26/11/2017 12:14 GMT+7

Tàu ngầm Argentina mất tích: tìm kiếm trong sóng dữ

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Cuộc tìm kiếm tàu ngầm San Juan vẫn đang diễn ra trong những cơn sóng cao đến 3 mét. Số phận của 44 thành viên thủy thủ đoàn dường như đã vô vọng khi lượng dự trữ oxy trên tàu chỉ đủ cho 7 ngày.

Tàu ngầm Argentina mất tích: tìm kiếm trong sóng dữ - Ảnh 1.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri (giữa) tại bộ tư lệnh Hải quân ở Buenos Aires ngày 24-11 - Ảnh: REUTERS

Ngày 25-11, người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi cho biết Hải quân nước này vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chiếc tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích 10 ngày trước đó, bất chấp tình hình thời tiết đang trở nên xấu hơn. Tuy nhiên, đáng lo là vẫn chưa xác định được vị trí của tàu San Juan. 

Theo ông Balbi, tình hình thời tiết đang rất xấu với các đợt sóng cao 3m, nhưng các chiến dịch tìm kiếm hiện vẫn đang được tiếp tục với sự hỗ trợ của 7 tàu từ các quốc gia khác nhau. Ông Balbi giải thích thêm rằng việc tìm kiếm tàu San Juan gặp rất nhiều khó khăn do khu vực tàu mất tích ở cách xa đất liền khoảng 430km, thời tiết xấu nên các tàu tìm kiếm di chuyển chậm. 

Tắc trách, giấu thông tin

Hải quân Argentina trong khi đó đang bị chỉ trích dữ dội về cách lực lượng này xử lý sự cố tàu ngầm San Juan. 

Báo cáo đầu tiên về chiếc tàu ngầm đã không được xử lý ngay mà phải mất 1 ngày sau đó. Thậm chí, báo La Nación của Argentina dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad còn không hề hay biết về vụ việc cho đến sau 48 giờ kể từ khi con tàu mất liên lạc.

Nhiều ngày sau, hải quân mới công bố chiếc tàu ngầm San Juan đã báo cáo về trục trặc ở hệ thống pin trong lần liên lạc cuối cùng với căn cứ. Rồi phải đến tận ngày 23-11, hải quân mới "xì" ra thêm một thông tin quan trọng - dập tắt hi vọng của thân nhân các thủy thủ - rằng đã có một vụ nổ trên tàu. Theo các chuyên gia, vụ nổ này nhiều khả năng có liên quan đến sự cố về pin đã được báo cáo trước đó.

Cơ quan Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện của Liên Hiệp Quốc, có mạng lưới các trạm bắt tín hiệu của những vụ nổ hạt nhân bí mật, đã phát hiện âm thanh "dữ dội, không liên quan đến hạt nhân" và thông tin cho Argentina. 

Phát biểu với báo chí tại trụ sở Hải quân ở thủ đô Buenos Aires, Tổng thống Mauricio Macri hứa "công bố sự thật" với thân nhân các thủy thủ đoàn và kêu gọi một cuộc điều tra nghiêm túc, kỹ lưỡng để chắc chắn về những gì đã xảy ra với chiếc tàu ngầm 34 tuổi đã được bảo trì và ở "trong tình trạng hoàn hảo".

Tàu ngầm Argentina mất tích: tìm kiếm trong sóng dữ - Ảnh 2.

Người dân Argentina tuần hành vào ngày 25-11 bên ngoài căn cứ hải quân Mar del Plata để tưởng niệm các thủy thủ trên chiếc tàu ngầm mất tích - Ảnh: REUTERS

Đau thương chuyển thành giận dữ

Theo Reuters, gia đình các thủy thủ trên chiếc tàu ngầm San Juan bị nạn đã về nhà hôm 24-11, sau nhiều ngày nuôi hi vọng và chờ đợi thông tin tại căn cứ hải quân Mar del Plata. Họ bức xúc vì quân đội đã thông tin không kịp thời, để hàng trăm, hàng ngàn thân nhân phải chờ đợi trong tuyệt vọng.

Hãng tin AFP cho hay nỗi đau buồn đã chuyển thành giận dữ và nghi vấn về tình trạng của chiếc tàu ngầm - đã hoạt động được 30 năm và được sửa chữa trong 7 năm - mà con em họ bị quân đội liều lĩnh giao nhiệm vụ. "Chính phủ tin rằng có sự tắc trách trong sự cố mất tích của chiếc tàu ngầm San Juan và cách quân đội xử lý tình hình" - báo Clarin viết.


Bắt đầu điều tra về thảm kịch này

Từ hôm 24-11, Hải quân Argentina đã mất dần hi vọng cứu sống các thành viên thủy thủ đoàn nên đã chuyển từ mục tiêu cứu sống các thủy thủ sang mục tiêu tìm và vớt chiếc tàu ngầm. Người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi xác nhận: "Cuộc tìm kiếm diễn ra trong muôn vàn khó khăn ở một phạm vi rộng lớn dưới đáy biển, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt".

Tuy nhiên, thời tiết đang chuyển biến tốt hơn cho phép các tàu cứu hộ với khả năng dò tìm dưới nước tiến hành rà soát tại vị trí tín hiệu âm thanh được cho là của một vụ nổ được phát hiện vào sáng 15-11, ngày chiếc tàu ngầm phát đi tín hiệu cuối cùng. 

Cơ quan chức năng đã bắt đầu điều tra về thảm kịch này. Tuy nhiên, không giống như máy bay, chiếc tàu ngầm không có hộp đen. Cần phải thu hồi chính chiếc tàu thì mới có thể tìm hiểu nguyên nhân của vụ nổ.

Cả tổng thống lẫn người phát ngôn lực lượng Hải quân đều từ chối đưa ra tuyên bố về tính mạng thủy thủ đoàn nhưng các chuyên gia về tàu ngầm tin rằng nó có thể "thảm khốc".

Hải quân Argentina cho biết một thủy thủ đã may mắn thoát khỏi bi kịch vì ông đã được điều động rời khỏi chiếc tàu ngầm để thực hiện một nhiệm vụ khác, vị trí của ông được thay thế bởi một quân nhân khác. Một thủy thủ thứ hai, 26 tuổi, chút xíu nữa đã được giao nhiệm vụ trên chiếc tàu định mệnh nhưng phút cuối lại được miễn để phải hoàn tất thủ tục mua nhà.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên