Tết trung thu - Ảnh minh họa
Có cái gì đó thừa thừa, nhưng cũng có cái gì đó thiếu thiếu mà mọi người không cảm nhận được hết trong ngày rằm tháng Tám vốn nhiều ý nghĩa như xưa.
Cứ khoảng trung tuần tháng 8 âm lịch cho đến ngày rằm là không khí trung thu đã rộn ràng khắp nơi. Từ các cơ quan, doanh nghiệp, đến những khu phố, khu vui chơi đều lên chương trình để tổ chức một cái tết cho trẻ em thật linh đình.
Ngày nay, kinh tế đã khá giả nên người ta bày biện ra nhiều thứ không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Như ở các khu dân cư ngoại thành Hà Nội, người ta góp tiền, dựng rạp làm vài chục mâm cỗ đầy rượu thịt để người lớn và trẻ con cùng ăn uống nhộn nhịp. Thậm chí có nhà làm cổ trung thu to như đại tiệc, màn hình lớn hát hò tưng bừng, tiếng chúc tụng của cốc chén rôm rả tới tận khuya.
Kể ra vậy để nhớ trung thu ngày xưa, của thời còn khó khăn, lũ trẻ như chúng tôi mong ngóng đến cái ngày rằm tháng Tám từ trước đó cả tháng. Ngồi lật từng tờ lịch treo tường, rồi hỏi bố mẹ xem còn bao nhiêu ngày nữa là được ngắm chú Cuội ngồi bên gốc cây đa có chị Hằng soi tỏ khắp đường làng, ngõ xóm.
Đèn ông sao trong hội Trung thu - Ảnh: TTO
Giờ điện sáng lung linh không chỉ ở đô thị, mà còn ở nông thôn cũng rực rỡ ánh đèn. Trẻ con no đủ quanh năm với nhiều ngày lễ hội và tiệc tùng nên cũng không còn háo hức như cha mẹ chúng ngày xưa cũ.
Đồ ăn uống cũng nhiều, mâm cỗ trung thu cũng vô vàn các loại bánh kẹo và hoa quả ngon, đắt tiền mà trẻ con cũng không thèm khát. Tôi thầm nghĩ chắc vài năm sau nữa, tụi trẻ cũng không còn nghĩ về những cái tươi vui, trong trẻo của một đêm rằm trung thu đó nữa.
Ngày tôi còn nhỏ, điện đường làng vẫn chưa có, ai cũng mong đến ngày rằm, cả người lớn và trẻ con đều mong chờ cái ánh trăng trong veo, mát rượi của rằm tháng Tám.
Khi đó lúa ngoài cánh đồng đã vào đòng, trổ bông, hương thơm mát nhẹ nhàng của mùa thu tràn ngập ngõ xóm, lũ trẻ chúng tôi được ăn cơm sớm rồi tất cả cùng ra sân đình làng, cùng xem hát múa, cùng gõ trống, rước đèn ông sao và đợi chờ những món quà trung thu nho nhỏ khi đó chỉ là vài cái kẹo nhỏ, miếng bánh ngọt hay múi bưởi quê.
Rồi tất cả lại cùng nô đùa vui vẻ trong không khí nhộn nhịp ấy, vui mừng, sung sướng. Không có nhà ai phải đóng góp gì, nhưng nhìn nụ cười của người lớn đứng ra tổ chức là biết họ đã cố gắng rất nhiều để trẻ em có một buổi tối ý nghĩa như vậy. Cái hạnh phúc giản dị, đơn sơ ấy, tôi thấy lũ trẻ bây giờ không cảm nhận được, cũng không thiếu thốn để mong chờ một đêm trăng rằm như trước.
Tranh về hội trăng rằm tháng 8 - Ảnh minh họa
Hôm rồi, ở ngõ phố nhà tôi có một cuộc họp nhỏ với nội dung thu của mỗi nhà vài trăm nghìn để cùng nhau làm cỗ tổ chức ngày rằm tháng Tám đón trung thu.
Nhà nào khá giả thì góp nhiều hơn, tùy tâm, tiền đấy ngoài mua đồ nấu ăn còn để mua quà cho các cháu, tính ra mỗi nhà cũng hết gần triệu bạc cho một cái tết nho nhỏ này. Cũng tốn kém khá nhiều cho một mùa trung thu nhưng rồi niềm vui của lũ trẻ cũng chỉ nho nhỏ, chứ không rôm rả như người lớn đang được hưởng.
Tết Trung thu làm tiệc tùng tràn lan mà trẻ em ngày càng thơ ơ, còn người lớn thì lại có cơ hội ngồi với nhau với đủ chuyện làm ăn, buôn bán, nhà cửa…
Nghe rồi thấy tận mắt mà sao lòng buồn rười rượi quá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận