16/04/2016 08:18 GMT+7

Tàu lửa thời... gãy cầu

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TTO - “Khi cầu Ghềnh bị sập, có mấy bữa tàu từ ga Sài Gòn ngưng chạy, tui thấy khỏe hết biết, không còn kẹt xe, không tiếng còi tàu nửa đêm về sáng…” - anh Dũng, chủ tiệm kinh doanh gần gác chắn đường tàu Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận), cho biết.

Hành khách sau khi xuống tàu từ ga Biên Hòa, chuyển lên ôtô vào ga Sóng Thần để lại lên tàu tiếp tục hành trình về ga Sài Gòn - Ảnh: Tấn Đức
Hành khách sau khi xuống tàu từ ga Biên Hòa, chuyển lên ôtô vào ga Sóng Thần để lại lên tàu tiếp tục hành trình về ga Sài Gòn - Ảnh: Tấn Đức

Cũng theo anh Dũng, vào những lúc cao điểm sáng và chiều, mỗi khi đoàn tàu đi qua, tại giao điểm này ngoài tình trạng kẹt xe có khi kéo dài tới cả chục phút còn diễn ra tình trạng mất an ninh trật tự bởi người tham gia giao thông cự cãi nhau do tranh nhau đi, không ai chịu nhường ai.

Trong khi đó tại gác chắn trên đường Trần Khắc Chân, Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), quốc lộ 1 trước ga Bình Triệu, một số hộ dân cho biết thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ mỗi khi đoàn tàu đi qua, nhất là thời điểm 7g-8g hoặc 18g-19g.

Trên đường phố có đường tàu chạy ngang là vậy, còn người đi tàu trong thời điểm cầu Ghềnh bị sập ra sao?

Sài Gòn yên tĩnh

Theo lịch trình hoạt động, đầu giờ buổi sáng là cao điểm đón trả khách của ga Sài Gòn với hai chuyến tàu từ phía Bắc vào - tàu SE3 (đến lúc 6g31) và tàu SE21 (đến lúc 7g), đồng thời chuyến tàu SE6 chạy tuyến Bắc - Nam sẽ rời ga lúc 8g. Vậy nhưng từ sân ga đến nhà ga đều thưa người, không như cảnh náo nhiệt thường thấy hồi cầu Ghềnh chưa gặp sự cố.

“Khách đi tàu giờ giảm nhiều. Trước đây mỗi ngày tôi kiếm được chừng 400.000 đồng, nhưng bây giờ cao lắm chỉ 150.000 đồng. May là những người chạy xe ôm bên ngoài cổng ga như chúng tôi chỉ phải đóng phí bến bãi 25.000 đồng mỗi tháng chứ không như mấy đồng nghiệp chạy phía trong mỗi tháng đóng tới 250.000 đồng, nhiều người không sống nổi, chuyển sang làm thợ hồ, bốc vác” - ông Hai Tâm, người có hơn 10 năm chạy xe ôm, đang đậu bên trái cổng ga Sài Gòn, than thở.

Những “cò” vé ngày nào thường tụ tập trước cổng để chào mời, chèo kéo khách giờ cũng vắng bóng. Bước đến quầy bán vé hỏi tàu đi ngay, chị trực quầy nhiệt tình cho biết: “Ghế ngồi cứng, ngồi mềm có điều hòa hoặc không điều hòa; cả giường cứng, giường mềm đều còn, anh lấy loại nào, em xuất vé liền cho anh đi kịp”.

Tôi lấy vé ngồi cứng điều hòa đi Bình Thuận giá 90.000 đồng, với ý định đi từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa… cho biết cảnh đi tàu hỏa thời cầu Ghềnh bị sập!...

Đang loay hoay tìm cửa lên tàu thì nhân viên hướng dẫn cất tiếng: “Anh thấy toa tàu nào trống thì cứ lên, muốn ngồi chỗ nào cũng được”. Bụng bảo dạ: Sao hôm nay nhà tàu hào phóng quá đỗi, tùy chọn chỗ ngồi, mà lại không cần kiểm tra cả vé nữa chứ!

Bắt chuyện với vị khách nữ ngồi ở hàng ghế phía trước, bà cho biết tên Nãy, 75 tuổi, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa, đi cùng vợ chồng người anh vào TP.HCM thăm con gái mới sinh được hơn tháng.

“Lúc chúng tôi vào cầu Ghềnh chưa bị sập, nhưng vì mua vé khứ hồi nên đành chịu khó di chuyển qua 4-5 bận như vầy, chứ biết trước chắc đã đi máy bay cho khỏe” - bà Nãy nói.

Nghe vậy bà Rành - 65 tuổi, ngồi cạnh tôi - nói chêm vào: “Tôi ở Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế, cứ cách vài ba tháng lại vào Sài Gòn thăm cháu ngoại, rồi lấy vài món hàng mang về cho vợ chồng con gái bán quán ăn ở bãi biển. Mong sao cho người ta mau mau sửa xong cầu sập để việc đi lại được thuận tiện, mau chóng hơn, chứ phải đi như vầy thì mệt quá”…

Đúng 8g, ba hồi còi cất lên, đoàn tàu lừng lững băng qua các giao lộ Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Trọng Tuyển, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm… nơi nào cũng đông nghịt người bởi đang vào giờ cao điểm đi lại buổi sáng.

Ngồi trên tàu, tôi thử đếm từ ga Sài Gòn đến ga Sóng Thần có tất cả 24 gác chắn đường ngang và đoàn tàu đã mất 27 phút để vượt qua khoảng cách 16 cây số giữa hai ga. Tàu vừa đỗ lại, gần chục nhân viên đường sắt đang trực ở ga Sóng Thần đã nhanh chóng kéo mấy chiếc xe chuyên dùng chở hành lý ra phụ khách chuyển sang ôtô trung chuyển đang đậu sẵn ở cổng.

Nhìn đồng hồ, tôi nhẩm tính mất tất cả 1 giờ 5 phút di chuyển bằng cả hai phương tiện từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa. Tại đây, thêm gần 40 phút để khách di chuyển qua cổng ga và ổn định chỗ theo đúng vị trí đã ghi trên thẻ lên tàu.

Đúng 9g42 tàu rời ga Biên Hòa, chính thức hành trình ra Bắc.

Biên Hòa nhộn nhịp

“Trước đây Biên Hòa là ga phụ, các chuyến tàu qua đây chỉ dừng lại khoảng 3 phút để đón, trả khách. Sau sự cố sập cầu Ghềnh, ga Biên Hòa bỗng dưng trở thành ga cấp 1, là điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường sắt Bắc - Nam nên lượng khách lên xuống tại ga đã tăng gấp 3-4 lần, thời gian sắp xếp khách lên xuống tàu mỗi chuyến cũng kéo dài cả tiếng, vì vậy chúng tôi phải làm việc gấp đôi, gấp ba” - bà Vương Thúy Hằng, nhân viên hướng dẫn hành khách ga Biên Hòa, kể.

Bà Hằng cũng cho hay mỗi lần lên ban (vào ca trực) phải làm việc liên tục suốt 24 tiếng, sau đó được nghỉ 24 tiếng. Nhưng vì thấy việc nhiều mà người ít nên ở nhà nghỉ lại không yên tâm, hễ cứ rảnh là mọi người lại xúm vào hỗ trợ nhau, thành thử ai cũng thiếu ngủ, chỉ mới ba tuần mà nhiều người đã sụt mất 2-3kg.

Bà Phạm Thị Thanh Hòa, trạm trưởng trạm vận tải ga Biên Hòa, cho biết thêm: “Nhân sự phục vụ hành khách tại ga hiện có 8 người, cùng với lực lượng tăng cường khoảng 10 người từ ga Bình Thuận, Sóng Thần và ga Sài Gòn chia làm hai ca, căng mình ra làm việc liên tục 24/24 giờ để mang lại sự thoải mái nhất cho hành khách trong hoàn cảnh khó khăn đột xuất này”.

Trong khi đó, lượng khách qua ga Biên Hòa tăng vọt khiến nhiều lao động ở đây mừng ra mặt. Bà Hai Lừng, chủ tiệm cơm gần ga Biên Hòa, cho hay trước đây đoạn đường Hưng Đạo Vương (dẫn vào ga Biên Hòa) khá im ắng, nhưng từ khi cầu Ghềnh bị sập tới nay đã trở nên xôm tụ. Khi tàu về đến ga, taxi, xe ôm tập trung về đón khách đậu dài cả trăm mét từ cổng ga về phía vòng xoay Biên Hùng.

“Dù đa số khách đến ga Biên Hòa đều chuyển sang ôtô trung chuyển của ngành đường sắt để đến ga Sóng Thần rồi đi tiếp về Sài Gòn, nhưng mấy bữa trước có người do “say” ôtô, sợ bị nôn ói nên kêu tôi chở về đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) với giá 200.000 đồng” - anh Sáu xe ôm đậu ở gần vòng xoay Biên Hùng, phía trước ga Biên Hòa, cho biết.

Theo ông Hoàng Đình Quân - nhân viên ga Biên Hòa, trong những ngày đầu tháng 4 bình quân mỗi ngày nhà ga tổ chức khoảng 50 lượt xe (loại 35-45 chỗ) để trung chuyển hành khách từ ga Biên Hòa đến ga Sóng Thần và ngược lại, với tổng lượng hành khách hơn 2.000 lượt người/ngày. Trong khi đó, lượng hành khách xuất phát tại ga Biên Hòa trước đây chỉ khoảng 300 lượt người/ngày.

Khai trương tàu buýt ngoại ô

Ngày 15-4, ga Sài Gòn khai trương tuyến tàu ngoại ô Sài Gòn - Dĩ An (Bình Dương). Hay tin, chị Trần Thị Dung ở P.25, Q.Bình Thạnh đã dậy từ lúc 4g sáng đưa con trai Võ Trần Dung Quốc (6 tuổi), đang học mẫu giáo, từ nhà đến ga Sài Gòn để kịp lên chuyến tàu SB4 khởi hành lúc 5g10 (chuyến sớm thứ hai trong ngày), từ ga Sài Gòn đến ga Dĩ An, sau đó lại lên tàu SE21 khởi hành lúc 6g25 để quay lại Sài Gòn. Hai mẹ con chị là hành khách duy nhất của chuyến tàu ngoại ô SB4.

“Cả hai mẹ con chưa từng đi xe lửa, hôm qua coi báo thấy tàu ngoại ô khai trương nên nôn nao, gần như cả đêm không ngủ được, sáng ra liền đi thử cho biết. Bao nhiêu năm ở thành phố chỉ toàn đi xe máy, không hình dung ra đường sắt ra sao, giờ ngồi trên tàu được ngắm cảnh vật xung quanh mà không lo bị kẹt xe cũng thấy hay hay” - chị Dung cho biết.

Theo nhà tàu, mỗi ngày có 22 chuyến tàu buýt như thế chạy đi chạy về để trung chuyển khách đi tàu Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại.

TẤN ĐỨC

Cả đoàn tàu chạy từ ga Sài Gòn về ga Dĩ An (Bình Dương) chỉ có 5-6 hành khách - Ảnh: Hữu Khoa
Cả đoàn tàu chạy từ ga Sài Gòn về ga Dĩ An (Bình Dương) chỉ có 5-6 hành khách - Ảnh: Hữu Khoa

Lượng khách đi tàu giảm hẳn

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh ngày 20-3-2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh toàn ngành. Từ ngày 20-3, tổng công ty và các công ty vận tải phải tổ chức chuyển tải hành khách khu đoạn Sóng Thần - Biên Hòa, đồng thời điều chỉnh kế hoạch chạy tàu theo hướng giảm số tàu khách, tàu hàng Bắc - Nam hằng ngày.

Theo kết quả sản xuất kinh doanh vận tải tháng 3-2016, trong đó vận chuyển hàng hóa chỉ đạt 72,1% kế hoạch, vận chuyển hành khách chỉ đạt 75,4% kế hoạch, doanh thu vận tải chỉ đạt 63,9% kế hoạch. Chi nhánh vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết số lượng tàu chạy trước khi cầu Ghềnh sập là trên 12 chuyến/ngày, còn sau sự cố chỉ còn 8 chuyến tàu mỗi ngày.

ĐỨC PHÚ

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên