03/12/2017 13:38 GMT+7

Vụ hệ thống ngàn tỉ, tàu lửa suýt tông nhau: Do người vận hành?

ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI
ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI

TTO - Tổng công ty Đường sắt VN vừa có văn bản thừa nhận nhiều sự cố xảy ra tại những nơi được lắp hệ thống tín hiệu tự động, nhưng lại cho rằng đa số sự cố là do con người chứ không phải thiết bị.

Vụ hệ thống ngàn tỉ, tàu lửa suýt tông nhau: Do người vận hành? - Ảnh 1.

Đoàn tàu chạy qua khu vực lắp đặt hệ thống tín hiệu 6502 của Trung Quốc tại ga Suối Vận - nơi từng xảy ra sự cố hai tàu suýt đụng nhau - Ảnh: QUANG KHẢI

Văn bản này là để phản hồi bài "Hệ thống tín hiệu tự động ngàn tỉ: nguy cơ tàu lửa đụng nhau" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-11.

Lỗi hệ thống

Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề thiết bị tín hiệu 6502 của Trung Quốc áp dụng cho hệ thống đường đôi, còn ở VN sử dụng đường sắt đơn có thể chưa phù hợp, Tổng công ty Đường sắt VN giải thích tại Trung Quốc vẫn có đường sắt đơn và họ vẫn xài thiết bị 6502. Khi áp dụng vào VN, hệ thống tín hiệu tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Ngành đường sắt còn cho rằng dù là hệ thống tự động, nhưng con người có thể vận hành độc lập bằng tay trong những trường hợp đặc biệt hoặc có trở ngại.

Về sự cố hai tàu "suýt" tông nhau ở ga Suối Vận đêm 14-7, Tổng công ty Đường sắt VN quy trách nhiệm do nhân viên trực ban ngủ gật, lúc tỉnh dậy tự tháo niêm phong kẹp chì và quay thiết bị chuyển hướng đoàn tàu bằng tay. "Sự cố xảy ra không phải lỗi của thiết bị tín hiệu 6502" - Tổng công ty Đường sắt VN đánh giá.

Tuy nhiên, việc đổ lỗi cho người lao động là chưa thuyết phục. Nếu thiết bị 6502 giúp tàu tránh nhau tự động thì tại sao nhân viên trong ga lại thao tác đón tàu bằng cách thủ công? Cục Đường sắt VN từng có quy định: "Cấm đón hai tàu vào ga cùng một lúc, cấm đón một tàu và gửi một tàu cùng chiều một lúc", nhưng hiện nay thiết bị 6502 tại ga Suối Vận đều thực hiện được các thao tác trên cùng một lúc.

Cục Đường sắt cũng cho biết ga Suối Vận và 6 ga khác như Gia Huynh, Sông Phan (Bình Thuận), Trản Táo, Long Khánh, Bảo Chánh, Gia Ray (Đồng Nai) nếu mở tín hiệu 6502 cho tàu vào ga tránh nhau là vi phạm quy chuẩn vì độ dốc lớn (trên 6‰). Do đó, thay vì đón tàu bằng hệ thống tự động, nhân viên đường sắt lại phải thường xuyên mở niêm phong kẹp chì thiết bị để điều hành chạy tàu bằng phương pháp thủ công. Đây chính là những bất cập, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu.

Các chuyên gia đường sắt cho rằng dù lý giải kiểu gì thì việc để "hai tàu vào một đường cùng lúc" là một sự cố nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hành khách đi tàu. Thiết bị tự động là để hạn chế được sai lầm của con người có thể gây ra, nhưng giờ đây con người lại được phép "can thiệp" hệ thống tự động, khi sơ suất thì làm mất an toàn chạy tàu.

Trong nội dung văn bản trả lời báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng thiết bị 6502 vẫn an toàn, không bất cập, nhưng trên thực tế thì lãnh đạo ngành này lại đề nghị các công ty phải rà soát, tìm nguyên nhân sự cố thiết bị 6502, SSI (nhất là sự cố trật bánh) để yêu cầu các nhà thầu khắc phục.

Hiện đại để "hại điện"

Dự án hệ thống tín hiệu có mục tiêu làm tăng năng lực vận tải, tăng hệ số an toàn và giảm nhân lực trong quá trình chạy tàu ở các ga. Nhưng các mục tiêu này vẫn còn là dấu hỏi, bởi tới nay quá trình vận hành phải trở lại hình thức thủ công. Để "sống chung" với những bất cập của thiết bị tín hiệu, ngành đường sắt yêu cầu một số ga phải "đẻ ra" thêm quy tắc, biện pháp kiểm chứng, chế độ "hô đáp mệnh lệnh" giữa trực ban chạy tàu với nhân viên quay thiết bị chuyển hướng tàu...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, ở các ga sử dụng phương pháp nói trên cũng đang gặp phiền toái, bởi lúc quay bằng tay thì thiết bị 6502 không ghi lại được thao tác trực ban trên đài điều khiển. Còn thiết bị SSI có ghi lại được, nhưng muốn đọc phải gửi dữ liệu về nhà thầu Alstom (Pháp) để giải mã. Do đó, ngành đường sắt phải tốn thêm tiền lắp đặt hệ thống camera ở toàn bộ các ga sử dụng thiết bị 6502, SSI để giám sát hoạt động của người lao động.

Theo Cục Đường sắt VN, thời gian qua các ga như Trảng Bom, Hố Nai (Đồng Nai), Sông Mao, Sông Lòng Sông (Bình Thuận), Cà Ná (Ninh Thuận) dù được đầu tư làm thêm và kéo dài đường tránh trong ga nhưng vẫn chưa đồng bộ hóa hệ thống tín hiệu. Điều này dẫn đến một ga đồng thời sử dụng hình thức quay thiết bị chuyển hướng tàu vừa tự động vừa thủ công, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời không phát huy hết năng lực của các ga.

Theo đánh giá của chuyên gia đường sắt, những bất cập trong quá trình vận hành thiết bị làm ảnh hưởng tới năng lực vận tải của đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bởi chế độ "hô đáp mệnh lệnh" thủ công giữa con người với nhau trong quá trình điều hành chạy tàu có thể dễ nhầm lẫn.

Hô - đáp không chuẩn... làm tàu trật bánh

Ga Trảng Bom (Đồng Nai) được nâng cấp, làm thêm đường vào tháng 4-2016, nhưng tới nay hệ thống tín hiệu 6502 vẫn chưa được đồng bộ. Do đó, việc đón - tiễn tàu còn phải dựa vào "mệnh lệnh" giữa trực ban chạy tàu và nhân viên gác thiết bị chuyển hướng. Ngày 14-7, tàu 2529 đang dồn lập tàu trong ga Trảng Bom thì bị trật bánh. Nguyên nhân do nhân viên ga bố trí đội hình dồn tàu không đúng quy định, không xin đường với nhân viên gác thiết bị chuyển hướng... Khi tàu chạy chưa qua hết thiết bị chuyển hướng, nhân viên đã báo cho đồng nghiệp quay thiết bị, dẫn tới một đoàn tàu nhưng có hai đoạn nằm ở hai đường ray khác nhau, trong đó có toa xe bị trật bánh.

ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên