Tiệc tất niên cuối năm tại một công ty ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ăn uống không đúng cách ở chỗ đông người rất dễ lây nhiễm vi khuẩn H.pylori. Làm thế nào có thể phòng ngừa bệnh viêm, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày do nhiễm H.pylori?
Ăn chín, uống sạch
Hiện nay thế giới đang tập trung vào việc nghiên cứu nhằm tìm ra văcxin phòng ngừa H.pylori (gây ra bệnh viêm, loét và có thể dẫn đến ung thư dạ dày). Đã có một vài công bố tại Hội nghị tiêu hóa châu Âu tổ chức tại Áo năm 2016, nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả và thuyết phục. Khi chưa có văcxin phòng ngừa lây nhiễm và kể cả tái nhiễm sau điều trị H.pylori, cần:
Ăn chín: ăn nhiều rau, trái cây, hạn chế ăn mặn, ăn thịt cá hun khói, thức ăn lên men, thức ăn bảo quản bằng hóa chất không rõ nguồn gốc...
Uống sạch: nên đun sôi nước để uống, nước đã đun sôi để tủ lạnh, bia nước ngọt ướp lạnh. Uống nước trà giúp nhuận trường. Rượu vang tốt cho sức khỏe và tim mạch nếu uống vừa phải...
Cách ăn: nên dọn mỗi người một phần ăn riêng hoặc cách ăn dọn từng món ăn như ở Pháp, ở gia đình nên dọn mỗi người một chén nước chấm riêng, mỗi món ăn để một muỗng (thìa, nĩa) và một đôi đũa chung để gắp và lấy thức ăn.
Ví dụ khi ăn dùng muỗng lấy thức ăn vào chén (bát) của mình xong mới được cầm đũa của mình lên ăn. Đũa riêng đang sử dụng không được dùng gắp thức ăn chung, nếu muốn gắp phải dùng đôi đũa chung.
Để tránh lây nhiễm cho con cháu, ông bà, cha mẹ không được nhai cơm nát để "mớm" cho trẻ nhỏ, không được thổi trực tiếp hoặc nếm và cho cháu ăn...
Cách ăn và tập quán ăn "theo thói quen xấu" dùng đũa đang ăn (miệng mỗi người có thể đang bị viêm họng, sâu răng, lao phổi khạc đàm qua miệng, dịch dạ dày có H.pylori do trào ngược...) gắp thức ăn cho người khác cần phải bỏ.
Nếu ông bà, cha mẹ vì tình cảm và quan tâm đến con cháu có thể dùng muỗng/nĩa chung để lấy thức ăn cho con cháu.
Trị H.pylori đừng quên chỉ định cách ăn uống
Điều trị tiệt trừ H.pylori là hết sức cần thiết khi có các chỉ định ăn uống đúng cách nêu trên. Việc chẩn đoán bệnh cho trẻ em cũng cần được lưu ý dùng các xét nghiệm ít xâm hại như hơi thở, huyết thanh, thử phân... khi cần thiết và ở trẻ lớn có thể nội soi gây mê.
Ở một số bệnh nhân nặng, phải được nội soi để có chẩn đoán chính xác nhằm tránh bỏ sót ung thư dạ dày trước khi điều trị.
Sau điều trị, người bệnh cần ngưng, không uống thuốc dạ dày và kháng sinh trong một tháng theo quy ước quốc tế, để kiểm tra kết quả điều trị H.pylori bằng nội soi dạ dày - tá tràng hoặc bằng xét nghiệm hơi thở...
Nếu ăn uống không khoa học, ăn uống không đúng cách thì sẽ bị bệnh, bệnh sẽ tái lại do tái nhiễm H.pylori. Cần lưu ý bác sĩ điều trị, bệnh nhân tiếp tục để lây bệnh thì không thể nào chữa hết bệnh.
Hiện nay việc điều trị H.pylori là hết sức khó khăn do tỉ lệ kháng các thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam đến mức báo động (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).
Mùa xuân về, để có được những ngày tết yên vui, sum họp đầm ấm bên gia đình trọn vẹn, và trong 14 điều răn của đức Phật có câu "Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe", mong rằng chúng ta hãy cùng nhau "nâng niu cuộc sống", giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, cho mọi người, và chăm lo sức khỏe cho con cháu mai sau lớn lên không còn bệnh hoặc hạn chế lây nhiễm, chỉ đơn giản bằng một cách ăn uống khoa học, vệ sinh và đúng cách.
Tỉ lệ nhiễm H.pylori ở Việt Nam rất cao
Tại Việt Nam tỉ lệ nhiễm H.pylori trong dân số khoảng 80%. Tỉ lệ nhiễm H.pylori ở trẻ em khá cao, từ 78,7 - 85,7%, theo nghiên cứu từ nhiều năm trước đây. Một nghiên cứu mới đây tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM năm 2015, tỉ lệ nhiễm H.pylori xác định qua nội soi và làm mô bệnh học là 67,1% cho trẻ từ 15 tuổi trở xuống.
Hiện tỉ lệ nhiễm H.pylori ở người Việt chúng ta rất cao và để hạ thấp tỉ lệ nhiễm rất cao này, điều cơ bản là cần biết phải làm những gì để có thể hạn chế tối đa sự lây truyền ngay từ đầu trong phạm vi từng gia đình.
Tỉ lệ nhiễm H.pylori trong các biến chứng thủng do loét dạ dày - tá tràng ở Việt Nam và trên thế giới vào khoảng 80-100%. Trong biến chứng chảy máu do loét dạ dày - tá tràng, tỉ lệ này vào khoảng 60-85%. Trong bệnh ung thư dạ dày, tỉ lệ nhiễm H.pylori vào khoảng 80% trường hợp.
Triệu chứng bệnh dạ dày do nhiễm vi khuẩn H.pylori
Khi bị nhiễm H.pylori gây ra bệnh viêm, loét và có thể cả ung thư dạ dày, người bệnh có các biểu hiện khác nhau như: ăn vào có cảm giác nóng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, cảm giác khó thở (khám tim mạch và hô hấp bình thường). Người bệnh có các rối loạn tiêu hóa khác như đi tiêu phân sống, tiêu chảy, có thể tê chân tay, đau đầu, hơi thở có mùi hôi đặc trưng.
Khi kèm theo triệu chứng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên miệng, người bệnh có thể viêm họng do trào ngược, sâu răng… và ở nước ngoài xét nghiệm thấy vi khuẩn H.pylori có ở nước bọt, mảng bám cao răng… đó là lý do lây nhiễm H.pylori qua đường ăn uống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận