20/05/2010 19:09 GMT+7

Tham nhũng trong giáo dục: nhiều hay ít?

H.GIANG
H.GIANG

TTO - Chương trình tọa đàm kéo dài cả ngày 20-5 do Đại sứ quán Thụy Điển, Tổ chức Hướng tới Minh bạch và Tổ chức Minh bạch quốc tế tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận, bình luận sôi nổi từ giới quản lý giáo dục đến người trực tiếp làm công tác giáo dục.

Nhiều ý kiến khẳng định tham nhũng có tồn tại trong ngành giáo dục VN và cần phải trả lại tên cho các hiện tượng mà chúng ta quen gọi tiêu cực là tham nhũng.

sCEYLb6O.jpgPhóng to
Môi trường giáo dục là môi trường trong sáng. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM - Ảnh: H.HG (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ít tiền = ít tham nhũng?

Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hà Nội, chỉ ra những nguy cơ tham nhũng trong giáo dục đại học có thể xảy ra với ngân sách Nhà nước cấp.

Cụ thể như xây dựng cơ bản, nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, chi thường xuyên; hai là sử dụng nguồn tài trợ ODA của các nước hoặc các tổ chức quốc tế; tuyển sinh tuyển dụng, kết quả học tập; mua sắm trang thiết bị; thu hợp pháp-bất hợp pháp, không đúng quy định.

Với những nguy cơ như trên, ông Châu nhận định: “Tham nhũng trong các trường đại học công lập rất ít, không nhiều, không nghiêm trọng”.

Nhận định này được ông Châu đưa ra trên cơ sở “thực tế chưa thấy phát hiện các vụ tham nhũng lớn trong các trường ĐH công lập.”

Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đưa ra một lý do dẫn đến khả năng tham nhũng trong trường đại học công lập thấp là do ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục đại học ít.

Ông nêu ví dụ: “Ngân sách Nhà nước hàng năm dành 20% cho giáo dục, tất cả các cấp học, gọi là nhiều nhưng tính ra tiền Việt rất ít ỏi. Năm 2008 khoảng hơn 80 ngàn tỉ đồng; 2009 hơn 90 ngàn tỉ; 2010 hơn 100 ngàn tỉ, chỉ bằng 5 tỉ đôla. Năm tỉ đôla cho một hệ thống giáo dục quốc dân như vậy rất ít ỏi. Với các nước phát triển thì số tiền đó có thể chỉ cấp cho một trường. Chi cho GD đại học chỉ chiếm 10-12% ngân sách. Tiền cấp ít thì cơ hội tham nhũng ít.”

Tọa đàm này là bước chuẩn bị cho Đối thoại chống tham nhũng lần thứ 7 giữa chính phủ và các đối tác phát triển vào ngày 28-5 tại Hà Nội.

Với lập luận tương tự, ông Châu giải thích các lý do khác dẫn tới nhận định có ít tham nhũng trong hệ thống đại học công lập: “Nguồn vốn ODA cấp cho giáo dục cũng không nhiều lắm. Việc thực hiện dự án ODA chịu quy định nghiêm ngặt về đấu thầu, giải ngân, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan VN và phía tài trợ. Nguồn học phí thu từ sinh viên được quản lý chặt chẽ, sau khi thu nộp vào Kho bạc Nhà nước, muốn lấy ra phải có dự án kèm theo thì mới được rút. Tuyển sinh thì kỳ thi vào các trường đại học công lập hiện nay được tổ chức nghiêm ngặt. Ngay cả hiệu trưởng như tôi cũng khó có thể có tiếng nói trong việc xin thêm".

Không đồng tình với lập luận của ông Châu, bà Bùi Trần Phượng từ Đại học Hoa Sen cho rằng ít tiền dẫn đến nhiều nguy cơ vì khiến tăng nguy cơ cám dỗ bởi tiêu cực ngoài và trong nhà trường. Do đó, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, theo bà Phượng, “cần được quản lý chuyên nghiệp, cần bảo đảm điều kiện làm việc, nghỉ ngơi cho giáo viên, làm sao để giáo viên có thể làm toàn thời gian và được trả lương, đãi ngộ xứng đáng ở một cơ sở giáo dục.”

Theo bà Phượng, sự thiếu minh bạch và tính chịu trách nhiệm trong hệ thống giáo dục của VN khiến xã hội mất lòng tin vào các giá trị như lòng trung thực, lương thiện, công lý; ảnh hưởng các mối quan hệ bè bạn, thầy trò và tán phá nhân phẩm công dân tương lai.

Dễ dãi chấp nhận tiêu cực

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đại học quốc tế Trí Việt, cho rằng ngoài tham nhũng vì nhu cầu cơm-áo-gạo-tiền và tham nhũng vì tham lam, còn có một loại tham nhũng khác rộng hơn nhìn từ góc độ xã hội: tham nhũng vì buông thả.

“Có lẽ chúng ta phải tự nhìn lại mình. Chúng ta có văn hóa buông thả, không nghiêm khắc với chính bản thân mình. Đây là điều đáng buồn. Chúng ta dễ dãi chấp nhận tiêu cực quá”, bà Ninh nói.

Nhiều đại biểu đồng tình với lời kêu gọi của bà Phượng từ ĐH Hoa Sen: “Hãy đãi ngộ giáo viên bằng cơ chế quản lý bảo đảm họ có điều kiện và môi trường làm việc trong sáng và hiệu quả; bằng tăng thu nhập minh bạch bằng lương và sửa đổi cơ chế gây tổn hại uy tín và lòng tự trọng nghề nghiệp của người làm giáo dục. Phải bảo vệ người chống tiêu cực trong giáo dục: đó là người quản lý từ chối đẻ ra các quy chế chỉ để làm hài lòng cấp trên hay học sinh; nhà giáo kiên quyết bảo vệ công bằng trong đánh giá học sinh, người học từ chối quay cóp, ăn gian...”

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên