24/10/2015 08:10 GMT+7

Tham bát, bỏ mâm

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TT - Một giọt “tinh chất” có thể thành một ly cà phê “đặc sản Ban Mê”; một ít đất đỏ cao nguyên có thể phù phép khoai tây Trung Quốc thành khoai tây thương hiệu Đà Lạt.

Nhân viên một quán tạp hóa giới thiệu “tinh chất” cà phê bán cho khách hàng - Ảnh: Trung Tân

Thông tin trên mặt báo đắng ngắt đối với những ai là tín đồ của cà phê Đắk Lắk và nông sản Đà Lạt.

Từ lâu, nói tới cà phê người ta nghĩ ngay tới Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Tây nguyên.

Tương tự như vậy, nói tới nông sản nói chung, khoai tây nói riêng, Đà Lạt là một trong những địa danh được nhớ tới đầu tiên.

Vậy mà những thương hiệu này lại đang là nạn nhân của chính một bộ phận người dân cao nguyên. Vì những món lợi trước mắt, một số tiểu thương đang tự tay bôi bẩn nồi cơm của mình.

Tham bát bỏ mâm, thấy cái được trước mắt mà sẵn sàng hi sinh cả lợi ích lâu dài là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi.

Không riêng gì cà phê, khoai tây, dư luận đã nhiều lần nhức nhối với chuyện bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào heo, nạn “chặt chém” ở các khu du lịch... điển hình cho kiểu làm ăn thu lợi trước mắt nhưng lại tàn phá “cần câu cơm” của chính mình trong lâu dài.

Nói đến thương hiệu, chợt nhớ tới câu chuyện của Starbucks, chuỗi tiệm cà phê hàng đầu thế giới. Cuối năm 2009, trong cuộc tái cấu trúc lớn nhất của Starbucks trong vòng 20 năm gần đây, ông chủ của thương hiệu này quyết định ngưng bán món bánh mì trong chuỗi tiệm cà phê của mình.

Quyết định đó sẽ lấy đi 3% lợi nhuận của Starbucks trong thời điểm hết sức khó khăn mà ông gọi là “ngàn cân treo sợi tóc”.

Lý do dẫn đến quyết định này là vì vào một buổi sáng khi bước vào tiệm, ông nghe mùi bánh mì nướng với mùi phô mai cháy tỏa ra át hết cả mùi cà phê đặc trưng của Starbucks. Đó là điều không thể chấp nhận được đối với một thương hiệu đã quá quen thuộc với người dùng toàn cầu.

Gần hai năm sau, cuối cùng thì món bánh mì đã được khôi phục nhưng dưới sự cải tiến chặt chẽ của thiết bị nướng và nhiều yếu tố khác, để đảm bảo một điều duy nhất: trả lại không gian “nhà hát cà phê” cho Starbucks.

Trở lại với cà phê Đắk Lắk và khoai tây Đà Lạt, điều gì sẽ xảy ra nếu như những thương hiệu này bị xâm hại? Trước hết là sự nghi ngại của người tiêu dùng, dẫn tới tẩy chay ở thị trường trong nước.

Thiệt hại lớn hơn là thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh những điều kiện nghiêm ngặt trong thương mại quốc tế đang ngày càng đặt ra một cách cấp thiết đối với nông sản của Việt Nam.

Bảo vệ thương hiệu không là việc của riêng ai. Ngoài trách nhiệm của tiểu thương, vai trò quản lý nhà nước cũng cần đặt ra.

Bởi thật khó tin khi vị chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, nói rằng khó bắt quả tang việc phù phép cà phê, trong khi chỉ mất một vài ngày các phóng viên đã có thể mua được “tinh chất” vốn là một chất hóa học để “chế biến” thành cà phê.

Đối với khoai tây Trung Quốc, chính quyền TP Đà Lạt đã chẳng đặng đừng phải đưa ra quyết định cấm cửa mặt hàng này tại chợ nông sản Đà Lạt.

Có lẽ giải pháp căn cơ và hợp lý hơn phải là truy được tận gốc những ai “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc để có biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

“Thật thà, thẳng thắn, trung thực thường thua thiệt”! Câu nói thường gặp của kiểu làm ăn chụp giật, tham bát bỏ mâm xưa kia, nay đã đến lúc phải sửa lại thành “thật thà, thẳng thắn, trung thực thì thắng to”!

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên