Chuỗi sự kiện bao gồm: lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh, công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal, lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh.
Tây Ninh hướng tới xuất khẩu thị trường Halal
Vào tháng 6-2023, UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cùng Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng tại huyện Tân Châu.
Sau hơn 10 tháng xây dựng, giai đoạn 1 của dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh đã hoàn thành. Tiếp theo, Tây Ninh cũng công bố 7 dự án trọng điểm thuộc giai đoạn 2. Các dự án được áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức và Bỉ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Ngọc - chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - chia sẻ: "Đây là dự án khởi động cho chuỗi từ tạo con giống, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu thịt gà và đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal - một thị trường mới, đầy tiềm năng".
"Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Tây Ninh để cảm nhận vùng đất giàu tiềm năng này", ông Ngọc nhấn mạnh.
Cũng tại chuỗi sự kiện, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 2.000 tỉ đồng.
Tây Ninh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi
Ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết năm 2023, GDP ngành nông nghiệp Việt Nam đạt 3,8%, cao nhất trong các năm gần đây. Chăn nuôi Việt Nam đã chuyển dần sang chăn nuôi trang trại tập trung, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việt Nam đã từng bước hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu thịt gà sang Hàn Quốc, Nhật Bản và xuất khẩu lông vũ, yến… sang Trung Quốc, mật ong sang EU. Sản phẩm chăn nuôi sắp tới sẽ từng bước gần hơn với thị trường Halal.
Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và 7 dự án trọng điểm sắp tới có thể coi là một mô hình mẫu trong chăn nuôi. Tây Ninh là nơi có vị trí địa lý quan trọng, kết nối với các nước Đông Nam Á, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ. Điều này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Hiện nay Tây Ninh có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Năm 2023, tỉnh phát triển mạnh chăn nuôi đàn heo 297.000 con và đàn gia cầm trên 9,5 triệu con (tăng 5,6% so với cùng kỳ).
Đặc biệt Tây Ninh đã thu hút mạnh mẽ đầu tư các dự án chăn nuôi. Trong đó có các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty De Heus. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian tới.
"Chuỗi sự kiện tại Tây Ninh dịp này có ý nghĩa quan trọng. Qua đó tỉnh thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi theo xu hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó còn mở đường cho sự kết nối quốc tế và chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc phát triển nền nông nghiệp chăn nuôi", ông Tiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận