14/05/2016 09:11 GMT+7

Tàu siêu tốc chỉ là mơ?

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)

TTO - Cuộc thử nghiệm đường ray tàu siêu tốc Hyperloop ngắn ngủi và đơn giản đã giúp công chúng có khái niệm thực tế đầu tiên về hệ thống tàu có thể làm thay đổi cả ngành vận tải trong tương lai.

Chiếc xe trượt được thử nghiệm ở Nevada ngày 11-5  - Ảnh: Reuters
Chiếc xe trượt được thử nghiệm ở Nevada ngày 11-5 - Ảnh: Reuters

Giữa cái nóng của sa mạc Nevada (Mỹ) ngày 11-5, một chiếc xe trượt hình ống trụ cỡ bằng một chiếc xe hơi sử dụng năng lượng từ nam châm điện đã phóng với tốc độ khoảng 187 km/h trên đường ray thử nghiệm.

Các nhà đầu tư, chuyên gia, truyền thông và cả thị trưởng John Jay Lee của thành phố North Las Vegas có lẽ phải cố không chớp mắt vì thử nghiệm chỉ diễn ra hơn 2 giây. Không chạy trong đường ống như ý tưởng ban đầu, chiếc xe mô hình cũng không có thắng và sau đó phải đâm vào một đồi cát để giảm tốc.

Cuộc thử nghiệm thô sơ khiến mọi người đặt câu hỏi liệu viễn cảnh con người sắp di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh sắp thành hiện thực? Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi trả lời được câu hỏi này.

Tương lai của vận tải

Hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop - ý tưởng được tỉ phú Elon Musk công bố năm 2013 - chạy trên nệm khí trong đường ống áp suất thấp, có thể đạt tốc độ nhanh gấp 2 lần máy bay và hoạt động bất chấp mọi điều kiện thời tiết. Ông Musk đề xuất kế hoạch xây dựng một tuyến tàu trị giá 6 tỉ USD giúp hành khách di chuyển qua quãng đường dài 560km giữa Los Angeles và San Francisco chỉ trong khoảng 30 phút. Con tàu lý tưởng sẽ có tốc độ trung bình 970 km/h và đạt tối đa lên đến 1.200 km/h!

Hàng loạt công ty đã nhảy vào phát triển công nghệ này, bao gồm Hyperloop One, công ty khởi nghiệp đặt tại Los Angeles thực hiện cuộc thử nghiệm ngày 11-5.

Công ty này đã gây quỹ được 80 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư lớn như Khosla Ventures, GE Ventures, cả Công ty Đường sắt quốc gia Pháp và có vẻ vượt trước đối thủ Hyperloop Transportation Technologies, công ty vừa được cấp bằng công nghệ nâng từ tính thụ động để phát triển nguyên mẫu riêng.

Giới lãnh đạo Hyperloop One hào hứng gọi sự kiện “cột mốc” ngày 11-5 là cuộc thử nghiệm thực tế thành công đầu tiên của hệ thống tàu siêu tốc, đưa con người đến gần hơn với “phương thức vận tải của tương lai”. Họ cho biết trong đợt thử nghiệm vào cuối năm nay, chiếc xe trượt sẽ được nâng lên khỏi bề mặt đường ray và gắn kèm thêm các khoang.

Khi được hỏi rằng màn trình diễn đầu tiên có vẻ không hoành tráng như kỳ vọng, nhà đồng sáng lập Shervin Pishevar nói: “Phải hiểu rằng đây là hệ thống đẩy hoàn toàn mới. Chúng tôi sẽ đạt được tốc độ hơn 560 km/h ngay khi hoàn thành đường ray. Thử nghiệm này là để chứng minh rằng chúng tôi đang thật sự xây dựng nó”.

Nhà điều hành Rob Lloyd của Hyperloop One thậm chí tự tin rằng tàu siêu tốc Hyperloop chở hàng hóa sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2019 và chở hành khách vào năm 2021, theo Reuters. “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng rất nhanh và quy mô lớn, bao gồm việc sử dụng robot hàn.

Các kỹ thuật này cho phép chúng tôi sản xuất ở mức độ lý tưởng. Điều mà người ta nghĩ sẽ mất nhiều năm nay chỉ mất vài quý” - ông Lloyd mạnh miệng. Ông cho biết công ty đã bắt đầu mua đất ở Nevada từ năm ngoái để xây dựng nguyên mẫu hoàn thiện của tàu Hyperloop và khởi công ngay trong cuối năm nay.

Phi thực tế?

Dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính thực tiễn của dự án. Theo giới phân tích, ý tưởng tàu siêu tốc cần giải quyết hai nhóm vấn đề chính về kỹ thuật và chính trị. Trước hết là khả năng chịu đựng của cơ thể người, bởi càng đi nhanh thì lực gia tốc lên con người càng tăng. Nếu bị đẩy quá giới hạn, con người có thể bị đột quỵ hoặc bị ngất hoàn toàn, tờ Washington Post giải thích. Và để giải quyết vấn đề này, tàu Hyperloop sẽ phải chạy trên đường thẳng, đồng nghĩa với việc nó sẽ không thể bo cua. “Ở tốc độ 970 km/h sẽ không thể quẹo mà phải chạy thẳng” - nhà vật lý James Powell chỉ rõ.

Để có được đường ray thẳng, hệ thống Hyperloop sẽ buộc phải mua đất của rất nhiều người. Và nếu có thể làm được điều này, nó cũng sẽ đối mặt với khó khăn trong việc xin giấy phép xây dựng từ chính quyền. “Nó có thể tạo ra nút thắt rất lớn và rắc rối về chính sách và quy định.

Sẽ ra sao nếu có thị trấn không cho phép tàu Hyperloop chạy qua? Liệu nó có thể giảm tốc độ để chạy vòng qua?” - báo Washington Post nêu vấn đề và cho rằng Hyperloop sẽ đối mặt với nhiều rắc rối hơn các dự án tàu cao tốc thông thường.

Trong khi đó, giới kỹ sư chỉ ra nhiều vấn đề khác như độ giãn nở của thép trong điều kiện nắng nóng ở California, khả năng tạo ra các đường giao cắt giữa các tuyến tàu. Độ giãn nở của 560km đường tàu Hyperloop có thể lên đến 300m. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác về việc neo đường ống tàu vào kiến trúc cầu cạn.

Cuối cùng, chi phí xây dựng quá đắt cũng khiến dự án Hyperloop có thể nằm ngoài tầm với, dù các công nghệ để phát triển hệ thống vận tải siêu tốc không phải là phi thực tế. “Những công nghệ này không phải là viễn tưởng, chúng đều tồn tại trong ngày nay, nhưng việc xây dựng chúng ở quy mô hữu dụng sẽ đắt một cách không tưởng” - tờ Guardian bình luận.

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên