09/07/2012 11:01 GMT+7

Tàu ngầm Mỹ trong cảng Subic

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Nó nằm đó thù lù “một cục” trên bờ kè sát con đường Water Front cảng Subic, chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Louisville của hạm đội 7 Mỹ, sáng nay thứ tư 27-6. Thật yên ả thả neo trên bến cảng ngày nào là căn cứ hải - không quân Mỹ.

20 năm trước, hạm đội 7 Mỹ “bị” nhổ neo khỏi cảng Subic của Philippines. 20 năm sau, hạm đội 7 trở lại trong sự đón chào. Hai tuần trước, tàu ngầm hạt nhân USS Louisville ghé cảng Subic, tiếp sau một tàu ngầm hạt nhân khác, chiếc USS North Carolina, ghé đây hôm 13-5.

Nhà báo Danh Đức trở lại Philippines sau 20 năm đã nhìn và thấy nhiều chuyện…

Kỳ 1: Trở lại sau 20 năm

8eIluTia.jpgPhóng to
Tàu ngầm hạt nhân USS Louisville - Ảnh: D.M.SOSA

Không có cảnh súng ống tua tủa như có thể thấy tại một quân cảng nào khác, nhất là tại cảng San Diego, tổng hành dinh của hạm đội Thái Bình Dương mà chiếc USS Louisville này thuộc về, khi đó lại là một tàu ngầm hạt nhân! Duy nhất lồ lộ là lớp chắn bêtông ở đoạn bờ kè nơi chiếc tàu ngầm đậu.

Việc canh gác con tàu do vài binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đảm nhiệm, có người ngồi mát trong một cái lều bạt có treo bảng “laundry” (giặt ủi), có người đeo súng tiểu liên báng xếp đứng ngoài nắng...

Bảo vệ cho chiếc tàu ngầm hạt nhân được mô tả là có mang theo tên lửa đạn đạo Tomahawk trong 12 bệ phóng, thủy lôi hạng nặng Mk-48 trong bốn ống phóng cùng tên lửa đối hạm Harpoon chỉ có chừng đó! Còn “nhẹ nhàng” hơn cả công tác bảo vệ tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Roxas, thủ đô Manila: một xe Jeep của cảnh sát Philippines gắn đại liên 50 luôn “hùng dũng” đậu sát bức tường tòa đại sứ đấu lưng ra biển này!

Tất nhiên, không loại trừ vệ tinh dọ thám vần vũ trên trời hay đài kiểm thính trên ngọn Santa Rita ngó xuống vịnh Subic đang nghe ngóng “vòng ngoài” cho chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc phân đội tàu ngầm số 7 (Comsubron 7) này.

Núi lửa phun trào, đóng cửa căn cứ Clark

Năm 1991 là một năm mà không ít người Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam, kể cả TP.HCM còn nhớ như in. Liên tiếp trong mấy ngày giữa tháng 6 năm ấy, tro bụi núi lửa từ Philippines vượt biển Đông bay qua đến tận Việt Nam, tuy không phủ trắng xóa như ở Philippines song cũng phủ một lớp xam xám dày.

Ngọn núi lửa Pinatubo, chỉ cách căn cứ không quân Clark không đầy 10 dặm, bỗng dưng rùng mình thức dậy sau 600 năm “ngủ nghỉ”, đã thật sự đe dọa căn cứ không quân Mỹ ngay sát thành phố Angeles, cách thủ đô Metro Manila 60 dặm về phía tây bắc. Ngọn núi lửa “gầm gừ” hai lần trong buổi chiều chủ nhật 9-6 đã hất văng các mảnh vụn ra xa đến 20 hải lý trên biển Đông! Binh sĩ Mỹ thuộc căn cứ Clark đươc lệnh trở về trại và cắm trại trong buổi chiều đó. Đến đêm, Chính phủ Philippines buộc phải ra lệnh sơ tán hơn chục ngàn dân 20 ngôi làng quanh núi lửa.

5g sáng 10-6, trung tá Ron Rand, phát ngôn viên của căn cứ, ra lệnh cho toàn thể 15.000 quân nhân, nhân viên Mỹ cùng gia quyến di tản ra khỏi căn cứ Clark trong vòng bốn giờ, ngoại trừ một số nhân viên thiết yếu trụ lại. Thế là đến 6g sáng, xe ca, xe nhà binh các loại rần rần nối đuôi nhau trên quốc lộ dẫn đến căn cứ hải quân Subic cách đó một giờ xe.

Đến 1g trưa thứ bảy 15-6, núi lửa Pinatubo mới phun trào toàn diện, tro bụi xám bay qua đến tận Việt Nam.

EpITDCXe.jpgPhóng to
Nhà báo Danh Đức trên bến cảng Subic. Phía sau là tàu ngầm hạt nhân USS Louisville Ảnh: liên minh

Thượng viện Philippines đóng cửa căn cứ Subic!

Ra đi tránh núi lửa cũng là để ra đi mãi mãi cho dù hợp đồng thuê các căn cứ Subic và Clark đến tháng 9 năm đó mới hết hạn và hai chính phủ Philippines - Mỹ đang thương thảo việc gia hạn hợp đồng.

Phía Mỹ đề nghị chi 203 triệu USD/ mỗi năm, một số nghị sĩ Philippines chê là quá ít! Hợp đồng thuê này dựa trên hiệp định căn cứ quân sự Philippines - Mỹ ký kết năm 1947. Đến 16-9-1966, hai bên gia hạn hiệp định này thêm 25 năm. Đến thứ hai 16-9-1991 hết hạn 25 năm gia hạn. Hôm đó, Thượng viện Philippines, với 12 phiếu chống/11 ủng hộ, đã bác bỏ hiệp định gia hạn 10 năm việc cho thuê các căn cứ Mỹ ở Clark và Subic mà nữ tổng thống Cory Aquino vừa ký kết.

Tỉ lệ bỏ phiếu đó cho thấy quyền lực của các nghị sĩ Thượng viện Philippines lớn đến đâu: để bác bỏ hiệp định gia hạn, chỉ cần hơn thua một lá phiếu (12/11 trong trường hợp này); ngược lại để gia hạn phải hội đủ 2/3 tổng số phiếu, tức phải cần thêm năm phiếu nữa!

Một quốc hội đầy quyền lực chính là một trong những di sản mà cựu thuộc địa Philippines kế thừa từ nửa thế kỷ dưới trướng đế quốc Mỹ “kế vị” sau khi đánh bại đế chế Tây Ban Nha! Hiệp định Paris ngày 10-12-1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha đã trao đất nước Philippines cho Mỹ, bất chấp việc Philippines đã tuyên cáo độc lập từ ngày 12-6 trước đó bởi vị tổng thống đầu tiên là ông Emilio Aguinaldo.

Trực tiếp cai trị Philippines song vẫn để cho một nghị viện địa phương hoạt động, đó là một trong vài di sản đẹp đẽ của nửa thế kỷ người Mỹ cai trị Philippines cho đến khi trả lại độc lập cho người Philippines vào ngày 4-7-1946.

Hết bị núi lửa Pinatubo rượt chạy có cờ lại bị Thượng viện Philippines bỏ phiếu tống khứ, quân đội Mỹ không còn chút thiên thời, địa lợi, nhân hòa nào tại đây. Trong số các nghị sĩ chống lại việc gia hạn, có cả nghị sĩ Agapito Aquino, anh chồng của nữ tổng thống Cory Aquino cầm quyền lúc đó. Cuộc bỏ phiếu chống một phần muốn đất nước Philippines “độc lập trọn vẹn”.

szzZduQC.jpgPhóng to
Tàu ngầm USS Louisville ở cảng Subic - Ảnh: AP

Ân oán đổi chiều

Nói cho ngay, như tại bất cứ nơi nào có binh sĩ Mỹ đóng quân đều xảy ra những chuyện mích lòng. Ở Clark hay Subic đã là như thế, ở Okinawa (Nhật Bản) cho đến bây giờ cũng thế.

Ngoại trừ ở Nhật do các chính phủ Nhật “cứng cựa” cho dù từng bại trận phải đầu hàng năm 1945, ở các nơi khác từ Nam Hàn đến Nam Việt Nam, Philippines..., sự hiện diện của quân đội Mỹ đồng nghĩa với can thiệp chính trị như vụ đảo chính Lý Thừa Vãn ở Seoul ngày 26-10-1960, Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963...

Tại Manila hiện nay, nghị sĩ Gregorio Honasan vẫn còn nhớ thế nào là sự can thiệp của quân đội Mỹ. Tháng 12-1989, ông Honasan, lúc đó là đại tá, khởi sự một vụ đảo chính chống lại nữ tổng thống Cory Aquino.

Trong suốt một tuần lễ, có lúc dinh tổng thống Malacañang trúng bom suýt thất thủ, tổng thống Aquino phải yêu cầu đồng minh Mỹ yểm trợ. 120 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ trên tổng số 800 người đóng tại căn cứ Subic được triển khai xung quanh tòa đại sứ Mỹ ở Manila. Không quân Mỹ tại căn cứ Clark tung hai chiếc máy bay chiến đấu F-4 Phantom lên thị uy, giành lại bầu trời cho bà Aquino với lệnh từ chính tổng thống Bush “bố”: “Buộc máy bay phe đảo chính nằm bẹp ở căn cứ của chúng. Nã đạn ngay trước mũi chúng nếu chúng định cất cánh bay lên. Bắn hạ chúng, nếu chúng dám cất cánh” (xem Operation “Classic Resolve”, Global Security.org). Đại tá Honasan thua cuộc.

Thế rồi vật đổi sao dời. Sau khi Trung Quốc “lệnh” cho Philippines phải rút ra khỏi bãi Scarborough, hôm 11-4-2012 nghị sĩ Honasan, “vua đảo chính” ngày nào, lại là một trong những người sớm quên ân oán cũ nhất, yêu cầu Mỹ trở lại ngay. Và con trai của nữ tổng thống Aquino ngày nào, đương kim Tổng thống Benigno Aquino III, đầu tháng 6 đã điều đình việc quân đội Mỹ trở lại.

Ngọn gió thiên thời, địa lợi... đã đổi chiều về phía Mỹ, tuy chưa hẳn đã nhân hòa 100%.

________________

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khẳng định chủ quyền tự cấp bằng mọi giá trước các nước ven bờ Thái Bình Dương, có gì bất thường không khi hết chiếc USS North Carolina đến chiếc USS Louisville lần lượt đến Subic, nơi mà 20 năm trước hải quân Mỹ đã phải cuốn cờ rút đi?

Kỳ tới: Bến cũ, người xưa và...

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên