Phóng to |
Ảnh: Katherin |
Cuộc đấu không cân sức
Trên con thuyền đưa chúng tôi đến hiện trường nơi xây dựng nhà máy, chị Dawan Chantarahassadi (ảnh) tâm sự: “Mỗi khi thấy rã rời, tôi nhờ một người bạn chở tôi ra rừng mắm. Khi nhìn muôn vàn sự sống được hồi sinh ở đây, tôi lại thấy mình có sức sống để tiếp tục đi theo những gì trái tim mình tin tưởng”. |
Theo đó, hai nhà máy xử lý nước thải riêng biệt sẽ được xây dựng ở nơi tập trung khoảng 5.000 nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, vào thời điểm ADB chấp thuận khoản vay bổ sung trị giá 80 triệu USD, địa điểm thực hiện dự án được dời đến Klong Dan, cách vị trí ban đầu 20km. Tại đây, họ có kế hoạch mới là xây dựng một nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn nhất Đông Nam Á, xử lý 525.000m3 nước thải mỗi ngày, bao gồm cả kim loại nặng và chất thải độc hại.
Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại Nhật Bản (sau này là Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) cũng xuất một khoản vay 50 triệu USD cho dự án này. Sau khi thay đổi địa bàn xây dựng, tổng ngân sách của dự án nhà máy xử lý nước thải tăng đến 687 triệu USD (59% vốn do Chính phủ Thái Lan đầu tư).
Cư dân Klong Dan chỉ biết đến sự có mặt của dự án khổng lồ này vào cuối năm 1998. Lập tức họ chỉ ra ngay những thiếu sót nghiêm trọng của siêu dự án. Từ việc nó không được trang bị để xử lý kim loại nặng và chất thải độc hại, được xây dựng trên một nền đất không an toàn, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường... cho tới những nhập nhằng thu lợi từ việc bán khoảng 3.040.000m2 đất cho nhà máy với giá cao ngất so với giá thực...
Bức xúc, cư dân Klong Dan bắt đầu tập dùng Internet để tìm tài liệu, đọc về luật môi trường, liên hệ với nhà tài trợ là ADB để kêu gọi cơ quan này ngừng tài trợ cho dự án. Thậm chí họ phải tập chơi chứng khoán để có được thông tin về những công ty tham gia dự án này và những ai đứng sau nó.
Nông dân, ngư dân, tiểu thương ở Klong Dan phân công nhau dốc tiền túi đi khắp trong và ngoài nước vận động các nhà tài trợ cho dự án cũng như những người yêu môi trường lắng nghe lý lẽ của họ. Năm 2001, chị Dawan Chantarahassadi lần đầu tiên đi Honolulu, Hawaii, Mỹ nhân cuộc họp hằng năm lần thứ 34 của ADB. Khi trình bày nguyện vọng của người dân Klong Dan với ông Tadao Chino, chủ tịch ADB, chị siết rất chặt tay ông để mong những lời nói từ trái tim mình đến được trái tim người đối diện.
Chị Dawan, nữ thủ lĩnh cộng đồng ở Klong Dan, cho biết: “Đó là cuộc đối đầu không cân sức giữa một bên là người dân không có sức mạnh tài chính, không địa vị, không có thông tin và một bên là các nhà chính trị hàng đầu, các công ty nhiều tiền, và những cố vấn viên là tiến sĩ. Nhiều lúc chúng tôi không tin mình có thể thuyết phục họ”.
Hành trình chiến thắng
Tháng 5-2000, chị Dawan là một trong 200 người dân Klong Dan đến gặp các chuyên gia kỳ cựu của ADB ở Chiang Mai tại hội nghị hằng năm lần thứ 33 của ADB để thuyết phục ngân hàng này ngưng tài trợ cho dự án.
Tháng 6-2000 có cuộc họp giữa một nhóm chuyên trách của ADB và người dân ở Klong Dan. Cuối năm 2000, người dân Klong Dan gõ cửa cơ quan chống tham nhũng của ADB để cảnh báo về dự án “có vấn đề” này. Tháng 3-2001, ADB quyết định cử một nhóm chuyên gia độc lập xem xét lại dự án nhà máy xử lý nước thải.
Tháng 4-2001, người dân Klong Dan điền vào thư khiếu nại chính thức gửi đến cơ quan thanh tra của ADB. Theo thủ tục, cơ quan thanh tra phải điều tra thực tế tại Klong Dan, tuy nhiên Chính phủ Thái Lan đã không cho phép các thành viên ban thanh tra vào Thái Lan. Do đó, ban thanh tra đã hoàn tất báo cáo vào tháng 12-2001 mà không gặp trực tiếp người dân Klong Dan. Báo cáo này thừa nhận ADB đã vi phạm nhiều điều khoản và thủ tục của chính mình. Tin xấu: lãnh đạo ADB đã phủ quyết các kết luận của ủy ban thanh tra!
Ngày 25-3-2002, ban giám đốc ADB thảo luận về trường hợp của Klong Dan nhưng tránh không có quyết định rõ ràng nào về chuyện vi phạm các chính sách và thủ tục.
Sự thay đổi cuối cùng lại đến từ phía Thái Lan. Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người lên nắm quyền năm 2001, đã đến Klong Dan vào tháng 5-2002 và nói trước người dân Klong Dan rằng “dự án này không minh bạch”. Chính quyền Thaksin sau đó đã thành lập nhiều ủy ban, tiến hành nhiều nghiên cứu đánh giá. Ngày 24-2-2003, ông Prapat Panyachartrak, người sau này là bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường, yêu cầu đình chỉ thi công nhà máy với lý do có sai sót trong bản hợp đồng dự án. Người ta phát hiện nhiều quan chức đã lập nhiều “công ty con” để trục lợi trong “siêu dự án” này.
Sau đó, ngày 13-1-2004, cơ quan kiểm soát ô nhiễm đã xét xử 19 công ty tư nhân và cá nhân tại Tòa án hình sự Vương quốc Thái Lan, trong đó có ông Vattana Asavahame, cựu phó bộ trưởng Bộ Nội Vụ, vì đã dùng giấy chứng nhận đất đai bất hợp pháp cho mảnh đất xây dựng dự án và bán nó cho cơ quan kiểm soát ô nhiễm với giá “trên trời”. Vào tháng 3-2004, Bộ Địa chính công bố giấy tờ về mảnh đất 3.040.000m2. Văn bản này vô hiệu hóa hợp đồng của chính quyền với bên thi công.
Ngày 14-6-2007, Ủy ban Quốc gia chống tham nhũng Thái Lan (NCCC) kết luận chín quan chức cao cấp, trong đó có ông Vattana, có liên quan đến việc sử dụng giấy tờ đất đai bất hợp pháp và quyết định chuyển sự vụ đến tòa án hình sự tối cao. Ông Vattana đã trốn khỏi Thái Lan và không xuất hiện tại tòa. Ông bị tuyên phạt vắng mặt 10 năm tù giam.
Tháng 10-2009, tòa án quận Dusit cũng có phán quyết về trường hợp Klong Dan nhưng cuối cùng bản án được hoãn đến tháng 11 cùng năm, do ông Vattana không xuất hiện tại tòa. Tòa công bố lệnh bắt ông Vattana.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Samut Prakarn bị bãi bỏ hoàn toàn.
Giờ đây, đi dọc các con kênh (Klong có nghĩa là kênh trong tiếng Thái) ở Klong Dan, rừng mắm, đước, vốn một thời được chặt trắng để phục vụ việc xây dựng nhà máy và lắp đặt đường ống dẫn nước thải đã hồi sinh. Phía sau cánh rừng bạt ngàn này là một nhà máy xử lý nước thải khổng lồ đã hoàn tất 95%, 23.000 tỉ baht được chi ra giờ bị bỏ hoang.
Riêng chị Dawan đã xài đến đồng tiền cuối cùng trong nhà cho cuộc vận động sống còn của cư dân xứ chị. Khi câu chuyện thành công cũng là lúc chị khánh kiệt, phải sang New Zealand làm thuê để lo cho cuộc sống riêng của mình... Sau hai năm, chị trở về để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Hiện chị đang cộng tác với Tổ chức EARTH (Ecological Alert and Recovery Thailand - Tổ chức Cảnh báo - tái tạo sinh thái Thái Lan).
Kỳ 1:Hồ sơ của 300 cái chết Kỳ 2: Cái giá của “GDP cao nhất”Kỳ 3: Nước mắt trên đập thủy điện
__________
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của môi trường sống bị xâm hại nghiêm trọng, đã xuất hiện những con người biết quên mình, hi sinh vì lợi ích chung của cộng đồng...
Kỳ cuối: Thủ lĩnh môi trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận