17/01/2012 06:26 GMT+7

Tết cảnh giác với rượu độc

LAN ANH
LAN ANH

TT - Theo ông Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2011 đã có sáu vụ ngộ độc rượu với 63 người mắc, bảy người tử vong, chiếm 25%/tổng số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Tết là thời điểm người dân sử dụng nhiều rượu bia và càng lo ngại rượu độc.

UL1YNnGf.jpgPhóng to
Không nên uống rượu trên 30 độ và uống vừa phải - Ảnh: Quân Nam

Cảnh giác “rượu” cồn

Tai hại từ rượu

Một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy rượu là nguyên nhân của 31% số vụ đánh nhau, 33% số vụ hiếp dâm phụ nữ và 18% số vụ tai nạn giao thông. Riêng tại Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội, năm 2011 có 42,4% ca nhập viện do tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu.

Rượu làng Vân, xã Vân Hà bên bờ sông Cầu, tỉnh Bắc Giang vốn nổi tiếng cả nước. Thế nhưng ở làng Vân và gần đó có làng Đại Lâm chuyên nghiệp nấu rượu thì chủ yếu người làng đã chuyển sang nấu rượu sắn. Giá giao rượu sắn Đại Lâm ở Hà Nội 8.500-9.000 đồng/lít. Cùng mức giá này là rượu cồn, cồn được nhập từ Thanh Hóa ra pha, nồng độ cồn cao, uống bốc nên còn được gọi là rượu cao độ, cũng 8.500-9.000 đồng/lít. Thế nhưng ở Hà Nội rượu cồn, rượu sắn vẫn được coi là rượu quê, có mặt ở khắp quán xá.

Ông Lâm Quốc Hùng cho biết có ba chỉ tiêu thường bị vi phạm khi đi kiểm tra rượu. Đó là hàm lượng aldehyt cao quá mức cho phép, lý do là rượu ra lò đem bán ngay. Một chỉ tiêu không đạt thường gặp nữa là hàm lượng furfurol, rượu có hàm lượng furfurol cao thường làm người uống nhức đầu. Và quan trọng hơn cả, gây chết người nhiều nhất khi ngộ độc rượu là hàm lượng methanol cao, thường do pha cồn công nghiệp làm... rượu. Theo ông Hùng, methanol là nguyên nhân gây chết người ở một trong sáu vụ ngộ độc rượu năm 2011 vừa qua. Còn lại bốn vụ do uống rượu ngâm, một vụ do rượu có chất độc trong lá ngón.

Báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, khảo sát gần nhất tại 20 tỉnh thành cho thấy đã có 800-900 loại rượu bày bán trên thị trường. Tính chung toàn quốc, con số này có thể lên đến 2.000 loại, nhưng tỉ lệ rượu nấu thủ công đã công bố tiêu chuẩn chất lượng, theo ông Lâm Quốc Hùng là rất thấp. Lý giải nguyên nhân là do một phần người dân không có yêu cầu khi mua rượu!

Cách nào phân biệt rượu độc?

Theo ông Lâm Quốc Hùng, rất khó phân biệt rượu cồn và rượu gạo, rượu sắn bằng cảm quan. Nhưng có thể phân biệt nếu khi nếm thấy vị đắng hơn thì có thể nghi ngờ đó là rượu cồn. Ông Hùng cũng cho hay rượu chứa methanol hàm lượng cao thường hấp thu nhanh, người dùng mới uống vài ly đã thấy bốc, miệng đắng thì nghi ngờ uống phải rượu cồn càng cao. Chính vì vậy không nên uống rượu cả cốc (ly nhỏ), vì lúc đó không còn thời gian cảm nhận, dễ xảy ra ngộ độc hơn.

Qua thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, số vụ ngộ độc rượu (thực chất là pha cồn công nghiệp) từ năm 2008-2011 tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn từ 2000-2008. Tỉ lệ người bệnh tâm thần do rượu cũng có xu hướng tăng (tăng gấp đôi trong vòng bốn năm qua). Theo ông Hùng, nếu uống phải rượu pha từ cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng methanol cao từ 0,05% trở lên có thể bị mù mắt hoặc tử vong.

Tết nào Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội cũng có hàng chục trường hợp tai nạn giao thông sau khi uống rượu, vì vậy ông Hùng khuyên không nên uống rượu nặng trên 30 độ và không quá 30ml/ngày.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên