04/03/2016 11:33 GMT+7

​Thăm xứ sở Nghìn lẻ một đêm của nàng Scheherazade

NSƯT NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
NSƯT NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG

TT - Chúng tôi mơ được tiếp nối nàng Scheherazade kể câu chuyện về đất nước Iran hiền hòa, một nền văn hóa lâu đời và độc đáo, và các bạn mơ làm chàng Sinbad đi tìm kiếm và thám hiểm 
vùng đất xinh đẹp này...

NSƯT Hải Phượng và đoàn ca nhạc Iran tại nước bạn - Ảnh: NVCC
NSƯT Hải Phượng và đoàn ca nhạc Iran tại nước bạn - Ảnh: NVCC

Chương trình hội chợ triển lãm du lịch quốc tế lần thứ 9 vừa diễn ra tại Tehran (Cộng hòa Hồi giáo Iran) trong tháng 2. Tham gia hội chợ để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam, NSƯT Hải Phượng vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về những ấn tượng khó quên ở xứ sở này.

Hạ cánh xuống phi trường Imam Khomeini sau chặng bay dài hơn tám tiếng từ Việt Nam, ra khỏi máy bay, những người phụ nữ lấy trong túi xách ra những chiếc khăn và bắt đầu giấu mái tóc sau chiếc khăn choàng.

Nhớ choàng khăn, dù bạn là ai

Cứ tưởng chỉ có phụ nữ Iran mới choàng khăn, ai dè tất cả phụ nữ đều như thế. Dù bạn là ai, dù bạn thuộc đất nước nào, nhưng nếu là phụ nữ thì vẫn phải theo phong tục nơi đây: phải ăn mặc kín đáo khi ra khỏi nhà, và nhất là không bao giờ được ra đường mà thiếu khăn choàng trên đầu.

Còn khi vào thăm những nơi tôn nghiêm như lăng tẩm, đền đài thì phụ nữ Iran choàng những tấm áo đen che kín từ đầu xuống chân, phụ nữ nước ngoài cũng được phát những tấm khăn choàng che kín mít toàn thân, chỉ được chừa khuôn mặt.

Ngay trong hội chợ du lịch, tất cả các đoàn nghệ thuật đến từ nước ngoài cũng phải tuân thủ nguyên tắc choàng khăn dù mặc bất cứ trang phục nào. Bởi thế mới có hình ảnh mặc áo dài biểu diễn mà choàng khăn, mặc trang phục múa với những bộ váy tha thướt cũng phải choàng khăn.

Nếu tinh ý thì cũng dễ dàng nhận ra ai là dân choàng khăn “thứ thiệt”, ai là dân mới tập thích nghi. Người phụ nữ Iran mùa này thường dùng những chiếc khăn màu tối như đen, xanh đậm, nâu, xám... hay nhạt như vàng.

Họ quấn khăn với những động tác dứt khoát, chiếc khăn nằm gọn ghẽ và rất ít khi rơi khỏi vai. Còn phụ nữ các nước khác thì lại thích dùng những màu nổi như hồng, đỏ, cam... và cứ chốc chốc lại hốt hoảng sờ lên đầu xem khăn có còn ở đó không!

Người Iran thân thiện và dễ mến. Họ thích chụp hình và thường chủ động chạy đến chụp hình chung. Trong những ngày hội chợ, gian hàng Việt Nam lúc nào cũng đông đúc những người đến xem.

Họ rất thích tìm hiểu về văn hóa, về âm nhạc Việt Nam và quan tâm đến việc đi du lịch Việt Nam. Họ hỏi thăm cặn kẽ về từng cây đàn, rồi lần sau chính họ lại là người giải thích bằng tiếng Iran cho những người khách khác.

Gian trưng bày của Việt Nam còn đón tiếp nhiều bạn bè Iran ở các nhóm nhạc biểu diễn tại các khu vực khác nhau thường xuyên chạy sang để cùng chơi, cùng hòa nhạc.

Các bạn nói rằng ở đây chủ yếu người chơi nhạc là nam giới nên thật ngạc nhiên khi thấy nữ giới Việt Nam cũng biết đánh đàn.

Hàng chục nhà hát lớn nhỏ ở Tehran

Chúng tôi được mời đi xem một vở kịch đương đại tại nhà hát Son’s of Adam nằm trong khu vực trung tâm của Tehran. Có khoảng hàng chục nhà hát lớn nhỏ ở Tehran phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân.

Gọi là nhà hát nhưng thật ra đây là khán phòng nhỏ, thiết kế dạng mở như kiểu sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP.HCM), có sức chứa khoảng 100 khách. Sân khấu này mới khai trương được khoảng sáu tháng nhưng đã có tần suất hoạt động khá tốt.

Vở kịch chúng tôi xem là vở diễn vào suất thứ ba trong ngày, bắt đầu lúc 21g15 và diễn ra trong khoảng một tiếng.

Vở nói về thân phận của con người, là kịch đương đại nên không có cảnh trí, thay vào đó đạo diễn đã khai thác tối đa hiệu ứng về ánh sáng tạo nên những khoảnh khắc tuyệt đẹp.

Thêm vào đó, vở kịch chủ yếu sử dụng nhiều động tác hình thể để lột tả nội tâm nhân vật nên dù không hiểu ngôn ngữ nhưng người xem vẫn dễ dàng bắt kịp mạch đập của tác phẩm.

Điểm đặc trưng dễ nhận nhất là bộ quần áo thiết kế cũng có cái khăn trùm đầu che kín tóc tai của nữ diễn viên.

Thêm một điều tế nhị nữa mà anh chàng đạo diễn 31 tuổi tiết lộ cho chúng tôi là phải biên đạo các động tác làm thế nào để vừa đẹp vừa diễn tả nội dung tác phẩm mà lại không được có một sự đụng chạm nam nữ, cho dù là một cái bắt tay.

Ngoài trời gió lạnh, nhiệt độ khoảng 9oc, nhưng những nụ cười, những giọt mồ hôi, những gương mặt hạnh phúc của diễn viên, những tràng pháo tay không dứt của khán giả làm ấm cả khán phòng.

Chợt nhớ lần đi diễn vở Sương sớm cùng vũ đoàn Arabesque ở Hà Nội, khán giả phải co ro trong áo lạnh mà áo diễn viên thì ướt đẫm mồ hôi. Mới hay, đã làm nghề chân chính, sống trọn với niềm đam mê của mình thì ở đâu cũng như nhau, cũng hạnh phúc khi được cháy hết mình cho nghệ thuật.

Một bảo tàng âm nhạc cho TP.HCM?

Tham dự hội chợ, về phía TP.HCM có Công ty du lịch Vietravel và ban nhạc dân tộc gồm bốn nghệ sĩ Nhạc viện TP.HCM. Đoàn đã giới thiệu âm nhạc dân tộc tại gian hàng Việt Nam trong suốt chương trình triển lãm và biểu diễn trong chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam qua âm nhạc và phim ảnh được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam ở Iran.

Tehran là thành phố thung lũng, bao quanh bằng những ngọn núi, do đó đường đi ở đây khi thì phải lên những con dốc cao, khi thì cứ như tuột xuống dưới đáy.

Lại nữa, những căn nhà hai bên đường có các cánh cổng nhiều họa tiết vô cùng đẹp đẽ đủ níu chân người xa lạ.

Loay hoay đi lên đi xuống những con dốc dựng đứng, vài lần bị lạc đường vì không hiểu bảng tên đường, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến - Bảo tàng âm nhạc Iran.

Bảo tàng tọa lạc trong một ngôi biệt thự xây bằng đá, có một tầng, bao quanh là khu vườn nhỏ yên tĩnh. Ở một góc vườn có xây những bậc tam cấp vừa làm đẹp cho khu vườn mà còn có thể trở thành sân khấu hòa nhạc nho nhỏ.

Tầng trệt phía trong chủ yếu trưng bày các loại nhạc khí dân tộc của Iran như Tamburak Baluchestan, Robabv Baluchestan, Kamanche, bộ sưu tập các loại sáo, kèn, các loại trống. Có những nhạc khí cổ xưa nhưng cũng có nhạc khí mới sáng chế.

Tầng trên có thư viện, phòng lưu trữ hiện vật của một số nhạc sĩ nổi tiếng và phòng trưng bày đàn cimbalom (tương tự đàn tam thập lục ở Việt Nam).

Người tham quan có thể nghe những âm thanh của nhạc khí qua những máy phát nhạc nhỏ gắn trên tường giống như nhiều bảo tàng trên thế giới.

Có lẽ ấn tượng nhất là phòng lưu trữ hình ảnh và âm thanh với số lượng đĩa đồ sộ chủ yếu là tiếng Farsi. Tôi mua một vé vào cửa với giá 50.000 rial - khoảng 35.000 đồng.

Nghe nói không chỉ khách nước ngoài mới tìm đến đây mà các em học sinh cũng thường được thầy cô dẫn đến tham quan để hiểu thêm về âm nhạc của người Iran.

Một bảo tàng với quy mô như thế này thật không khó đối với một thành phố văn hóa như TP.HCM. Hiện vật chúng ta không thiếu, tài liệu, tư liệu... chúng ta tương đối phong phú.

Chúng ta lại có rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận, nhưng chúng ta sẽ giới thiệu những gì về âm nhạc cho những người nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam, giới thiệu gì cho lớp trẻ hiểu về văn hóa của cha ông?

Ấn tượng về xứ sở huyền bí trong câu chuyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm vẫn là những ấn tượng khó phai cho những ai lần đầu đặt chân đến nơi đây.

Riêng chúng tôi mơ lại được tiếp nối nàng Scheherazade kể câu chuyện bằng âm nhạc về một đất nước hiền hòa, một nền văn hóa lâu đời và độc đáo, để một ngày nào đó các bạn sẽ mơ làm chàng Sinbad đi tìm kiếm và thám hiểm vùng đất xinh đẹp này.

Bạn hỏi tôi ngày nghỉ thường làm gì? Tôi nói đi nhà sách, đi siêu thị, đi chơi cùng bạn bè, đàn ông thì đi nhậu... Bạn nói chúng tôi không uống bia rượu (luật Hồi giáo) nên ngoài việc giải trí bằng sách vở, xem kịch, mua sắm thì chúng tôi thường đi chơi ở công viên.

Bạn hỏi tôi thành phố có bao nhiêu công viên? Tôi nhớ hình như chục cái. Bạn nói ở Tehran có khoảng 800 công viên lớn nhỏ. Mỗi công viên đều có những khu vui chơi của trẻ con, những dụng cụ tập thể dục ngoài trời cho mọi người (tương tự như ở khu vực kênh Nhiêu Lộc, TP.HCM).

NSƯT NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên