![]() |
Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng quà hai cháu con nuôi của đồn biên phòng Y Tý - Ảnh: M.Q. |
Sau hơn 9g đồng hồ vượt khoảng 80km đường đèo núi, chuyến xe chở hàng đã mang hơi ấm tình cảm của đồng bào miền xuôi gửi đến những em bé và đồng bào nơi biên cương Tổ quốc.
6 tháng mặc quần áo ẩm ướt
Xã Y Tý nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mặt biển với hơn 700 hộ dân người dân tộc Giáy, Hà Nhì, Mông, Dao, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chỉ khoảng 400kg thóc. Từ tháng chín năm trước đến tháng ba năm sau, cả xã gần như chìm trong giá rét và sương mù. Cùng thời gian này là cái rét lạnh tê tái đến với đồng bào dân tộc sống nơi đỉnh non cao này, nhiệt độ bình quân khoảng 10 độ C.
Chiều 25-1, khi chúng tôi có mặt tại Y Tý, thời tiết lạnh hơn chúng tôi tưởng rất nhiều. Cả xã mù sương trắng và hơi nước phả vào mặt rát lạnh. Nhiệt độ xuống tới 8oC nhưng ông Ly Giờ Có, bí thư Đảng ủy xã Y Tý, cho hay thời tiết như vậy vẫn còn ấm hơn so với mấy ngày trước rất nhiều.
Trước đó, trên đường từ Lào Cai vào Y Tý, anh cán bộ Huyện đoàn Bát Xát chỉ cho tôi rất nhiều đoạn đường mà chỉ mới hôm trước thôi ôtô không thể đi qua được vì băng tuyết phủ trắng mặt đường. Tuyết rơi nhiều đến nỗi mấy thầy giáo trẻ ở Y Tý vun được cả tuyết để làm người tuyết chụp ảnh kỷ niệm.
Chỉ cách đây hơn một tuần, cả vùng núi này trắng xóa băng tuyết, quần áo phơi cả tháng không thể khô, cô giáo Bùi Thị Lan, giáo viên Trường THCS Y Tý, tâm sự. “Quần áo lúc nào cũng ẩm nên học sinh của chúng tôi sụt sùi suốt, em nào nhiễm lạnh là ốm đến cả tuần, quần áo lúc nào cũng phong phanh”. Chính vì thế, hằng ngày các giáo viên của nhà trường đều phải tranh thủ thời gian sấy áo ấm cho học sinh.
Gần như cả sáu tháng mùa đông, học sinh Y Tý phải mặc quần áo ẩm ướt cho đến khi mùa đông trôi qua. Đã ba tuần nay các em học sinh Y Tý phải nghỉ học vì thời tiết quá lạnh, có những ngày xuống dưới -1 độ. Đoạn đường từ thành phố Lào Cai lên Y Tý khoảng 80km nhưng do trời mù sương và đường trơn trượt nên đoàn xe của chúng tôi đã phải đi mất hơn nửa ngày đường.
Khi đoàn xe tới, rất đông người dân và các em học sinh đã có mặt ở trụ sở UBND xã. Những gương mặt nhợt nhạt, những đôi tay tê cóng vì lạnh. Do đoàn xe đến muộn hơn dự kiến, lãnh đạo xã đề nghị lùi sang sáng hôm sau tổ chức trao quà, nhưng nhìn những học sinh run rẩy trong cái lạnh thấu da, chúng tôi quyết định phải tặng quà ngay trong buổi chiều.
![]() |
Niềm vui của Chu Mờ Chụ (bên trái ảnh 5) khi nhận áo ấm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: T.Thành |
Nhận món quà là một chiếc áo rét, ánh mắt em Chu Mờ Chụ (dân tộc Hà Nhì, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Y Tý số 1) rạng ngời niềm vui. Chụ kể với tôi là nhà có ba chị em và Chụ là chị cả. Từ đầu mùa đông đến nay, do gia đình khó khăn nên bố mẹ không mua nổi chiếc áo rét nào cho ba chị em. Trên người Chụ có hai chiếc áo, một chiếc áo phông bên trong và một chiếc áo khoác mỏng bên ngoài nhưng cả hai đều rách bươm. Em đi hai chiếc ủng đều đã thủng, găng tay chỉ có một chiếc bên phải nhưng cả năm đầu ngón tay đều thủng lỗ chỗ. Thân hình bé nhỏ của em cố thu mình vào trong hai chiếc áo mỏng, đôi tay liên tục xoa vào nhau.
Không quần, không dép giữa trời âm độ
So với Chụ, nhiều em học sinh khác còn phong phanh hơn khi trên người chỉ độc chiếc áo đứt tới phân nửa số cúc. Có em bé còn không có một chiếc quần lành lặn, không có đôi dép để đi. Nhìn những em học sinh Y Tý co ro trong rét, tôi nhớ đến những đứa trẻ cùng lứa với chúng ở Hà Nội. Không phải gia đình học sinh thủ đô nào cũng sung túc đủ để sắm cho con em chiếc áo ấm nhất, chiếc giày tốt nhất nhưng so với những gì Chụ và các bạn của em ở Y Tý đang có, mùa đông của học sinh Hà Nội dù sao cũng đỡ khắc nghiệt hơn rất nhiều.
![]() |
Tặng áo ấm cho học sinh xã Y Tý - Ảnh: M.Q. |
Nhận chiếc áo và chăn ấm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, hai cậu bé Sần Xá Hờ và Lý Thó Cha, con nuôi của đồn biên phòng Y Tý, như rạng rỡ hơn giữa màn sương giá lạnh. Cả hai đều mất cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng rồi bỏ đi biệt xứ. Cả tuổi thơ của hai đứa trẻ mới 11 tuổi chỉ biết bấu víu vào họ hàng, ông bà, nay xin bữa cơm nhà này mai xin bữa cơm nhà khác, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm chứ không nói đến chuyện học. Trước hoàn cảnh đó, lãnh đạo đồn biên phòng quyết định nhận hai đứa trẻ làm con nuôi của cả đồn để chăm lo việc ăn mặc, học hành cho Sần Xá Hờ và Lý Thó Cha.
Đại úy Trần Văn Khảo, đồn phó đồn biên phòng Y Tý, kể cả hai bé con nuôi của đồn đều sống như những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều mùa đông trôi qua chỉ độc một chiếc áo khoác phong phanh trên người. Năm đầu tiên nhận hai cháu bé làm con nuôi, việc đầu tiên là cả đồn mua cho hai đứa trẻ áo rét, cái chăn để đắp, đôi ủng để đi và những bữa cơm đủ no.
Anh Khảo tâm sự ở những vùng sâu hơn nữa còn rất nhiều cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt đáng thương nhưng đồn không thể kham nổi nuôi các cháu. Mỗi lần có đoàn cứu trợ ủng hộ, đồn đều cùng với địa phương đưa những món quà nhỏ đến tận tay cácbé và gia đình các em, góp một chút công sức nhỏ nhoi để đồng bào có thêm bữa ăn, cái mặc vượt qua những mùa đông giá lạnh.
Nhiệt độ ở Y Tý dự báo vẫn tiếp tục xuống thấp trong những ngày giáp tết. Mùa xuân này, những món quà của bạn đọc dù chưa đủ để xua đi giá rét nhưng chắc rằng tết cũng sẽ ấm hơn ở vùng cao Y Tý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận