12/05/2010 08:14 GMT+7

Tê giác chết hay bị giết?

ĐỨC TUYÊN - HÀ MI
ĐỨC TUYÊN - HÀ MI

TT - Trong khi giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên nhận định tê giác chết tự nhiên thì đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam khẳng định con tê giác xấu số đã bị bắn và bị cưa sừng. Đồng thời Công an Lâm Đồng cũng cho biết kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu cho thấy trên thân thể con tê giác này có dấu vết đạn bắn.

Phát hiện bộ xương tê giác ở Nam Cát Tiên

AWdSp7y3.jpgPhóng to
Bộ xương tê giác được nhân viên kiểm lâm sắp xếp lại - Ảnh: Đ.TUYÊN
hinjySji.jpgPhóng to
Các cán bộ phát hiện ra bộ xương tê giác tại tiểu khu 513 thuộc khu vực cát lộc (xã Gia Viễn) Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh do Vườn quốc gia Cát Tiên cung cấp)
TWnBq93C.jpgPhóng to
Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Gia Viễn đang lần mò tìm xương tê giác sâu dưới lòng đất gần một mét (ảnh do vườn quốc gia Cát Tiên cung cấp)
4Z2OFMjW.jpgPhóng to
Một ít mảnh da tê giác được tìm thấy, còn lại tất cả đã bị phân hủy hay biến mất (ảnh do Vườn Quốc gia cung cấp)
9Ss7KPtO.jpgPhóng to
Cán bộ Kiềm lâm cơ động thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên- Vũ Văn Khôi nhận định: “Bộ xương tê giác còn thiếu mất một cái sừng" - Ảnh Đức Tuyên

Như Tuổi Trẻ đưa tin, kiểm lâm vừa phát hiện một bộ xương tê giác trong vườn quốc gia Cát Tiên. Câu hỏi đặt ra là tê giác bị chết hay bị những tay săn bắn giết? Lực lượng công an đang vào cuộc để điều tra.

Chiều 28-4, người dân xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng xôn xao bởi thông tin một động vật rất lớn nằm chết và họ cho rằng đó chính là xác tê giác đang thối rữa trong rừng. Các cán bộ trạm kiểm lâm xã Gia Viễn vào cuộc ngay nắm bắt tình hình. Sáng sớm 29-4, một người dân địa phương dẫn ba cán bộ kiểm lâm xuyên rừng, chia nhau đi tìm xác tê giác. Theo lời những người này kể lại, phải mất rất nhiều thời gian họ mới tìm thấy bộ xương tê giác tại tiểu khu 513 thuộc khu vực Cát Lộc (xã Gia Viễn).

Tê giác nặng gần 1 tấn

Ông Trần Văn Diên, trưởng trạm kiểm lâm xã Gia Viễn, cho biết khi kiểm lâm tìm thấy xác tê giác, nguyên một vùng rộng lớn còn nồng nặc mùi hôi thối. Thế nhưng xác chỉ còn trơ bộ xương nằm xếp lớp trên mặt đất. Xung quanh có rất nhiều thân tre bị dập nát, đổ rạp. Nền đất hơi khô, cứng. “Lực lượng kiểm lâm chúng tôi phải đào sâu xuống dưới đất cả mét mới moi được hết xương bốn chân và những chiếc móng của tê giác lên. Chúng tôi cũng đi nhặt lại các mẩu xương, chắc là do những loài thú khác tha đi và mãi đến chiều mới gom được gần đủ bộ xương tê giác” - ông Diên nói.

Ngay ngày hôm sau, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên Trần Văn Thành và một chuyên gia Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cùng lực lượng công an của tỉnh Lâm Đồng có mặt tại hiện trường. Bước đầu, các cán bộ kiểm lâm và chuyên gia nhận định con tê giác này đã chết cách đây khoảng năm tháng. Dựa trên bộ xương thu thập được cũng như xác định qua răng, các chuyên gia cho biết con tê giác này có trọng lượng gần 1 tấn.

2u2aprZ0.jpgPhóng to
Nhân viên kiểm lâm xếp lại bộ xương tê giác - Ảnh: Đ.Tuyên

Không tìm thấy sừng và răng nanh tê giác

Khi xếp lại bộ xương tê giác, ông Vũ Văn Khôi, nhân viên kiểm lâm cơ động thuộc Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên, cho hay: bộ xương tê giác thiếu một móng chân, một số xương bàn chân, xương phần đuôi, một số răng hàm. Ông Khôi nói khi tìm thấy bộ xương, dù lực lượng kiểm lâm đã chia nhau tìm kiếm suốt gần hai ngày nhưng vẫn không thấy chiếc sừng của nó. “Hiện bộ xương tê giác thiếu cả chiếc sừng - vật được cho là quan trọng nhất, thứ mà cánh thợ săn cưa ngay khi bắt được tê giác” - ông Khôi nhận định. Khi bộ xương tê giác được đưa về trụ sở vườn quốc gia Cát Tiên, các chuyên gia WWF tại VN cũng chứng kiến và phát hiện thêm bộ xương này thiếu cả hai chiếc răng nanh. Toàn bộ bộ xương tê giác thu nhặt được nặng trên 52,5kg.

Sáng 11-5, ông Trần Văn Thành cho biết: “Qua mẫu vật xương và hình ảnh ghi lại tại hiện trường, bước đầu chúng tôi nhận định tê giác chết một cách tự nhiên, bởi bốn chân và móng chôn sâu dưới đất từ 0,3-1m. Không thấy dấu vết săn bắn, đánh bẫy ở khu vực này. Nếu săn bắn người ta lấy đầu và lấy chân nhưng hiện mẫu vật này vẫn còn. Tuy nhiên, đó là nhận xét ban đầu. Chúng tôi đã phối hợp với Công an Lâm Đồng lập chuyên án điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của con tê giác này. Chúng tôi cũng đã lấy mẫu xương, móng chân của tê giác gửi sang cho các chuyên gia tại Canada phân tích, xét nghiệm”.

Theo ông Trần Văn Diên, cuối tháng 1-2010, các cán bộ kiểm lâm và chuyên gia còn phát hiện dấu chân và phân của tê giác tại ngay chính tiểu khu 513 này. “Chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm từ Canada gửi về để xác định xem đây có phải là con tê giác đã từng xuất hiện trước đó hay không” - ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho biết thêm hiện tê giác sinh sống ở vườn quốc gia Cát Tiên tập trung chủ yếu trong phạm vi khoảng 5.000ha rừng nằm trên địa bàn xã Gia Viễn. Ban giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên đã thành lập ba đội tuần tra bảo vệ tê giác với quân số 24 cán bộ cùng một số người dân tham gia. Ngoài ra còn có đội chuyên gia khảo sát, điều tra thu thập các dấu vết chân, phân của tê giác. Đội này gồm ba cán bộ cùng hai chuyên gia nước ngoài và hai chó nghiệp vụ của Mỹ. Công việc chính của đội là thu thập các mẫu phân, dấu vết của tê giác để gửi ra nước ngoài kiểm tra đánh giá, thống kê xem còn bao nhiêu cá thể. Chương trình khảo sát diễn ra từ tháng 10-2009 và đến tháng 4-2010 thì kết thúc. Các chuyên gia đã thu thập được 30 mẫu vật của tê giác và gửi sang Canada phântích xét nghiệm.

Đại diện WWF: Tê giác bị giết

Ngày 11-5, đại diện WWF tại VN khẳng định với Tuổi Trẻ con tê giác này đã bị bắn và bị cưa sừng.

Bà Julianne Becker, đại diện truyền thông của WWF, cho biết một nhóm cảnh sát chuyên trách đã được cử tới hiện trường để tìm hiểu. Cảnh sát cũng sẽ phỏng vấn người dân quanh vùng để thu thập thêm thông tin và cố gắng tìm vị trí của chiếc sừng bị cưa.

Gần đây WWF đã tiến hành một chương trình khảo sát thực địa ở VN, qua đó tìm được bảy mẫu phân tê giác. Các mẫu phân đã được gửi tới Đại học Queen’s University ở Canada để phân tích ADN nhằm xác định giới tính và số lượng cá thể. Sau đó Tổ chức về động vật học của London sẽ tiến hành phân tích hoócmôn để chỉ ra khả năng sinh sản và các mức độ tác động gây căng thẳng đến loài vật này.

__________________________

Ngày 11-5, thượng tá Trần Đình Thư - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an Lâm Đồng - cho biết kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu cho thấy trên thân thể con tê giác xấu số có dấu vết đạn bắn. Theo ông Thư, hiện chưa xác định các vết đạn nằm ở vị trí nào, loại đạn gì.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Đức Hiệp - giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng - cho biết nếu có phát hiện dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

__________________________

Tê giác Java, còn gọi là tê giác một sừng, có tên khoa học là Rhinoceros sondaicus, là một trong năm loài tê giác còn sống sót (cùng với tê giác hai sừng, tê giác một sừng Ấn Độ, tê giác đen và tê giác trắng). So với các loài tê giác khác, tê giác Java có kích thước khá khiêm tốn, chỉ dài khoảng 3,1-3,2m và cao 1,4-1,7m. Sừng tê giác Java cũng nhỏ và ngắn, thường không quá 25cm, trong khi sừng của tê giác trắng và tê giác đen (phân bố ở châu Phi) có chiều dài lên đến 150cm.

Tê giác Java có ba phân loài, trong đó Rhinoceros sondaicus inermis, tên thông thường là tê giác Java Ấn Độ, chỉ cư trú từ vùng Bengal đến Myanmar, tuy nhiên nó được cho là đã tuyệt chủng vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Một trong hai phân loài còn lại là Rhinoceros sondaicus sondaicus (tê giác Java Indonesia) chỉ sống ở Java và Sumatra. Quần thể hiện nay còn khoảng 40-50 con, sống tại vườn quốc gia Ujung Kulon nằm trên mũi phía tây của đảo Java. Riêng phân loài Rhinoceros sondaicus annamiticus, còn gọi là tê giác Java VN, hiện phân bố chủ yếu tại VN và Indonesia. Theo các nhà khoa học, phân tích di truyền cho thấy hai phân loài còn tồn tại (ở VN và Indonesia) có cùng một tổ tiên chung cách đây khoảng 300.000 - 2 triệu năm.

Theo các chuyên gia bảo tồn, trong môi trường hoang dã thì tuổi thọ của tê giác Java khoảng 40-45 năm, nhưng trong điều kiện nuôi nhốt chưa có con nào sống quá 20 năm. Tê giác Java là loài động vật ăn cỏ và chủ yếu ăn lá cây, mỗi ngày một con trưởng thành có thể ăn đến 50kg.

Trong môi trường tự nhiên, tê giác gần như không có kẻ thù nào trừ... con người. Những huyền thoại về dược tính thần kỳ khiến sừng tê giác trở thành thứ hàng hóa được săn lùng ráo riết ở một số nước Đông Á (giá bán trên thị trường khoảng 30.000 USD/kg). Tê giác Java ở VN, theo các nhà khoa học, rất nhút nhát và thụ động nên hiếm có cơ hội “giáp mặt”, người ta chỉ mới ghi nhận được sự tồn tại của chúng qua bẫy ảnh (camera cài tự động ngoài rừng) và dấu phân chúng để lại trên đường đi.

Tháng 5-1999, lần đầu tiên ở VN bẫy ảnh thu được hình ảnh hai con tê giác Java tại vườn quốc gia Cát Tiên: một con có sừng nhỏ được cho là con cái và một con có miệng rộng, răng cửa to mang đặc trưng của tê giác Java đực. Vì thế, ngay cả với giới nghiên cứu, tê giác Java là loài vật cực kỳ quý hiếm và còn nhiều bí ẩn.

Hiện tất cả loài tê giác đều có tên trong danh mục đỏ các loài bị đe dọa của Hiệp hội quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Riêng tê giác Java có tên trong Sách đỏ VN.

ĐỨC TUYÊN - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên