Nhưng với đợt biểu tình lần này, theo New York Times, tình hình có thể khác: giới đầu tư và kinh doanh ngày càng khó chịu với bế tắc chính trị ở nước này.
![]() |
Khủng hoảng chính trị kéo dài ở Thái Lan khiến giới đầu tư phải lo ngại - Ảnh: Reuters |
Tình hình diễn ra giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang đồng loạt rút tiền ra khỏi một loạt thị trường mới nổi trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Argentina và một loạt nước khác đang liêu xiêu khi dòng tiền rẻ (từ các nhà đầu tư) đột ngột bị chặn lại sau khi cục dự trữ liên bang Mỹ quyết định rút dần lại gói kích thích kinh tế của mấy năm trước.
“Hồi 2010, các nhà đầu tư phương Tây hầu như sẵn sàng mua bất cứ thứ gì liên quan tới châu Á” - Frederic Nemann, người phụ trách về kinh tế châu Á tại HSBC nói. “Giờ họ hỏi rất nhiều câu hỏi và không còn chấp nhận tình trạng bất ổn chính trị nữa” .
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan trong khi đó đã kéo dài suốt từ sau cuộc đảo chính thủ tướng THaksin Shinanwatra từ 2006 tới nay với các đợt biểu tình cứ mỗi năm lại xuất hiện vài lần. Cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 11 lần này đã leo thang và chính quyền thì đã ra sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đối với Bangkok và các khu vực lân cận.
Cuộc bầu cử trong ngày Chủ nhật (2-2) dù có được tiến hành sẽ không thể giải quyết được bế tắc chính trị hiện tại: chính phủ bà Yingluck có thể đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật vì tiến hành bỏ phiếu quá một ngày và có 28 khu vực bầu cử ở phía Nam hiện không có ứng viên vì bị lực lượng biểu tình ngăn không cho đăng ký bầu cử.
Rủi ro đối với Thái Lan là các nhà đầu tư có thể lựa chọn gửi tiền của mình sang các địa điểm lân cận như Myanmar hay Philippines. Thị trường chứng khoán Thái Lan đã rớt hơn 10% kể từ tháng 11. Số lượng khách du lịch tới nước này cũng đã giảm.
Nhiều tập đoàn, lo ngại về xu thế phát triển chậm lại ở Thái Lan đã giảm ngân sách quảng cáo hay lùi thời hạn giới thiệu sản phẩm của mình trong mấy tuần gần đây.
Đại diện Toyota ở Thái Lan trong tháng này cảnh báo tập đoàn này có thể phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư thêm 600 triệu USD tại Thái Lan nếu khủng hoảng chính trị cứ tiếp tục.
“Chúng ta đã thấy dấu hiệu chậm lại ở một loạt lĩnh vực, cả với các công ty quốc tế và trong nước,” ông Wannee Ruttanaphon, chủ tịch Hiệp hội truyền thông Thái Lan nói. Kinh doanh của một loạt công ty trong tháng này đã rất chậm và dự kiến là còn tiếp tục yếu trong tháng tới. “Các công ty giờ đều áp dụng chiến thuật chờ đợi.”
Thị trường bất động sản ở Bangkok trong tháng rồi cũng đã chậm lại.
“Chúng tôi vẫn kinh doanh và vẫn nhận được người hỏi thuê văn phòng, nhưng mọi thứ đã chậm lại,” giám đốc điều hành của CBRE ở Thái Lan James Pitchon nói.
Số lượng thuê phòng và các chuyến bay tới Bangkok cũng đã giảm trong mấy tháng vừa qua sau khi chính phủ một loạt nước khuyến cáo công dân không nên tới đây. Tệ hại hơn, cuộc biểu tình xảy ra đúng vào mùa cao điểm du lịch giữa Giáng sinh và Tết nguyên đán, vốn thường có lượng khách lớn tới Thái từ Trung Quốc và Hong Kong.
“Thường các chuyến bay tới Bangkok hay bất cứ điểm du lịch lớn trước Tết nguyên đán đều kín chỗ,” Cloris Yip, nhân viên của Jolly Holiday, một đại lý du lịch ở Hong Kong nói. “Năm nay thì rất khác. Giờ chúng tôi không có bất cứ đặt chỗ nào cho Bangkok. Và dù mọi người vẫn đi Phuket, rất nhiều người muốn bay thẳng thay vì quá cảnh ở Bangkok.”
Cuộc khủng hoảng hiện tại diễn ra vào thời điểm khó khăn hơn cho kinh tế Thái: so với các cuộc khủng hoảng trước, đà tăng trưởng của THái hiện đang yếu đi.
“Xuất phát điểm của nền kinh tế đã tương đối yếu trước khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu,” Euben Paracuelles, nhà kinh tế về khu vực Đông Nam Á của Nomura nói.
Không có các gói kích thích kinh tế như mấy năm trước, người tiêu dùng giờ không mạnh dạn chi tiêu hơn trước cộng với đó là sự suy giảm của du lịch càng ảnh hưởng hơn tới kinh tế THái.
Santitarn Sathirathai, người phụ trách Thái Lan của Credit Suisse mới đây đã hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế xuống còn 3% so với 4,5% trước đó.
Hàng loạt dự án chống lụt và đường sắt cao tốc trị giá hơn 2.000 tỉ baht được Quốc hội phê duyệt năm ngoái giờ cũng khó triển khai bởi bế tắc chính trị hiện tại.
Tất cả những yếu tố này khiến giới kinh tế học lo lắng ảnh hưởng cuộc khủng hoảng lần này sẽ kéo dài hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước.
“Myanmar đang mở cửa, Indonesia có nhiều tiến bộ về hạ tầng, rồi Philippines đang là điểm sáng thật sự tại khu vực hiện nay,” ông Paracuelles của Nomura nói. Về dài hạn, theo ông, “Thái Lan có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh quốc tế của mình. Và đó là mối lo thật sự.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận