![]() |
Thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy và vợ |
Những ý tưởng táo bạo từ con lăn xắt thuốc lá
Cảm nhận đầu tiên của tôi về ông thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy là rất đôn hậu, cởi mở, chân thành… Ông tươi cười tiếp chuyện chúng tôi:
"Nguồn gốc của mình "rặt" nông dân. Ngoài làm ruộng, tôi đã từng làm qua thợ xây, thợ mộc. Ngày còn làm nông nghiệp, quê tôi có nghề xắt thuốc lá. Tôi phải bó thuốc để trên gỗ, đẩy rồi xắt, do nhiều ma sát nên rất khó đẩy. Tôi đã tìm hiểu những chỗ để bó thuốc và làm mấy cái trục bằng con lăn. Nhờ mấy con lăn mà thuốc được đẩy đi rất nhẹ nhàng. Mọi người từ làng khác sang xem, học tập rất nhiều".
Từ những con lăn để xắt thuốc lá, lúc bấy giờ, cậu bé Nguyễn Cẩm Lũy đã dần nung nấu trong mình những ý tưởng táo báo hơn-di chuyển nhà cửa và các công trình xây dựng lớn.
Công trình đầu tiên là dời chiếc cổng tam quan ở chùa Ông Cố quê ông. Đến nay danh sách công trình di dời của ông thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy tăng nhanh theo thời gian, lên tới trên 150 công trình. Các công trình "rất ấn tượng" mà ông thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy đã di dời là miếu Bà Chúa Xứ ở Tân Châu lùi 30m, nâng cao 70cm, nặng 200 tấn; Bửu Tháp ở An Giang cao 10m phải chống lại cho thẳng; rồi một cái nhà phải dời qua một cái ao trong khuôn viên nhà thờ Tân Hòa, Phú Nhuận...
Thần đèn cũng đã đảm nhận nhiều công trình tầm cỡ như nâng đình Nại Am tại phường Hòa Cường, quận Hải Châu (Đà Nẵng) lên cao 1m để tránh ngập nước, dời hai cây đa cổ thụ đặt trước sân; chống nghiêng ngôi nhà 500m2 cao năm tầng ở Bình Chánh (TP.HCM) bị nghiêng lún. Đối với công trình đình Nại Nam ở Đà Nẵng, ông Lũy đánh giá rất quan trọng vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) và Hãng thông tấn AP đã đặt vấn đề ghi hình toàn bộ quá trình thi công này.
Thần đèn liên tục phát triển
Từ gương lao động sáng tạo của thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy, nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền Tây cũng đã xuất hiện nhiều "thần đèn" mới. Ngoài Nguyễn Trung Nguyễn con trai ông Nguyễn Cẩm Lũy được gọi vui là "thần đèn con" còn có những thần đèn cũng chống nghiêng, di dời nhà cửa khá thành công. Khi tôi nhắc đến chuyện một số kẻ mạo danh thần đèn để lừa nhiều người khác, ông Nguyễn Cẩm Lũy cười: Điều để phân biệt thần đèn thiệt hay dỏm là ở chất lượng công trình.
Khi tôi hỏi thần đèn sao "biến" được nhiều công trình thế mà không "biến" được cái nhà nào cho mình, để đến bây giờ đại gia đình thần đèn 8 người vẫn đi thuê nhà ở, thần đèn trả lời: Tôi làm toàn công trình lớn nhưng không phải lời nhiều, có khi lỗ nữa. Tại vì nghề này không lường trước được những khó khăn phát sinh, nhất là các công trình móng ngầm. Không lẽ trước khi làm nói với người ta bấy nhiêu tiền, thấy khó rồi lại đòi thêm? Hơn nữa, tôi đang đầu tư vào mua máy ép cọc và các loại máy chuyên dùng... Bây giờ phải căn cơ hơn trước mới xứng đáng là thần đèn liên tục phát triển chứ...
Trước đây thần đèn di rời nhà cửa là hoàn toàn do ý thích của mình và dựa vào những cảm nhận của bản thân. Từ khi Công ty TNHH xây dựng Cẩm Lũy thành lập (trụ sở tại 28B đường 37, khu phố 4, phường Tân Quy, quận 7), công ty có kỹ sư xây dựng nên mọi việc được tính toán chu đáo, khoa học hơn, nhưng bản vẽ của ông thì chỉ có... mình ông và nay có thêm anh "thần đèn con" Nguyễn Trung Nguyễn hiểu! Người khác nhìn vào như nhìn bụi tre gai!
Và ước muốn giản dị
Thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy tâm sự: "Ngày nay là thời buổi khoa học hiện đại, nguyện vọng của tôi là công việc phải có hiệu quả lớn nên tôi rất muốn kết hợp với ngành chuyên môn hoặc Nhà nước để tổ chức những chương trình như: chống nghiêng di dời và có thể ghi lại thành một đề tài nghiên cứu cho chính xác. Hiện nay còn rất nhiều những công trình đang xuống cấp, có thể bị đổ bất cứ lúc nào".
Ông tiếp: "Tôi thấy trách nhiệm của mình phải bảo quản, gìn giữ, nâng cao hoặc sửa chữa lại để các công trình này vững vàng, không bị xuống cấp. Tôi thấy mình tự tin, đủ khả năng làm tất cả các công trình ở Việt Nam như: Tháp Mỹ Sơn, chùa Câu, nhà phố cổ Hội An hay những nhà cao tầng".
Ngoài những công trình di tích mà ông luôn hướng tới, ông còn bộc bạch: "Tôi gắn bó vời người nông dân rất lâu, nên tôi hiểu sự khổ sở khó khăn của họ. Nỗi khổ của người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long là những cây cầu bắc qua sông thấp quá làm cản trở giao thông đường thuỷ. Làm lúa nhiều, khi đến mùa thu hoạch ghe lớn thuyền lớn chở thóc gạo vô không được. Tôi dự định sẽ nâng những cây cầu này cao lên. Ví dụ như TP.HCM có tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cầu bắc qua cũng rất thấp".
Hôm gặp ông ở Hà Nội, trong lúc đang tiếp chuyện tôi, một vài người đến tìm ông để bàn công chuyện... Ông đành cười và từ chối vì thời gian lưu lại đây quá ngắn, đành hẹn để dịp khác. Nhân đây ông nói: "Mình có đi thế này mới biết, nhu cầu di dời nhà và các công trình di tích của nước mình rất lớn. Công ty của tôi hiện mới chủ yếu hoạt động ở phía Nam. Lần này ra Hà Nội tôi rất muốn mở rộng hoạt động của mình ra ngoài Bắc".
Ông Nguyễn Cẩm Lũy, dân trong vùng gọi là "thần đèn", năm nay 55 tuổi, sinh năm Mậu Tý, trong một gia đình nông dân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ông chỉ học hết lớp 4 rồi nghỉ. Năm 21 tuổi, ông đã là một thợ xây dựng lành nghề.
Một ông thần đèn với những suy nghĩ và việc làm táo bạo. Ông theo đạo Phật từ lòng thành của mình, ao ước được làm những việc có ích, và không giấu nghề. Ông mê các di tích. Và hình như ông đang chú ý nhắm đến di tích Hoàng thành Thăng Long, dù chưa biết có việc gì cần đến mình không.
Ông cũng không giấu giếm ý định viết một cuốn sách để truyền nghề cho đời sau, trong đó phần bí quyết và kinh nghiệm sẽ chỉ có hai câu: kinh nghiệm và kiên trì... Và tôi tin rằng đó sẽ là những lời chân thành nhất được chứng minh bằng cả cuộc đời lao động sáng tạo của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận