Minh Ân vắt sữa bò ở Mông Cổ - Ảnh: NVCC |
Đang học lớp 10 ở Munich (Đức), Minh Ân (Nguyen Minh An Felix) đột ngột “hô biến” thành một nông dân khiến bạn bè chưng hửng. Mẹ của Minh Ân nhờ chính quyền can thiệp, nhưng rốt cuộc họ bảo “cậu ấy chỉ là không đi theo con đường do bà sắp đặt”.
Ở nông trại, chàng trai mang hai dòng máu Đức - Việt lao mình vào đủ thứ “chuyện” mình chưa từng làm: trồng rau, chăn bò, vắt sữa...
Thời gian đầu chưa quen lao động tay chân, nhiều bữa Minh Ân gần như kiệt sức, nhưng vì muốn nhanh thạo việc nên bạn cứ giành lấy mà làm.
Hơn 5 năm lao động và dành dụm, chàng “Tây lúa” đã có đủ kinh phí cho hành trình đến với trường đời rộng lớn hơn. Điểm đến đầu tiên là quê mẹ ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
“Một cảm giác nghèn nghẹn khó tả giống như khi bạn trở về nhà mình sau bao năm xa cách” - Minh Ân bộc bạch.
Từ quê mẹ, Minh Ân đi Mông Cổ và sống gần hai tháng ròng trong các căn lều trên thảo nguyên bao la. Nhờ thạo nghề nông và quen lao động, “ông Tây” này đã khiến dân du mục không khỏi ngạc nhiên khi có thể sống kham khổ nhưng làm lụng cũng “khỏi chê”.
“Trời cực nóng và cực lạnh trong một ngày khiến da nứt nẻ. Dân cư thưa thớt, có khi cả ngày chẳng nhìn thấy ai khác. Học cưỡi ngựa lùa đàn gia súc không dễ đâu nhé. Cư dân thảo nguyên cắt một bộ lông cừu chỉ 15 phút là xong, mình mới học nên mất tới 45 phút” - Minh Ân hào hứng kể.
Chỉ có một trở ngại như lời bạn chia sẻ: dân du mục làm rất cực nhưng mỗi ngày chỉ ăn một buổi chính vào chiều tối, sáng và trưa chỉ ăn tạm, bữa ăn lại rất thiếu rau xanh, chàng “Tây” trẻ không quen nên cứ gầy rộc đi.
Trở về Việt Nam, Minh Ân tiếp tục homestay hơn hai tháng ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) trong các gia đình người dân tộc Tày, Thái, Mông, Dao.
Người ta làm gì thì bạn cũng làm đó: quơ củi, bắt cá, cắt cỏ cho bò ăn, gặt và đập lúa bằng tay. “Có một việc mà mình chưa được làm là điều khiển trâu cày ruộng bậc thang” - bạn tỏ ý tiếc rẻ.
Minh Ân kể bây giờ mẹ bạn đã vui với chọn lựa của con trai sau mấy năm ròng “chiến tranh lạnh” vì chuyện Minh Ân không đi theo con đường vào đại học như bà mong muốn.
Chàng trai chia sẻ: “Mình cho rằng trường học tốt nhất là trường đời nhưng mẹ lại không nghĩ như thế. Mình thích sống xanh và quan tâm đến cộng đồng vì mình nghĩ người trẻ cần lối sống tiến bộ và biết ấp ủ điều gì đó lớn hơn việc vun vén cho bản thân”.
Điều quan trọng nhất từ “học trình trường đời” chính là những thay đổi từ bên trong khiến Minh Ân cảm thấy yêu thương hơn cuộc sống này.
Bạn tâm sự: “Mình cứ miên man mãi với những hình ảnh bắt gặp trên hành trình: người Mông Cổ nâng niu từng cái cây trên sa mạc hay tiết kiệm từng giọt nước, em bé du mục chơi đùa với chú cừu non và mút viên kẹo như thể đó là món ngon nhất trên đời... và tự nhiên thấy trong lòng thôi thúc muốn làm cái gì đó cho cuộc đời này”.
“Cái gì đó” chính là một dự án phát triển cộng đồng dành cho thanh niên nông thôn mà bạn nói rằng sẽ rủ thêm nhiều bạn bè bên Đức cùng góp tay.
“Mới chỉ là ý tưởng thôi, khi nào dự án thành hình hẵng hay, nói trước sợ bước không qua” - Minh Ân bộc bạch như thế khi bạn sắp sửa quay lại trời Âu.
Hơn một năm rong ruổi sống khắp các làng mạc ba nước Lào, Mông Cổ và Việt Nam, chàng trai trẻ đã “làm đầy” rất nhanh vốn hiểu biết về cuộc sống. Giống như một chuyện mà bạn chia sẻ: “Người châu Âu lao động hiệu quả hơn nhưng lại có lối sống cá nhân, vì thế xã hội có nhiều vấn đề và nhiều người không thấy hạnh phúc. Còn người Việt Nam và các nước châu Á tuy năng suất lao động kém hơn nhưng luôn sống tình cảm, hướng về gia đình và cộng đồng. Mình sẽ nhặt nhạnh những cái hay của cả Âu và Á để làm giàu vốn sống cho riêng mình”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận