Quốc hội thảo luận báo cáo của các cơ quan tư pháp:
![]() |
Đại biểu Trần Huỳnh Mến: phải truy hỏi đến cùng người làm công ăn lương mà tiêu xài quá lớn... - Ảnh: N.C.T. |
Đó là những nội dung lớn được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đặc biệt quan tâm, bàn biện pháp tháo gỡ khi thảo luận các báo cáo của Chính phủ, viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, chánh án Tòa án tối cao về công tác tư pháp ngày 4-11.
Tai nạn giao thông: nỗi khiếp sợ!
“Một người bị giết, Công an Hà Nội huy động hơn 500 cảnh sát vào cuộc, chỉ hơn hai ngày là bắt được, gây xôn xao dư luận cả nước. Thế mà 13.000 người chết một năm, tức trung bình 30-40 người chết trong một ngày, mọi người lại coi như chẳng có chuyện gì xảy ra...”.
Lời nhận xét hơi “khập khiễng” của ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) khi thảo luận về tình hình tai nạn giao thông khiến nhiều ĐB Quốc hội không khỏi suy nghĩ. ĐB Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) kể: cử tri tỉnh ông có hai điều sợ nhất hiện nay, một là ra đường chết oan do tai nạn, hai là về nhà con mình nghiện ma túy.
Tai nạn nhiều là vì thứ nhất người lái chưa nắm hết luật, hai là xe cộ không tốt và ba là bằng cấp lung tung. Cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc tóm gọn ba nguyên nhân chỉ trong một câu phát biểu. Nhân thể ông cũng tỏ ý lo ngại: nguyên nhân thì như vậy, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục xử lý trên đường không thôi thì “liệu có giải quyết được vấn đề” hay mới chỉ “giải quyết phần ngọn”? Rồi ông kể mấy anh tài xế quen bảo bây giờ xe muốn biển số đẹp chỉ cần bỏ ra... 50 triệu đồng, rồi bằng lái xe, từ xe gắn máy đến ôtô... không phải là không mua được. Nếu tình hình này vẫn còn thì “tai nạn tiếp tục xảy ra vẫn là chuyện bình thường” - ĐB Lộc kết luận.
|
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - ĐB Phan Đình Trạc - cũng đề nghị siết chặt các qui định liên quan đến tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, vấn đề “xe ma” và đặc biệt phải có qui định cấm cán bộ, đảng viên “xin xỏ” cho người thân hoặc can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý của cảnh sát giao thông (mà trong ngành công an hiện đã làm rồi).
Giàu bất chính thì... không khoan nhượng!
“Nước mình trong sạch quá...” - ĐB Nguyễn Lân Dũng hóm hỉnh khi bình luận báo cáo của các cơ quan tư pháp. Trong năm 2004, theo những báo cáo này chỉ có 13 vụ án nhận hối lộ bị khởi tố, trong đó có chín vụ bị truy tố. Ông đề nghị việc lãng phí “mà lấy riêng cho mình” cũng phải được xem là tham nhũng, chẳng hạn tiêu chuẩn một “sếp” được đi ôtô 600 triệu đồng thế mà cứ đi xe 1-1,2 tỉ. “Thế là tham nhũng, không chỉ tịch thu xe mà phải xử theo tội tham nhũng”. Ông kiến nghị Quốc hội “tết này ra tay quyết liệt xem nạn hối lộ có giảm hay không”.
Không chắc rằng số thất thoát trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản là 30%, nhưng ông Trương Hòa Bình nhận định: các vụ án loại này đều có tỉ lệ thất thoát rất lớn, hậu quả nghiêm trọng. “Khó khăn lớn là chúng ta thiếu cơ quan chuyên môn có khả năng thẩm định thất thoát trong lĩnh vực này nên khó xác định tổn thất kinh tế trong các vụ án lận thuế VAT, buôn lậu... đều diễn biến phức tạp bởi chúng luôn nấp dưới bóng cơ quan nhà nước, rất khó phát hiện.
Sự tha hóa, biến chất và phát triển tội phạm trong số cán bộ nhà nước được ông nêu hình ảnh: trước đây tội tham ô, tham nhũng là lẻ tẻ, cá nhân thì giờ đây đã phát triển lên bước tập thể, qui mô lớn, hình thức tinh vi.
Theo ông, qua điều tra thì thấy: số vụ tham nhũng ở cấp trung ương chỉ phát hiện được qua điều tra chứ không có sự tố giác, trong khi ở phía dưới thì đa số là bị tố giác. Trình bày một loạt nguyên nhân dẫn tới tội phạm, nhất là loại tội phạm cấu kết với cán bộ trong bộ máy để phạm tội, ĐB Trương Hòa Bình đặt một dấu hỏi: “Việc cất nhắc cán bộ giữ trọng trách, tổ chức bộ máy có vấn đề gì không mà để bọn tội phạm khoan thủng, để một số trở thành đồng phạm, bao che tội phạm?...”.
Cho rằng: “Cần giám sát được việc làm và thu nhập của cán bộ, công chức” - ĐB Trần Huỳnh Mến đưa ra “giải pháp” chống tham nhũng: “Người làm công ăn lương mà tiêu xài quá lớn, không có nguồn gốc rõ ràng, truy hỏi đến cùng “ắt khó mà giải thích được”.
Chia sẻ ý kiến với ĐB Mến, ông Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) đặt vấn đề: chỉ một ông giám đốc sở mà hai con đi học nước ngoài mỗi năm tốn 20.000 - 30.000 USD, tiền này ở đâu ra, ông kinh doanh cái gì, lương ông bao nhiêu... Nếu chúng ta quyết tâm làm rõ thì “việc này ở trong tầm tay” - ĐB Đức nói. “Ta không ôm mãi cái nghèo, nhưng làm giàu từ những việc bất chính thì đấu tranh không khoan nhượng”.
Quay qua phía các bộ trưởng, ĐB Nguyễn Mạnh Đức nói: “Thưa các bộ trưởng, chúng tôi tín nhiệm bầu các đồng chí lên, hiện nay ở một số bộ xảy ra như thế (vụ quota dệt may ở Bộ Thương mại, vụ dầu khí, thất thoát ở các công trình Sea Games...) thì các đồng chí chịu trách nhiệm gì trước Quốc hội? Nếu các đồng chí thấy vẫn “bình thường thôi’ thì rất khó...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận