Phóng to |
Tàu đánh cá vỏ thép Hoàng Anh 01 do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đóng tại cảng Sa Cần (Dung Quất), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chiều 7-4 - Ảnh: Võ Minh |
Tàu có chiều dài 25,21m, rộng 7,5m, cao 3,6m, tổng trọng tải khoảng 120 tấn với giá trị 6,5 tỉ đồng, chưa trang bị ngư cụ.
Nhiều tính năng ưu việt
Ngư dân Mai Thành Văn - xã Bình Chánh (H.Bình Sơn), người sở hữu chiếc tàu vỏ sắt - không giấu được niềm vui cho biết không riêng gia đình ông mà các ngư dân trong vùng đều rất vui khi đón chiếc tàu vỏ thép đầu tiên này. Tuy nhiên, để ra khơi đánh cá vào ngày 19-4 theo đúng kế hoạch, ông Văn cho biết phải đầu tư thêm khoảng 2 tỉ đồng nữa cho trang thiết bị, ngư cụ trên tàu. “Hi vọng với con tàu vỏ thép này, chúng tôi sẽ đánh bắt bội thu hơn”, ông Văn nói.
“So với tàu gỗ, tàu vỏ thép có nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn” - ông Lê Văn Toàn, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang - đơn vị đóng tàu này, khẳng định. Theo ông Toàn, trên tàu vỏ thép được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, nên ngư dân sẽ an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi xa. Đặc biệt với vận tốc cao (9-11 hải lý/giờ), thời gian ra khơi của tàu vỏ thép sẽ ngắn hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn so với tàu gỗ.
Bên cạnh đó, tàu vỏ thép còn được trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại như máy dò cá, hệ thống hầm cá được bọc cách nhiệt và phủ composite nên việc bảo quản hải sản cũng tốt hơn. Dung tích sáu khoang hàng bảo quản của tàu có thể chứa được khoảng 60 tấn hải sản các loại. “Nếu tuổi thọ trung bình của tàu gỗ là 10 năm thì tuổi thọ của tàu vỏ thép lên đến 20 năm. Một năm tàu gỗ phải bảo dưỡng, bảo trì ít nhất hai lần, còn tàu vỏ thép thời gian bảo dưỡng định kỳ là ba năm một lần, nên sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể cho ngư dân” - ông Toàn nói.
Hướng đến đội tàu cá hiện đại
Sau con tàu đầu tiên, theo ông Toàn, con tàu vỏ thép thứ hai hiện đang được công ty tiếp tục thi công tại Cam Ranh, dự kiến ngày 20-4 sẽ hạ thủy và bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi vào ngày 10-5. Ngoài ra, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN sẽ đầu tư đóng thử nghiệm sáu tàu vỏ thép đầu tiên cho ngư dân, Công ty CP công nghiệp tàu thủy Sông Đào (Nam Định) đóng bốn tàu...
Trao đổi về chủ trương hiện đại hóa tàu cá, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết trong chiến lược phát triển của ngành thủy sản đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nội dung quan trọng là hiện đại hóa đội tàu cá. “Đội tàu cá hiện đại này vừa tạo cú hích cho việc khai thác hải sản ở những vùng biển xa, là khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia” - ông Tám nói.
Cần có cơ chế vay vốn đặc thù
Tuy nhiên, theo ngư dân một số địa phương, việc hiện đại hóa tàu cá đang gặp khó khăn về nguồn vốn cũng như cơ chế cho vay vốn. “Giá thành đóng một con tàu và đầu tư trang thiết bị quá lớn nên không phải ngư dân nào cũng đủ khả năng tài chính, dù thừa quyết tâm” - ông Văn nói. Theo ông Văn, với 2 tỉ đồng trang bị thêm cho tàu, gia đình đã cố gắng vay mượn 1 tỉ đồng và dùng tiền tích cóp để sắm trang thiết bị ngư cụ cho tàu phục vụ nghề lưới vây rút chì.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu - cho rằng ban đầu khi nghe tin Nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ bằng đóng tàu vỏ thép, ngư dân rất quan tâm. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho biết đã phải cân nhắc khi nghe về giá trị khá lớn của con tàu. “ Với số tiền 6-8 tỉ đồng, hầu hết ngư dân không đủ khả năng. Nếu vay tiền thì không có gì để thế chấp, còn đứng tên với một công ty nào đó thì ngư dân cũng không muốn”, ông Hùng phân tích.
Tại hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” cuối năm 2013, ông Vũ Văn Tám cho biết theo chính sách thí điểm đóng tàu cá bằng vỏ thép, ngư dân được vay 80% giá trị con tàu trong 10 năm, với lãi suất 2,5%/năm, còn lại là vốn tự có của ngư dân. Tuy nhiên với vốn đầu tư một tàu vỏ thép 9-10 tỉ đồng, 20% giá trị con tàu cũng xấp xỉ 2 tỉ đồng là một con số không nhỏ nên ngư dân sẽ gặp khó khi tiếp cận chính sách này. Do đó, ông Tám đề nghị cần phải có những cơ chế về mặt tín dụng với lãi suất ưu đãi và cơ chế cho vay khác để ngư dân có thể tiếp cận được chương trình này.
Thí điểm đóng tàu vỏ thép Năm 2013, Chính phủ đã thống nhất việc hiện đại hóa các đội tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong chuyến công tác huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo chọn Quảng Ngãi để hiện đại hóa đội tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, sau đó nhân rộng ra 28 tỉnh, thành có biển để tạo một tổ hợp hoạt động đánh bắt trên biển hùng mạnh với tàu to, máy lớn, đi kèm các dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo đó, huyện đảo Lý Sơn được chọn là một trong những nơi đầu tiên cả nước trang bị tàu vỏ thép. Lý Sơn hiện có trên 400 tàu cá, trong đó 120 tàu hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa nhưng phần lớn đội tàu đều thô sơ, công suất nhỏ nên hiệu quả kinh tế thấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận