18/01/2023 10:27 GMT+7

Tết là phải đi coi kịch Sài Gòn

Không biết từ bao giờ kịch Tết đã trở thành "đặc sản" của Sài Gòn - TP.HCM. Có thể nói không ở đâu trên cả nước lại có mùa kịch Tết đông vui với nhiều khách coi kịch như ở thành phố phương Nam này.

Tết là phải đi coi kịch Sài Gòn - Ảnh 1.

Khán giả coi kịch Rồi mắc cái gì cười? vào tối mùng 4 Tết Nhâm Dần tại sân khấu Kịch 5B - Ảnh: GIA TIẾN

Với không ít khán giả, Tết mà không được coi kịch sẽ cảm thấy bứt rứt và thiếu vắng.

Kịch Tết - "đặc sản" của Sài Gòn

Anh Trần Tiên (nhà ở quận Tân Bình) được xem là người "cuồng" sân khấu. Với một vở diễn, anh có thể coi đi coi lại nhiều lần. Ở Idecaf, anh từng xem Hợp đồng mãnh thú tới 14 lần, Cưới vợ cho ai 6, 7 lần, Ngôi nhà không có đàn ông chừng chục lần. Còn Chuyện tình Bangkok (sân khấu Thế Giới Trẻ) cũng được anh coi tới 7, 8 lần.

Còn nhớ hồi sau đại dịch, khi sân khấu kịch rục rịch hoạt động trở lại, anh vội book vé tới mấy sân khấu coi cho đã vì quá nhớ sân khấu. Và cứ mỗi mùa Tết, anh Tiên canh mua vé sớm ở các sân khấu để những ngày nghỉ tha hồ giải trí với loại hình nghệ thuật mình yêu thích.

Anh chia sẻ: "Kịch Tết Sài Gòn thường là hài nhẹ nhàng, vui vẻ, rất phù hợp với không khí ngày Tết. Nếu coi một bộ phim, lần sau coi vậy cũng y chang. Nhưng kịch thì khác. Cũng là những tình tiết đó nhưng mảng miếng diễn xuất khác, trang phục cũng khác, diễn viên nhạy bén cập nhật thời sự liên tục vì vậy tạo được sự tương tác tốt với khán giả, mỗi lần coi là mỗi lần khác nên rất thú vị".

Anh Đức Tiến (nhân viên Công ty MCV) cũng bị sân khấu "mê hoặc" 10 năm nay. Có những vở anh xem đi xem lại nhiều lần như Chuyện tình Bangkok, Tình lá diêu bông, Rồi mắc cái gì cười?...

Anh vui vẻ cho biết: "Khi coi kịch, mình được tương tác trực tiếp với nghệ sĩ nên cảm xúc nhiều hơn. Coi vở nhiều lần giống như mình đọc quyển sách mà đọc thêm lần nữa, cảm thấy hiểu và thấm hơn. Với tôi, Tết mà không được đi xem kịch... khó chịu lắm, như thiếu vắng cái gì đó thân thương. Nhớ hồi mấy năm trước, tôi còn ngại đi một mình, mà rủ bạn bè không ai đi nên tôi đành ở nhà. Năm đó, cảm giác cứ bứt rứt hoài".

Có khán giả mê kịch nhưng vẫn có khán giả vẫn chưa mặn mà. Anh Đức Tiến cho biết có những người bạn anh rủ đi coi kịch từ chối vì vẫn định kiến cho rằng chỉ có người già mới đi coi kịch, sân khấu là già cỗi. Theo anh Tiến, ngoài một số khó khăn trong tình hình biểu diễn chung thì sân khấu hiện nay rất yếu về khâu truyền thông.

Tết là phải đi coi kịch Sài Gòn - Ảnh 2.

Thuốc đắng giã tật - vở kịch Tết của sân khấu Idecafnăm nay - Ảnh: LINH ĐOAN

Kịch Tết chưa bao giờ ế

Có thể nói mấy chục năm nay, cứ vào mùa Tết là sân khấu Sài Gòn cực kỳ nhộn nhịp. Đây là mùa vui vẻ nhất trong năm, các ông bà bầu trước đó mấy tháng đã lên kế hoạch và chuẩn bị những "món ngon" để phục vụ khán giả.

Hiện nay, tình hình biểu diễn nói chung đều gặp khó khăn nhưng mùa kịch Tết Sài Gòn dường như chưa bao giờ... ế. Đó là mùa mà các sân khấu lấy thu bù lại cho những mùa thấp điểm. Như sân khấu Idecaf, Thế Giới Trẻ thường bán sạch vé trước Tết nửa tháng.

Nghệ sĩ bận rộn như thế nào cũng ráng tranh thủ tập dượt để tham gia vở Tết. Diễn Tết không chỉ là chuyện thu nhập mà còn được xem như một khởi đầu may mắn cho năm mới.

Với người xem, không chỉ khán giả tại Sài Gòn mà kiều bào về thăm quê cũng tranh thủ mấy ngày Tết đi coi kịch và coi cải lương cho đã. Có những du khách nơi khác tới cũng hỏi tài xế chỗ xem kịch, bởi kịch Sài Gòn, đặc biệt là kịch Tết, đã trở thành "đặc sản" của vùng đất này.

Gần 30 năm làm bầu sân khấu, ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung tới mùa xuân rất thuận lợi về thời tiết, vì trời đẹp nắng ấm nên người dân thích ra ngoài hưởng thụ không khí vui vẻ và tìm đến các điểm vui chơi giải trí.

"Tuy nhiên, ngày Tết dư dả thời gian hơn nên người ta đi xem kịch đông hơn. Người phương Nam lại có nhu cầu giao tiếp, thích có bạn bè nên không chỉ họ đi coi kịch mà còn rủ người thân hoặc bạn bè đi chung. Xem một đoạn kịch hay, họ có thể thoải mái vỗ tay và cười sảng khoái. Có nghĩa là họ được bày tỏ cảm xúc. Kịch Tết thường hài vui vẻ nên khán giả cũng thích chọn như khởi đầu năm mới một cách may mắn" - ông Tuấn lý giải.

Anh Trần Tiên cho rằng từ ngày xưa thiệt xưa, người phương Nam đã có thói quen lễ, Tết ra đình, sau này là ra rạp coi hát bội, cải lương... Thói quen đi xem hát ngày đầu năm đã ăn sâu và lưu truyền đến hôm nay.

Xem xiếc, múa rối ngày Tết

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam diễn chương trình xiếc Nàng miêu du ngoạn đảo hoa. Khán giả nhí sẽ được xem các diễn viên diễn xiếc trên mặt nước được bơm vào sân khấu với các kỹ thuật xiếc đu dây, xe đạp, tung hứng, uốn dẻo, phun lửa... Chương trình diễn ra từ mùng 1 tới mùng 8 Tết tại rạp xiếc công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp). Mùng 1, nhà hát diễn một suất lúc 19h30, các ngày còn lại diễn hai suất/ngày (lúc 17h và 19h30).

Đoàn rối nước Rồng Phương Nam của nhà hát sẽ biểu diễn chương trình múa rối nước tổng hợp mang tên Hoa đất Việt, Tứ linh hội tụ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Mùng 1 đoàn diễn suất 14h, từ mùng 2 đến mùng 8 Tết đoàn diễn mỗi ngày bốn suất (10h, 11h, 14h và 15h).

Từ mùng 1 đến mùng 8 Tết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam (với sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Tống Toàn Thắng) sẽ biểu diễn phục vụ khán giả TP.HCM chương trình xiếc Chào xuân 2023 tại Nhà hát Hòa Bình với ba suất mỗi ngày (10h, 16h và 19h30).

Đã lâu mình lại về với kịch TếtĐã lâu mình lại về với kịch Tết

Mùa kịch Tết năm nay, không hẹn mà gặp, rất nhiều nghệ sĩ đã gián đoạn kịch Tết lâu năm, nay trở về khiến không khí sân khấu thêm rộn ràng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên