Hình ảnh cho thấy những hành khách và nhân viên đường sắt ở ga cũng bất lực khi tàu chạy qua – Nguồn: YOUTUBE
Hôm nay (8-4), Bộ Đường sắt Ấn Độ đã ra lệnh điều tra toàn diện, đồng thời đình chỉ 7 nhân viên có liên quan vì tội cẩu thả gồm 2 người lái tàu, 3 nhân viên của đội sửa chữa.
Nguyên do là đoàn tàu chở khách 22 toa với 1.000 hành khách trên đó đã chạy lùi trong 12 km mà không có đầu máy từ nhà ga Titlagarh ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ.
Đoàn tàu "không ai điều khiển" chỉ dừng lại nhờ biện pháp đặt các khối đá trên đường ray để ngăn chặn vì không ai có thể chặn được tàu.
Theo hãng tin AFP, ông JP Mishra - phát ngôn nhân của Bộ Đường sắt Ấn Độ, thừa nhận: "Chuyện khủng khiếp có thể đã xảy ra và lẽ ra phải được ngăn chặn với đội ngũ làm việc có cảnh giác. Mọi người ở Bộ chúng tôi đều bị sốc và thấy hoảng sợ".
Vụ việc xảy ra vào khoảng 22h đêm 7-4 sau khi đầu máy của tàu chở khách Ahmedabad-Puri được tháo ra ở nhà ga Titlagarh để lắp vào đầu kia của tàu. Rất may tất cả hành khách trên tàu lúc đó đều bình an vô sự.
"Chúng tôi đã thấy mất hết hy vọng sống sót sau khi biết toa tàu của chúng tôi đang chạy mà không có đầu tàu. Tôi thực sự không lo lắng cho tính mạng của mình, nhưng cầu Trời cứu lấy các con tôi. Tôi đi tàu cùng hai con mình và chuẩn bị ngủ thì nghe thông báo tàu chạy mà không có đầu máy", một nữ hành khách trên tàu kể lại với đài truyền hình Odisha của Ấn Độ.
Một hành khách khác đi từ Surat kể lại những nỗ lực cứu tàu của họ: "Đây chắc là lần đầu tiên có đoàn tàu chạy lùi hơn 15 km mà không có đầu máy. Hành khách chúng tôi đã cố gắng giật hệ thống dừng tàu có ở toa, nhưng không thành công".
Đoàn tàu gặp sự cố đã dừng nhờ các khối bê tông chặn trên đường sắt - Ảnh: ODISHATV
Hầu hết hành khách trên "đoàn tàu ma" đều tỏ ra tức giận với cách làm việc cẩu thả của ngành đường sắt bởi họ khẳng định đã gọi điện vào đường dây nóng nhưng không ai trả lời.
Một người nói thẳng: "Chúng tôi chẳng cần tàu cao tốc hiện đại chi cả như chính phủ hứa hẹn. Chúng tôi chỉ cần được đảm bảo an toàn khi đi tàu và ngành đường sắt phải trừng phạt những người làm việc cẩu thả trong vụ này".
Một quan chức ngành đường sắt Ấn Độ giải thích: khi đầu máy được tháo rời để lắp vào đầu kia, các toa tầu cần được giữ cố định bằng bộ chặn ở bánh tàu.
Trong sự cố trên có thể không có bộ chặn bánh hoặc nó được đặt không đúng cách. Quan chức này cũng cho biết một cuộc điều tra đã được tiến hành và kết quả sẽ sớm được công bố.
Những đoàn tàu cũ kỹ luôn phải chở khách quá tải trên hệ thống đường ray xuống cấp ở Ấn Độ - Ảnh: AFP
Hệ thống đường sắt Ấn Độ là một trong những mạng lưới đường sắt dài nhất thế giới, kết nối từ phía Bắc xuống phía Nam của Ấn Độ.
Hệ thống này vận hành khoảng 9.000 tàu chở khách với gần 23 triệu lượt khách mỗi ngày được chuyên chở.
Tuy nhiên, tai nạn đường sắt thường xảy ra ở Ấn Độ, chủ yếu do cơ sở hạ tầng đường sắt đã quá cũ.
Năm 2015, chính quyền của Thủ tướng Narenda Modi đã cam kết chi 137 tỉ USD trong 5 năm để hiện đại hóa và mở rộng hệ thống đường sắt ở nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận