07/02/2016 08:17 GMT+7

Tết gửi cha mẹ tiền thay mặt mình để mình đi chơi?

D.N.HÀ - NGỌC ĐÔNG ghi
D.N.HÀ - NGỌC ĐÔNG ghi

TT - Có một số thanh niên đem vật chất biếu cha mẹ ngày tết để thay thế sự có mặt của mình trong gia đình những ngày đầu năm thiêng liêng, để mình yên lòng tham gia những chuyến du lịch dài ngày đây đó cùng bè bạn.

Ảnh: D.N.Hà
Ảnh: D.N.Hà

 Nhiều người từng trải qua cái tết đậm nét truyền thống vẫn muốn những giá trị xưa được giữ gìn tốt hơn.

* ThS Lê Văn Thành (trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Khôi phục ý nghĩa của tết truyền thống

Tết như một nghi thức tổng kết một năm và đón mừng năm mới. Đây là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, tổ tiên, đối với gia đình, là dịp người nhỏ tuổi thăm viếng người lớn trong dòng họ...

Nhớ ơn ông bà, tổ tiên còn thể hiện ở hoạt động đi tảo mộ trước tết, con cháu đến nơi ông bà yên nghỉ dọn cỏ, cắm hoa, sửa sang mộ phần và tưởng nhớ người đã khuất. Nhiều bạn trẻ giờ quên lãng những truyền thống đạo lý đẹp đầu năm như “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”.

Tục tảo mộ cũng bị nhiều người trẻ lãng quên, hay cố tình lãng quên vì cho rằng điều đó làm mất thời gian, cổ hủ...

Tôi nghĩ cần khôi phục truyền thống tốt đẹp này, làm các bạn trẻ hiểu đó là những công việc hết sức tình nghĩa, đạo lý, những phong tục rất thiêng liêng, truyền thống.

Truyền thống thăm viếng nhau ngày tết cũng bị phai nhạt rất nhiều. Việc thăm viếng, chúc nhau ngày tết làm tình cảm thêm gắn bó, gặp gỡ, lui tới còn là cơ hội thắt chặt sợi dây gắn bó giữa các gia đình người thân, bạn bè, đồng nghiệp với nhau.

Qua nói chuyện trực tiếp, mỗi người tự rèn luyện, mài giũa khả năng giao tiếp, tăng vốn văn hóa và nuôi dưỡng cảm xúc của mình... Thời đại điện thoại, công nghệ thông tin, người ta thường thay việc thăm viếng nhau ngày tết bằng gọi điện thoại, gửi email.

Có người viết một tin nhắn, lời chúc mừng rồi gửi cho một nhóm mặc định trong điện thoại, làm mất dần khả năng giao tiếp, quan hệ ngoại giao.

Tôi nghĩ cần khôi phục, xây dựng lại những truyền thống đẹp này cho các bạn trẻ.

Các lễ hội trong dịp tết hiện nay quá yếu. Dịp tết ở TP.HCM, ngoài đường hoa thì gần như không có hoạt động nào đủ sức thuyết phục, thu hút thanh niên. Một số hoạt động trong dịp tết không xứng tầm và không đủ phục vụ cho tầng lớp thanh niên ở một TP lớn và năng động như TP.HCM.

Để làm việc này, tôi nghĩ cả xã hội cần chung tay để có thêm những hoạt động truyền thống tổ chức công phu, thu hút người dân, nhất là thanh niên, lớp trẻ.

Thật sự, tết không phải là dịp nghỉ để đi chơi như nhiều bạn trẻ thường làm bây giờ, mà là dịp sum họp cùng gia đình, giao lưu, thăm hỏi những người thân mà cả một năm vì bận bịu mưu sinh, vì tất bật với những quan hệ làm ăn, vùi đầu với công việc mà mình ít có dịp tiếp xúc, thăm hỏi.

Một buổi họp mặt gia đình nhiều thế hệ đơn giản nhưng hạnh phúc - Ảnh: M.C

Việc về quê viếng mộ như chuyến về nguồn, ôn lại truyền thống của tổ tiên, cảm nhận mối quan hệ thiêng liêng, gắn kết giữa tổ tiên và con cháu. Chuyện này không mới, ông cha ta làm rồi nhưng đến thế hệ chúng ta nó phai nhạt đi.

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, một tập thể cần ý thức điều này để tìm cách khôi phục truyền thống tốt đẹp đó của cha ông, để tết cổ truyền không trở thành một kỳ nghỉ đơn thuần trong năm, không phải là dịp biếu xén, cân phân vật chất nặng nhẹ để tạo quan hệ...

Ảnh: D.N.Hà
Ảnh: D.N.Hà

* Ông Huỳnh Trí Dũng (P.13, Q.6, TP.HCM):

Buồn vì những giá trị truyền thống bị phai nhạt

Thế hệ cha mẹ của tôi, tết là dịp con cháu sum vầy, nhà nào có con cháu đông thì ngày tết rôm rả, vui vẻ lắm, người ta nói nhà đó có phúc lớn. Vì vậy, những người già rất mong con cháu về dịp tết, đứa nào về trước là bị gặng hỏi về những đứa khác có về không, chừng nào về...

Những truyền thống trong dịp tết bây giờ đã phai nhạt khá nhiều. Niềm vui sum họp gia đình không còn đủ mạnh, đủ hấp dẫn để níu chân những người trẻ ở nhà ngày tết.

Có một số thanh niên đem vật chất biếu cha mẹ ngày tết để thay thế sự có mặt của mình trong gia đình những ngày đầu năm thiêng liêng, để mình yên lòng tham gia những chuyến du lịch dài ngày đây đó cùng bè bạn.

Tôi thấy buồn vì những truyền thống tốt đẹp trong ngày tết cổ truyền đã phai lạt nhiều đối với không ít bạn trẻ, nên cho rằng cần có những hoạt động gần gũi, dễ hiểu để giáo dục cho lớp trẻ biết được ý nghĩa của những hoạt động này mà gìn giữ, duy trì, phát huy và truyền lại cho con cháu đời sau.

Ảnh: Phan Thành
Ảnh: Phan Thành

* Dana Filek-Gibson (27 tuổi, người Canada):

Thăm nhà hàng xóm là điều thú vị

Tôi sống ở Việt Nam được năm năm nhưng mới ăn tết ở đây hai lần. Với tôi, tết là thời điểm tuyệt vời để học về truyền thống của người Việt. Việt Nam đang ngày càng phát triển, tuy nhiên nếp tết xưa vẫn giữ nguyên vẹn từ nhiều năm nay.

Điều tôi thấy rất thú vị là người ta thường sang thăm nhà hàng xóm và nhà nhà cùng đón giao thừa. Tết mọi người cũng thường sum vầy ngồi uống trà hoặc rượu và ăn mứt. Tôi rất mê mứt dừa và hạt hướng dương, cũng như các loại mứt tết khác.

Tết là kỳ nghỉ mang tính gia đình rất cao, bản thân tôi nghĩ nếu bạn có thể cùng một gia đình Việt Nam ăn tết, cùng trải nghiệm các truyền thống của người Việt trong dịp này sẽ rất tuyệt. Đặc biệt, nếu bạn có dịp ăn tết ở quê, bạn sẽ thấy người ta cực kỳ hiếu khách.

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC

* Nutthanun Plongphan (22 tuổi, người Thái Lan):

Gắn kết gia đình

Tôi ăn tết Việt Nam 10 lần rồi. Trước tết tôi thường sang nhà bà con, hàng xóm để vui chơi cũng như gói bánh chưng, ngày mùng 1 thì đi chùa gần nhà để cầu mong điều tốt đẹp. Món ăn tết mà tôi thích ăn nhất là thịt kho hột vịt và mứt dừa.

Tôi thấy tết Việt Nam rất hay, làm tăng sự gắn kết gia đình cho mỗi thành viên, mà gia đình lại là một nhân tố rất quan trọng của mỗi xã hội.

D.N.HÀ - NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên