Công nhân vác gạo ở Tangerang, Indonesia. Cơ quan chống tham nhũng của Indonesia vừa tuyên bố sẽ tiến hành điều tra liên quan chính sách tài trợ giá lúa gạo - Ảnh: Reuters |
Theo báo Guardian, One mô tả đây là “vụ xìcăngđan 1.000 tỉ USD”. “Tham nhũng đe dọa đầu tư tư nhân, làm giảm tăng trưởng kinh tế, tăng chi phí kinh doanh và dẫn tới bất ổn chính trị. Nhưng ở các nước đang phát triển, tham nhũng là thủ phạm giết người” - One khẳng định.
“Khi các chính phủ bị tổn thất nguồn lực dùng để đầu tư vào y tế, an ninh lương thực, xây dựng hạ tầng cơ bản thì sẽ dẫn tới thiệt hại sinh mạng con người và những nạn nhân lớn nhất chính là trẻ em” - tổ chức phi chính phủ Mỹ khẳng định.
One ước tính một khối tài sản khổng lồ, lên tới 20.000 tỷ USD đang được che giấu tại các thiên đường trốn thuế, bao gồm 3.200 tỷ USD xuất phát từ các nước đang phát triển. One cho rằng xóa được nạn tham nhũng không chỉ cứu 3,6 triệu sinh mạng mỗi năm ở các nước nghèo từ năm 2015 đến 2025 mà còn ngăn chặn 4,3 triệu cái chết ở các nước có thu nhập trung bình thấp.
Báo cáo của One ước tính nếu chỉ riêng vùng châu Phi hạ Sahara xóa được nạn tham nhũng thì thế giới sẽ có đủ kinh phí để đảm bảo cơ hội giáo dục cho thêm 10 triệu trẻ em mỗi năm, trả lương cho thêm 500.000 giáo viên tiểu học, cung cấp thuốc chữa HIV/AIDS miễn phí cho hơn 11 triệu người…
One kêu gọi hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane (Úc) vào ngày 15 và 16-11 sắp tới đưa ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt “nền văn hóa bảo mật” đã tạo cơ hội cho nạn tham nhũng và tội phạm hoành hành tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo.
One cũng đề xuất chính phủ các nước ra luật minh bạch thông tin trong các ngành khai thác dầu, khí, khoáng sản… để ngăn chặn tình trạng tài nguyên thiên nhiên các nước bị đánh cắp. One nhấn mạnh G-20 cần hành động mạnh tay để trừng trị các công ty, cá nhân trốn thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận