20/01/2020 06:53 GMT+7

Tết, là để về

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Tết, không đâu bằng có một mái nhà ấm cúng, một quê hương chờ sẵn để trở về. Với nhiều người mưu sinh xa quê, lao động nhọc nhằn nhưng cái tết đối với họ vẫn đầy quan trọng.

Tết, là để về - Ảnh 1.

Gia đình sum họp ngày mùng 1 tết - Ảnh : NGUYỄN TUẤN

Chị bán trái cây gọt sẵn, từ hồi đầu tháng chạp đã náo nức: "Hai mươi mấy này, khi mấy cưng nghỉ, thì chị cũng về nhà. Ông xã đợi ở quê. Chờ về còn mua sắm tết".

Giữ Tết, có phải chính là cùng nhau giữ cái nếp nhà, dù rằng có ai đó thích lang bạt kỳ hồ, thì trong lòng vẫn dành riêng một miền cho Tết.

Nhà ở Quảng Ngãi, vé xe đã mua từ mấy tháng trước. Mắt chị lấp lánh, rằng "làm gì thì làm, đến Tết cũng phải về chứ cưng. Ở đây buồn chết". Một năm làm lụng cực nhọc, đẩy chiếc xe trái cây qua nhiều đường phố Sài Gòn, chị than cái khớp gối nhiều khi muốn sụm. Nhưng điều đó không đáng buồn bằng việc nếu Tết vẫn phải ở lại, nơi không phải của mình.

Tết, đúng là chỉ để về. Về nhà của mình. Về quê của mình. Như chị lao công ở công ty nọ. Nói Tết này, chắc chắn chị sẽ về sớm để sửa lại cái nhà từ đường. Mấy năm rồi cứ hẹn, mà cũng bởi vì chưa dành dụm được bao nhiêu. Những năm làm lụng còn phải gom góp cho con học đại học. Năm nay đứa nhỏ ra trường, cũng tìm được việc làm. Người mẹ nhẹ gánh được chút đỉnh, bèn nghĩ đến việc phải hoàn thành lời hẹn với tổ tiên.

Ôm một cái Tết về nhà bằng số tiền thưởng ít ỏi cuối năm, và dành dụm chút ít của cả năm, nhưng nghĩ đến việc sẽ trang hoàng lại căn nhà, lợp cái mái, sửa cái bếp là đủ vui. Sau Tết bịn rịn chia tay vào một kỳ mưu sinh mới. Nhưng dẫu sao, nhờ có tết, những ngày về đoàn viên đã tưới tắm một bình sinh khí mới mẻ lên thân thể, đủ để chống chèo cho cả năm dài.

Vậy, ai đó vẫn thở than, rằng cái phong vị Tết dường như đã lùi vào quá vãng, đã không thể nào hiểu được vì sao đến ngày rằm tháng chạp, bà ngoại bà nội ở quê báo tin rằng đã lặt lá cây mai, ao đã dọn chờ ngày tát cá, cái nhà vừa quét xong mạng nhện. Rồi luống rau cải ngồng làm dưa vẫn được trồng thưa thớt trước sân nhà, cùng với đám hoa vạn thọ, cúc nhật và thược dược, như gợi lại không khí của cái Tết xa xăm đâu đó.

Phong vị Tết hẳn nhiên vẫn hiện diện trong lòng từng người, theo cách riêng. Dù cho bây giờ cái gì cũng ê hề mà không đợi Tết nữa, nên niềm mong Tết để ăn một món rất riêng, để chơi, để ngắm, để mặc... những thứ chỉ có mùa này, đã lùi đi xa lắm. Nhưng không phải vì vậy mà ta nhìn Tết với lòng chán ngán. Cũng không phải vì vậy ta không giữ một cái Tết riêng trong lòng trẻ nhỏ, bằng những ước hẹn về nhà.

Cái Tết đậu lại nơi xóm làng quê quán bằng tình cảm thật thà, của mớ xoài, mớ vú sữa, mớ cam nhà bên mới hái, để dành cho em bé thành thị. Những bước chân trần cùng anh em họ hàng trên đất, hẳn đã thấm vào da thịt vị quê hương, mà nếu không có tết, không biết làm sao có được.

Những dịp đoàn viên như vậy, ngồi bên nhau kể những câu chuyện Tết xưa thơ ấu. Những thứ đã mất thì mất rồi. Những thứ còn lại là cái tình, cái nhớ, cái lắng đọng với tuổi già đã bắt đầu chớm lên từng gương mặt những anh chị em ruột rà ngồi quây quần bên nhau. Dù sao chăng nữa, cũng nhờ Tết mà bỏ hết những lo toan, để ở bên mẹ già tóc bạc. Người mẹ như hiện thân của Tết trong tổ ấm, xưa cũ và vững vàng. Những cái Tết dường như còn đầy ý nghĩa khi còn có tiếng cháu gọi bà, tiếng con trai con gái tóc muối tiêu gọi người đầu bạc: Má ơi!

Kỳ thực, Tết còn là dịp tìm về nguồn cội. Người ta qua năm tháng nào vẫn cần có cái gốc, để biết mình thuộc về đâu, và sống thế nào.

Vua quan triều Nguyễn đón tết trong hoàng cung xưa như thế nào? Vua quan triều Nguyễn đón tết trong hoàng cung xưa như thế nào?

TTO - Dưới triều Nguyễn, thời gian nghỉ tết trên toàn quốc thường được quy định từ ngày 28 tháng chạp cho đến mùng 8 tháng giêng năm sau.

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên