20/12/2017 10:02 GMT+7

Tàu lửa 'vượt đèn đỏ', nguy cơ tai nạn đấu đầu

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Khi tàu "vượt trạm", nhân viên điều độ chạy tàu lập tức phát lệnh cho nhân viên ở các ga lân cận cử người đuổi theo và chặn đầu bắt tàu dừng lại.

Tàu lửa vượt đèn đỏ, nguy cơ tai nạn đấu đầu - Ảnh 1.

Sau các sự cố tàu vượt tín hiệu trái phép, ngành đường sắt yêu cầu các xí nghiệp đầu máy phải rà soát lại chất lượng đội ngũ lái tàu - Ảnh: QUANG KHẢI

Xí nghiệp rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và phải tăng cường hơn nữa việc quản lý, kiểm tra đội ngũ lái tàu khi họ thực thi nhiệm vụ

Ông TRỊNH XUÂN THÁI (giám đốc chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Yên Viên)

Chuyện nguy hiểm có thể dẫn đến nguy cơ tàu lửa đấu đầu này xảy ra vào rạng sáng 11-12. Hiện Tổng công ty Đường sắt VN đang yêu cầu chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Yên Viên báo cáo, giải trình sự cố này.

Cử người đuổi theo tàu chạy vượt trạm

Rạng sáng 11-12, đoàn tàu 2005 xuất phát từ ga Yên Viên thông qua các ga: Từ Sơn, Lim, Thị Cầu (Bắc Ninh), Sen Hồ, Bắc Giang, Phố Tráng, Kép (Bắc Giang)... 

Đoàn tàu này có hơn 20 toa xe hàng có tổng trọng lượng hơn 1.033 tấn do lái tàu Nguyễn Hữu Ngà và phụ lái Đặng Văn Phác điều khiển.

Khi từ ga Kép chạy vào ga Voi Xô (Lạng Sơn), tàu 2005 theo mệnh lệnh của trực ban chạy tàu phải dừng lại để dỡ các toa xe chở đá xuống ga. 

Nhưng thời điểm này ban lái tàu "lơ đễnh", không xác nhận tín hiệu của trực ban chạy tàu tại ga mà lại cho tàu chạy thẳng một mạch từ ga Voi Xô tới ga Phố Vị (Lạng Sơn). Tuyến đường giữa hai ga này có chiều dài khoảng 6km.

Đoàn tàu này đã chiếm dụng đoạn đường giữa hai ga trái phép khi chưa có chứng vật chạy tàu thể hiện bằng: tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh, thẻ đường, giấy phép, phiếu đường...

Khi tàu "vượt trạm", nhân viên điều độ chạy tàu lập tức phát lệnh cho nhân viên ở các ga lân cận cử người đuổi theo và chặn đầu bắt tàu dừng lại. 

Mặt khác, nhân viên điều độ thông báo cho chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Yên Viên - đơn vị quản lý lái tàu - tìm cách liên lạc với ban lái tàu. 

Khoảng 15 phút sau khi tàu "vượt trạm", các nhân viên đường sắt đã chặn dừng tàu khẩn cấp tại km81+000 trên đoạn đường sắt giữa ga Voi Xô và Phố Vị...

Nhân viên nhà ga Phố Vị đã lập biên bản vụ việc, đồng thời thông báo "xin đường" để áp tải đoàn tàu 2005 về ga Phố Vị an toàn.

Theo ông Trịnh Xuân Thái, giám đốc Xí nghiệp đầu máy Yên Viên, sự cố trên xảy ra là do lỗi chủ quan của nhân viên lái tàu, họ đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong công tác chạy tàu.

Trước đó ngày 21-11, đoàn tàu hàng 3405 do lái tàu Nguyễn Văn Thông, phụ lái tàu Trương Minh Hưng điều khiển chạy vào đường số 3 thuộc ga Tiên An (Quảng Trị) có kế hoạch dừng tránh tàu khách SE4. 

Trên đường chạy vào ga Tiên An, lái tàu lại xử lý hãm không kịp thời dẫn đến đoàn tàu vượt mốc tránh va chạm, vượt cột tín hiệu vào ga phía Nam khi chưa có tín hiệu cho phép. Nhận thấy sai lầm, lái tàu tự ý điều khiển cho tàu lùi lại dẫn tới nhiều toa tàu bị trật bánh. 

Hậu quả là tuyến đường sắt Bắc - Nam ách tắc hơn 6 tiếng đồng hồ, nhiều đoàn tàu khác phải nằm chờ thông tuyến.

Do thời tiết giao mùa (?!)

Trao đổi với Tuổi Trẻ về hai sự cố trên, ông Đoàn Duy Hoạch - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN - cho biết: "Hàng ngàn chuyến tàu vẫn có xác suất xảy ra tình trạng nhân viên lơ đễnh, không tập trung ở một thời điểm nào đó. Có thể thời điểm giao mùa hay thay đổi thời tiết nên đôi lúc không thể kiểm soát tuyệt đối được. Dù lái tàu quên nhưng các nhân viên đường sắt ở các ga vẫn phải thường trực để có biện pháp ngăn chặn".

Cũng theo ông Hoạch, hiện các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật các cá nhân sai phạm nhằm rút kinh nghiệm và có biện pháp phòng ngừa sự cố tương tự tái diễn.

Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt VN cũng vừa có công điện yêu cầu các đơn vị rà soát, phân loại chất lượng nhân viên lái tàu, phụ lái tàu để có biện pháp bố trí đội hình khi trực ban cho phù hợp. 

Các xí nghiệp đầu máy phải nghiên cứu, có giải pháp phù hợp nhằm giám sát thiết bị chống ngủ gật đã được gắn trên đầu máy, không để xảy ra tình trạng "vô hiệu hóa" thiết bị.

Đánh giá về sự cố tàu chạy "lung tung", một cán bộ đường sắt cho biết lái tàu lúc làm nhiệm vụ là người quyết định đến sự an toàn của đoàn tàu. 

Việc để tàu vượt tín hiệu thông qua các ga có thể dẫn đến tàu đối đầu nhau hoặc va chạm nếu không được ngăn chặn kịp thời. 

Đó là chưa kể tàu chạy lung tung trên tuyến đường sắt dễ va chạm với xe cộ tại các đường ngang giao với đường sắt, vì nhân viên trực gác đường ngang có thể đóng chắn không kịp.

Đề xuất kỷ luật nhiều trường hợp

Theo yêu cầu của Tổng công ty Đường sắt VN, chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Yên Viên đã có báo cáo về việc kỷ luật các cá nhân liên quan trong vụ tàu 2005 "vượt trạm" trái phép.

Theo đó, ông Trịnh Xuân Thái (giám đốc), ông Nguyễn Thanh Cương (phó giám đốc) tự nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và hạ chất lượng công tác tháng 12-2017.

Chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Yên Viên cũng đã sa thải lái tàu Nguyễn Hữu Ngà, kéo dài thời hạn nâng lương và không bố trí công việc liên quan đến chạy tàu đối với phụ lái Đặng Văn Phác.

Bốn cá nhân khác có chức danh lao động quản lý thuộc chi nhánh trên bị khiển trách và phê bình.

Liên quan đến vụ trật bánh ở ga Tiên An (Quảng Trị) ngày 21-11, chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng đã sa thải lái tàu 3405 Nguyễn Văn Thông, còn phụ lái Trương Minh Hưng phải chuyển công việc khác không liên quan đến chạy tàu.

Ngoài ra, 5 cán bộ, lãnh đạo thuộc chi nhánh này cũng chịu hình thức kỷ luật do liên đới trách nhiệm.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên