Phóng to |
Mỗi bước chân đi trên đất nước chùa tháp cổ kính này với các cựu binh và du khách là nỗi bồi hồi, xúc động...
Chào cờ trên đất bạn
Dừng chân làm thủ tục xuất cảnh ở cửa khẩu Mộc Bài, hai du khách từng là cựu binh Trần Văn Hiền và Nguyễn Mạnh Hùng nhận ra nhau trong nước mắt. Năm 1978, tại Anlong Veng (tỉnh Udor Meancheay, Campuchia) hơn 100 người của tiểu đoàn 3 bị quân Khơme Đỏ bao vây, khi tiểu đoàn của Hùng đến giải vây thì chỉ còn hơn 10 người sống sót. Biên giới Tây Nam, thủ đô Phnom Penh, tỉnh Kompong Cham, Kompong Thom, Siem Reap... mỗi điểm mốc đi qua trên trục đường quốc lộ 7, 6 là những hồi ức bồi hồi với những du khách từng là người lính chiến trường K. Qua bộ đàm gắn trên 30 chiếc ôtô, những câu chuyện về chiến trường xưa và thông tin về đất nước, con người CPC cứ đan xen nhau.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ CPC và quân tình nguyện VN Veay Sop tại Siem Reap lần đầu tiên đón đoàn khách du lịch VN. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong lời bài hát quốc ca run run xúc động của hơn 140 du khách - đó là ngày thứ hai 30-4-2007. Phút mặc niệm tưởng nhớ những chiến sĩ VN đã hi sinh trên khu vực Tây Bắc CPC lắng đọng, bùi ngùi. Nghĩa của từ Veay Sop là cánh đồng có nhiều xác chết, là nơi nằm lại của chiến sĩ cả hai nước hi sinh thời kỳ Khơme Đỏ. Năm 2002 hài cốt được cải táng, nơi đây được Quân khu 4 của CPC xây dựng thành đài tưởng niệm. Thắp nén nhang, anh chị Quang và Hương bộc bạch: “Một chuyến đi du lịch nhưng đầy ý nghĩa lịch sử. Giây phút thiêng liêng này sẽ hằn sâu trong tâm trí chúng tôi”.
Quyển sổ lưu niệm của đài tưởng niệm đã dày thêm với những nét chữ Việt của du khách.
Rưng rưng hội ngộ
Phóng to |
Cựu binh Mạnh Hùng và già Thái ở Chong Kan tỉnh Siem Reap vui mừng gặp lại sau gần 20 năm - Ảnh: T.oanh |
Du khách tham quan quần thể di tích Angkor kỳ vĩ vẫn còn thấy những vết đạn của một thời chiến tranh nơi đây. Còn một số cựu binh trung đoàn 88, sư đoàn 302 tiếp tục hành trình tìm lại những nơi đồng đội đã ngã xuống và các phum (ấp, xóm) từng nuôi quân năm xưa. Trên quốc lộ 6 sâu vào vùng Tây Bắc, nắng nóng như lửa đốt khiến mọi người không sao quên được ngày khát nước 17-4-1979.
Ngày ấy tất cả con suối dọc lộ trình hành quân bộ đều cạn khô, cả tiểu đoàn kiệt quệ. Rất nhiều chiến sĩ đã phải nằm lại chờ tiếp cứu. Vào địa phận huyện Kra Lanh, sự xúc động không sao kìm nén trong các cựu binh. Cánh đồng trống hoác bị Khơme Đỏ phục kích. Từ xa đã nhận ra chiếc cầu lịch sử O Chik (ranh giới giữa hai tỉnh Siem Reap và Udor Meancheay). Phương kể : “ Khi tiểu đoàn đến thì cầu đang bị đốt cháy dang dở. Khơme Đỏ phá cầu để ngăn bước tiến của quân tình nguyện. Cây cầu ấy được bộ đội đặt tên là cầu Cháy”. Những nén nhang, bình rượu, điếu thuốc chuẩn bị từ quê nhà tưởng nhớ đồng đội được các cựu binh rưng rưng cắm bên vệ đường.
Huyện Chong Kan, tỉnh Siem Reap là nơi trung đoàn 88 đóng quân lâu nhất để giúp bà con xây dựng chính quyền. Già Thái ở Chong Kan nghẹn ngào ôm lấy những người con của 20 năm trước. “Ngày nào cũng trông được gặp lại bộ đội”, già Thái rưng rưng nói. Làm sao có thể quên được khi từng chiếc áo của chiến sĩ bị rách đều nhờ già Thái may vá lại, vợ già Thái cũng nấu cơm nuôi quân như những đứa con ruột thịt...
Chuyến này đi, ông Hùng ghi chép rất cẩn thận vì có thêm nhiệm vụ đi tiền trạm chuẩn bị cho nhóm cựu binh của đơn vị mình trở lại chiến trường xưa. Gần như khắp nơi trên đất nước chùa tháp cổ kính đều có ký ức những đoàn quân tình nguyện VN...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận