Phóng to |
Do thiếu vốn, đầu ra gặp khó nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, sản xuất cầm chừng - Ảnh: LÊ SƠN |
Điểm lại đôi nét về “sức khỏe” của DN trong quý 1 năm nay, báo cáo của UBND TP cho biết tính đến giữa tháng 3-2012 có 4.998 DN được thành lập (tăng xấp xỉ 31% so với cùng kỳ 2011) với tổng vốn đăng ký hơn 23.000 tỉ đồng (giảm khoảng 7%). “Điều này cho thấy DN mới thành lập chỉ đầu tư với quy mô vốn thấp” - báo cáo đánh giá.
Tuy nhiên, cũng tính đến thời điểm nói trên, ở TP ghi nhận được 931 DN đã khóa mã số thuế để giải thể tại Cục Thuế TP, song theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP, trong số này mới có 526 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tại sở, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2011 (425 DN).
Trong khi đó, một thống kê khác cũng được công bố tại cuộc họp cho biết đã có 5.012 DN gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục Thuế TP. Tuy nhiên Sở Kế hoạch - đầu tư TP cho rằng mới nhận được chưa đến 500 thông báo tạm ngưng từ DN (trong số hơn 5.000 thông báo ngưng hoạt động gửi đến Cục Thuế TP), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ 2011.
"Ngân hàng giữ vai trò rất quan trọng của nền kinh tế, nếu không chia sẻ mà chỉ tập trung lo cho lợi nhuận của mình thì một số doanh nghiệp sản xuất có thể gặp khó khăn về vốn, đình đốn sản xuất kinh doanh, lao động mất công ăn việc làm, tốc độ tăng trưởng chậm lại và ngành ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng" |
Giải thích về diễn biến bất lợi cho sản xuất công nghiệp trong ba tháng qua, UBND TP cho rằng do kinh tế còn nhiều khó khăn và thời gian nghỉ tết kéo dài là những yếu tố tác động dẫn đến những bất lợi này. Song bao trùm là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng do ảnh hưởng của giá dầu thế giới, cộng với lãi suất vẫn còn ở mức cao đã tác động đến giá thành sản phẩm, làm cho sức mua yếu, lượng hàng hóa tồn kho tăng... Tất cả những khó khăn này làm chỉ số phát triển công nghiệp TP ước tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2011 tăng đến 6,9%.
Minh họa thêm một thực tế ở khối các DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất TP, ông Nguyễn Tấn Định - phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP - nói có hơn 100 DN ngừng hoạt động, song đây là những DN nhỏ vào các khu để thuê nhà xưởng. Tuy nhiên, ông Định nói rằng nếu như năm 2011 các DN trong khu đăng ký nhu cầu sử dụng lao động khoảng 50.000 người, thì năm nay nhu cầu này được đăng ký chỉ 30.000 người, giảm rất đáng kể. Cũng theo ông Định, việc tuyển dụng lao động với nhu cầu thật sự ở các DN trong các khu đang giảm và “điều này phản ánh các DN vẫn cố gắng duy trì sản xuất nhưng không có dấu hiệu mở rộng”.
Tuy đã có một số thực tế về “sức khỏe” DN, nhưng Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà nhấn mạnh số DN ngừng, nghỉ, phá sản... cần xác định rõ thuộc nhóm ngành nghề nào, đã tham gia thị trường bao lâu, quy mô cỡ nào. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu Sở Công thương TP chậm nhất ngày 1-4 báo cáo UBND TP về tình hình cung ứng vốn cho DN. Cụ thể lãi suất thấp nhất và cao nhất mà DN trả là bao nhiêu; trong quý 1 năm nay đã có bao nhiêu DN nhận vốn từ ngân hàng. Theo bà Hồng, phải có dữ liệu chi tiết đến như vậy mới đánh giá được sát tình hình và có cơ sở để làm việc với thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành trung ương gỡ khó khăn cho DN, trong đó có vấn đề vốn (dự kiến trong tháng 4 sẽ có cuộc làm việc này).
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - khẳng định tăng trưởng tín dụng trong ba tháng đầu năm của TP.HCM là 0,43%, trong khi cả nước âm trên 2%. Ông cho rằng đây là nỗ lực lớn của các ngân hàng trong việc tài trợ vốn cho các thành phần kinh tế. “Nhưng số tuyệt đối cho vay được bao nhiêu?” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân hỏi và chưa có câu trả lời cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.
Một trong những trọng tâm của quý 2-2012 được UBND TP xác định là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, có nhiều giải pháp cơ bản được đề ra: tiếp tục cùng Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn về lãi suất, ưu tiên vốn vay cho các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, DN nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động; cam kết từ chính quyền TP hỗ trợ DN phát triển thị trường, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Các chỉ số tăng trưởng của TP.HCM quý 1-2012
Khu vực<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> |
Mức tăng quý 1-2012 (%) |
Mức tăng cùng kỳ 2011 (%) |
Ghi chú |
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) |
7,4 |
10,3 |
Ước đạt 99.384 tỉ đồng |
Khu vực dịch vụ |
8,0 |
10,0 |
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng |
6,6 |
10,9 |
Khu vực này tăng chậm hơn do ảnh hưởng giá cả đầu vào tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất và tiêu dùng |
Khu vực nông nghiệp |
4,5 |
4,2 | |
Tổng kim ngạch xuất khẩu |
8,6 |
20,7 |
Ước đạt hơn 6.249 triệu USD |
Kim ngạch nhập khẩu |
7,5 |
26,3 |
Ước đạt 6.191 triệu USD |
Chỉ số phát triển công nghiệp |
2,7 |
6,9 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận