Nghệ sĩ Kim Ngân (vai Thái hậu Dương Vân Nga) và nghệ sĩ Chí Linh (vai Thập đạo tướng quân Lê Hoàn) - Ảnh: LINH ĐOAN
Vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga (tác giả: Trúc Đường, chuyển thể cải lương: Chi Lăng - Hoa Phượng) do đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ và Kim Ngân (con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc) đầu tư (kinh phí khoảng 800 triệu đồng) với mong muốn có một tác phẩm hay nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.
Chia sẻ về việc dựng lại vở cải lương kinh điển này, đạo diễn Hoa Hạ cho biết: "Đây là một vở diễn mà lời lẽ nói lên tinh thần yêu nước hết sức trang trọng và kính cẩn. Tôi khẳng định khi dựng vở, tôi không hề có áp lực bởi tôi không dựng nguyên bản, nguyên gốc của các thầy. Lặp lại cái bóng của tiền bối sẽ rất dở. Bản dựng của các thầy là đỉnh cao, đã ghi dấu ấn. Khi làm lại, phải là bản dựng mới".
Trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga - Video: Anh Khoa
Quả thật, bản dựng lần này của Hoa Hạ mang một hơi thở, diện mạo mới. Vở diễn có tiết tấu nhanh, dồn dập sự kiện, thế mạnh của chị ở những "đại cảnh" được phát huy tối đa ở những lớp diễn lên đến mấy chục diễn viên với nhiều trạng thái, cảm xúc khác nhau.
Các nhân vật Đinh Điền, Nguyễn Bặc... được chăm chút để làm rõ hơn tính cách.
Lớp diễn "chiêu hồn gươm, giáo" có lẽ là một trong những lớp diễn ấn tượng của vở diễn đã được đạo diễn dụng công thay bằng người, chứ không dừng lại ở dàn binh khí.
Trong vở diễn, cảnh trí cũng được đầu tư, như không sử dụng màn hình led như nhiều vở diễn thường làm, để tạo cảm giác thật và đẹp cho sân khấu cải lương.=- AẢnh Q.Đ
Nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga do NSƯT Phượng Loan đảm nhiệm màn 1 và 2, còn Kim Ngân đóng ở màn 3 và 4. Phượng Loan là nghệ sĩ có nghề nên mọi người khá yên tâm.
Còn Kim Ngân, dù là con nhà nòi nhưng chị chủ yếu hoạt động kinh doanh. Vậy nên trong dự án này, Kim Ngân được xem là ẩn số.
Đêm phúc khảo, Kim Ngân làm khá nhiều người lo lắng, tuy nhiên trong đêm diễn chị có vẻ đã... vượt lên chính mình. Sự nỗ lực của Kim Ngân đã đem đến cho nhân vật nét điềm đạm, bản lĩnh.
Tuy nhiên, nếu đòi hỏi khắt khe hơn, chị còn phải nỗ lực nhiều để cử chỉ, điệu bộ đạt chuẩn mực khi diễn tuồng cổ; giọng chị khá lạ nhưng nếu không biết tiết chế ở những cao trào dễ bị hụt hơi.
Và điều quan trọng là "Dương Vân Nga mới" còn thiếu nội lực để tạo nên những lớp diễn, những lời nói đanh thép khiến người xem rùng rùng cảm xúc.
Các diễn viên kịch nói, ca sĩ như Đại Nghĩa, Xuân Trang, Gia Bảo, Quốc Đại, Phương Thanh... được đạo diễn mời vào vở diễn với mong muốn cải lương đến gần hơn với giới trẻ. Gia Bảo, Xuân Trang vào vai khá ngọt.
Với nhân vật Đinh Điền - một vai khó, Đại Nghĩa được xem là phát hiện thú vị khi anh hoàn thành khá tốt vai diễn. Quốc Đại cũng tạo cảm tình với vai Đinh Cử. Tuy nhiên, Phương Thanh đôi lúc làm khán giả cười méo xệch vì chị ca, diễn quá "hồn nhiên"...
Với vở diễn này, mang lại cảm xúc nhiều nhất với khán giả vẫn là những lời lẽ đanh thép khẳng định độc lập chủ quyền, không nao núng trước những lời hăm dọa của quân Tống. - AẢnh: Q.Đ
Như khi nghe Thái hậu quyết liệt: "Đất này có chủ, nước này có vua, thần dân có xã tắc để khuông phò... Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược, há nghênh tai hứng giọng điệu đại cường", người xem như có nỗi niềm rưng rưng...
Xem Thái hậu Dương Vân Nga phiên bản 2018, ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf - góp ý: "Về phục trang, có lẽ đạo diễn muốn nhân vật mặc trang phục nhiều màu sắc cho đẹp, tuy nhiên nhân vật (Thái hậu Dương Vân Nga) đang trong thời kỳ tang chế chồng (Đinh Tiên Hoàng) nên chọn trang phục màu nâu, đen sẽ hợp lý hơn. Vài chi tiết nhỏ cần để ý là khi Ấu quân cứ đòi đi xem múa rối nước, tôi hoạt động ở lĩnh vực này nên có nghiên cứu, vì vậy tôi biết thời Đinh chưa có múa rối nước…".
Vở sẽ còn diễn đêm 13-5 tại nhà hát Bến Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận