Phóng to |
Chính điều ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ để những người con tự tin vượt khó đến trường.
Lời nguyền của người mẹ
Quê tận Quảng Bình, quanh năm lam lũ với đồng ruộng vẫn không đủ sống nên cả gia đình bà Nguyễn Thị Dậu (mẹ em Nguyễn Văn Bảy, lớp 8/1 Trường THCS Cửa Cạn, xã Cửa Cạn) phải rời xứ, đùm túm theo đàn con nhỏ tha phương đến tận miền đất đảo Phú Quốc tìm kế lập nghiệp. Nơi xứ lạ quê người, gia đình bà Dậu may mắn gặp được người dân xứ đảo tốt bụng hiểu cảnh ngộ của những người tha phương cầu thực nên cho ở nhờ trên đất họ.
Có được chỗ ở nhờ, hai vợ chồng quanh năm đầu hôm sớm khuya đầu tắt mặt tối quần quật làm mướn, lặn lội đi biển nuôi con ăn học. Tưởng đâu cuộc sống cơ hàn nhưng êm đềm nơi đất khách thì năm 2003 bà Dậu bất ngờ bị tai nạn liệt toàn thân phải nằm một chỗ ròng rã hơn hai tháng liền.
Hàng xóm cho biết tai nạn ập đến trong lúc bà đang loay hoay dọn dẹp đồ đạc ngoài sân lúc trời vừa đổ mưa thì nghe đứa con trai út than đói bụng đòi cơm. Với bản năng của một người mẹ thấy xót ruột khi nghe con than đói, bà tất tả vào nhà để nấu vội nồi cơm, không may đầu va mạnh vào thanh gỗ chắn ngang chái bếp. Cú va chạm mạnh khiến bà bật ngửa ngất đi, tỉnh dậy mới biết mình nằm một chỗ trong bệnh viện, toàn thân bị liệt. Người chồng sau đó quẫn trí hóa điên rồi tự tìm đến cái chết...
Nỗi đau quá lớn tưởng chừng bà mẹ khó thể vượt qua, nhưng khi nghĩ đến năm đứa con nheo nhóc, bà lại nén lòng, cố gượng dậy bằng mọi giá để thay chồng nuôi con ăn học. Đến khi sức khỏe dần hồi phục, bà Dậu lao vào đi làm cỏ, hái tiêu mướn rồi phát rẫy, trộn hồ, dọn dẹp vuông tôm, đắp bờ vuông..., rồi nuôi thêm con heo con gà, nấu rượu để kiếm thêm thu nhập. Bà làm tất cả những công việc người khác cần, miễn sao kiếm ra tiền nuôi con.
Cô Trần Thị Thanh Hồng, hiệu trưởng Trường THCS Cửa Cạn, cho biết: “Các con chị Dậu lớn lên trong cảnh thiếu thốn trăm bề nhưng thấy mẹ cực khổ lại càng ham học, sống tằn tiện và hết lòng đỡ đần việc nhà giúp mẹ. Riêng em Bảy sau giờ học vẫn thường đi lượm ve chai, phát rẫy mướn, giữ con cho hàng xóm kiếm tiền phụ mẹ, còn thành tích học tập thì luôn đứng đầu lớp”.
Nghĩ về những người con của mình, bà Dậu chia sẻ: “Tài sản còn lại duy nhất của tôi là năm đứa con. Ai cũng bảo tôi giỏi nuôi con nhưng thiệt tình là con tôi giỏi trước rồi mới tới mẹ nó”. Hàng xóm cho biết người mẹ này đã từng nguyền trước biển và anh linh của chồng dù khó nhọc, gian lao cách mấy trên xã đảo Cửa Cạn này cũng nhất quyết không để các con bỏ học giữa chừng.
Phóng to |
Điểm tựa cho con
Cùng cảnh ngộ thân cò nặng gánh nuôi con như bà Dậu, bà Lê Thị Hồng Hoa (mẹ em Nguyễn Thị Ngọc, lớp 7 Trường TH-THCS Bãi Bổn, xã Hàm Ninh) cũng mang nỗi đau mất chồng từ năm 2008 khi chồng qua đời sau một thời gian dài bị bệnh nan y.
Trước đây chồng bà làm nghề thợ mộc nuôi sống cả gia đình. Người chồng qua đời, bà trở thành trụ cột chính nuôi bốn người con. Công việc hằng ngày của bà là thức dậy lúc 3g sáng nạo dừa, nhóm bếp làm bánh, nấu xôi để 6g sáng mang đi bán dạo quanh xóm đảo. Trưa về nhà lo xong cơm nước cho đàn con lại xắn tay áo vá lưới thuê cho các chủ ghe cào. “Bây giờ còn sức thì có khó nhọc vì con cũng là bổn phận của người mẹ, chỉ sợ khi tôi ngã bệnh và nằm xuống là các con sẽ mất đi điểm tựa”, bà Hoa tâm sự.
Thương mẹ ốm yếu lại thức khuya dậy sớm mỗi ngày nên hai người con gái lớn bà Hoa phải tạm gác lại ước mơ đến trường khi mới học xong lớp 9, để phụ mẹ lo cho hai em tiếp tục cắp sách đến trường. Bản thân Ngọc sau giờ học vẫn thường phụ mẹ bán xôi, vá lưới, kiếm củi. Thấy Ngọc ốm yếu, mắt phải lại bị mờ từ nhỏ chưa có điều kiện chữa trị nên có lúc bà Hoa định cho con nghỉ học, nhưng thấy con ham học lại chịu thương chịu khó nên nén lòng động viên con cố gắng vượt khó.
Bà Hoa cũng cho biết khi điều kiện gia đình bớt khó khăn sẽ cho hai đứa con gái lớn đi học lại để gầy dựng một tương lai sáng sủa ngay tại xã đảo còn lắm khó khăn này.
Học bổng “Sức sống biển đảo” sẽ được trao ngày 10-12 tại Nhà Thiếu nhi Cà Mau cho 135 học sinh có hoàn cảnh khó khăn sống tại vùng ven biển và hải đảo các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Tổng kinh phí hơn 283 triệu đồng. Trong đó, mỗi học sinh THPT được nhận học bổng trị giá 2,7 triệu đồng và học sinh THCS là 1,8 triệu đồng. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với ba sở GD-ĐT và ba tỉnh đoàn tổ chức cùng Công ty cổ phần Đức Khải tài trợ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận