi dưỡng cho lực lượng hướng dẫn, cưỡng chế phân làn

Giao thông ở thủ đô Hà Nội rối loạn cỡ nhất nhì thế giới - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nhận xét như vậy tại hội nghị giao ban chiều 11-10 về việc triển khai phân làn, tách dòng phương tiện trên bốn tuyến phố Hàng Bài - phố Huế, Bà Triệu, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Giải Phóng.

Theo ông Tân, sau gần một tháng thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện tại bốn tuyến này, khả năng thông xe tốt lên rất nhiều. Ngay trong tháng 10-2011, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện trên hai tuyến phố Nguyễn Trãi - Hà Đông và từ Kim Mã đến nút ngã tư Cầu Giấy, tiếp sau đó sẽ thực hiện phân làn, tách dòng tiếp trên sáu tuyến phố khác gồm Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy), Bắc Thăng Long - Nội Bài và tuyến Hoàng Quốc Việt.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, để thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện trên tất cả 12 tuyến cần có nguồn kinh phí hơn 23,8 tỉ đồng, trong đó có 8 tỉ đồng dành cho thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông hướng dẫn, cưỡng chế phân làn. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về 8 tỉ đồng này có phải là tiền bồi dưỡng cho lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông thực hiện phân làn, ông Tân thừa nhận: “Đúng là có tiền bồi dưỡng cho hai lực lượng trên và chi thêm mua áo mưa cho anh em khi thời tiết xấu”.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên