09/04/2014 08:06 GMT+7

Tàu sắt và tâm sự ngư dân

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Sáng 8-4, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Minh Vương, một ngư dân trẻ tại Bình Định, chủ nhân của ba con tàu gỗ gần 1.000 CV - người đã cho chúng tôi tháp tùng ra vùng biển Trường Sa đánh bắt cá ngừ đại dương, khi thực hiện loạt bài “Ra khơi cùng ngư dân” đăng trên Tuổi Trẻ hồi tháng 9-2012.

Tôi hỏi ông Vương nghĩ gì về câu chuyện chiếc tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên của ngành ngư nghiệp VN mang tên Hoàng Anh 01 (Tuổi Trẻ ngày 8-4)?

Ra khơi cùng ngư dân Vươn khơi trên tàu vỏ thépHạ thủy tàu cá vỏ sắt đầu tiên cho ngư dân Quảng Ngãi

Ông Vương chắc lưỡi tiếc rẻ và bảo rằng nếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho ngư dân đóng tàu sắt có sớm hơn vài năm, thì bây giờ ông đã có gần chục chiếc tàu đánh cá vỏ sắt rồi!

Bởi theo ngư dân Mai Thành Văn, ông chủ của con tàu Hoàng Anh 01, vốn của tư nhân bỏ ra chỉ khoảng 2 tỉ đồng, còn lại khoảng 80% là Nhà nước cho vay ưu đãi với lãi suất 2,5% trong 10 năm.

Vậy nên ông Vương tính: ba con tàu mà ông đóng vài năm trước có tổng giá trị là 15 tỉ đồng. Số tiền ấy dù không sinh sôi nảy nở, thì bây giờ ông cũng có được bảy chiếc tàu sắt theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mà bảy chiếc tàu sắt thì chắc chắn ngon lành hơn rất nhiều so với ba chiếc tàu gỗ mà ông đang có!

Không chỉ hơn về số lượng con tàu, ông Vương còn tâm sự rằng giá trị của tàu sắt cao lắm. Ví dụ chi phí bảo trì thấp, hao tổn ít, đặc biệt là sự an toàn khi gặp bão tố. “Chiếc tàu gỗ dù to đến mấy, giữa biển sóng gió cũng chỉ như chiếc lá, không thể sánh với tàu sắt về sự an toàn” - ông Vương khẳng định.

Một quốc gia có bờ biển dài 3.260km với hơn 1 triệu km2 diện tích mặt biển, hai quần đảo và hàng trăm đảo lớn nhỏ ven bờ... tuy nhiên đến lúc này chỉ mới có một tàu đánh cá bằng sắt của ngư dân Mai Thành Văn (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) sắp sửa vươn khơi!

Đó quả là một câu chuyện không vui, nhất là khi nghe giọng tiếc rẻ của một ngư dân như ông Vương.

Nhìn sang các quốc gia lân cận, những con tàu sắt của ngư dân Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã vùng vẫy ở các vùng biển của họ từ rất lâu.

Không những trong nước, tàu của các quốc gia này còn đánh bắt ở các quốc gia xa xôi, thuê cả ngư dân nước sở tại làm thủy thủ đánh bắt cá cho tàu họ. Trong khi đó ngư dân ta nhiều đời nay vẫn phải tàu gỗ ra khơi, mà số phận con tàu mong manh đến mức đánh đu theo từng tán đinh, từng thớ gỗ, con sóng ngược xuôi.

Tuy nhiên, ông Vương cho rằng Nhà nước đầu tư cho ngư dân đóng tàu sắt là đúng, nhưng chính sách phải đồng bộ để không bị phá sản như những con tàu gỗ trong chiến lược đánh bắt xa bờ trước đó.

Trước hết là giá thu mua cho ngư dân, dịch vụ hậu cần hỗ trợ, và việc thực thi Luật biển của Chính phủ để ngư dân có thể an tâm và an toàn hơn trên biển xa.

Ông Vương ví dụ: “Một ký cá ngừ năm 2012 tôi bán được 37.000 đồng, nhưng năm 2014 các thương lái ép xuống còn 15.000 đồng/kg thì dù Nhà nước có đầu tư hàng vạn tàu sắt rốt cuộc chúng cũng sẽ nằm bờ chờ mưa nắng hoen gỉ mà thôi. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ đóng tàu sắt, còn cần giải cả bài toán đầu ra cho sản phẩm đánh bắt, khi ấy nghề biển của chúng ta mới thật sự đổi đời”.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên