Du khách và người dân hiện muốn đi tàu cao tốc từ Vân Đồn ra Cô Tô (và ngược lại) sẽ phải trả 250.000 đồng/vé/lượt - Ảnh: TIẾN THẮNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 3-1, ông Vũ Thanh Minh - chủ tịch Hội du lịch Cô Tô - cho biết nhiều hội viên của Hội du lịch Cô Tô cũng như người dân huyện đảo đang rất bức xúc trước việc liên doanh các hãng tàu cao tốc tuyến Vân Đồn - Cô Tô (gồm 7 công ty khác nhau) đồng loạt điều chỉnh tăng giá vé tàu cao tốc tuyến Vân Đồn - Cô Tô đúng dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Trước đó vào dịp 30-4-2019, giá vé đối với người dân và khách du lịch đi tàu cao tốc tuyến Vân Đồn - Cô Tô đã được liên doanh này đề xuất tăng lên mức 250.000 đồng/vé/lượt.
Tuy nhiên, trước phản ứng của người dân và sự "vận động" từ cơ quan chức năng thì mức giá đối với người dân trên huyện đảo được giữ ở mức 200.000 đồng/người, riêng đối với khách du lịch vẫn tăng từ 230.000 đồng lên 250.000 đồng/người/lượt.
Đại diện một số công ty lữ hành cho rằng vé tàu cao tốc tuyến Vân Đồn - Cô Tô hiện nay là quá cao so với các tuyến du lịch biển đảo khác. Cụ thể, tuyến cao tốc Hạ Long - Quan Lạn với cùng khoảng cách nhưng giá vé chỉ 200.000 đồng/vé/lượt, có chính sách miễn phí vé cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi.
Tuyến cao tốc cảng Sa Kỳ - Lý Sơn với khoảng cách 25 hải lý nhưng có rất nhiều loại tàu, chất lượng khác nhau và giá tiền dao động từ 133.000 đến 178.000 đồng/vé/lượt.
Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức cần phải làm rõ nghi vấn có hay không việc lũng đoạn thị trường giá vé (các hãng tàu vào cùng một liên doanh, sau đó đồng loạt tăng giá vé) và UBND huyện Cô Tô nên kêu gọi những nhà đầu tư hoặc có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đóng tàu kinh doanh tuyến Vân Đồn - Cô Tô để đảm bảo cho việc phát triển du lịch bền vững.
Tàu cao tốc được nâng cấp, mua sắm mới là một trong những lý do liên doanh các doanh nghiệp vận tải tuyến Vân Đồn - Cô Tô đưa ra để tăng giá vé - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ngày 3-1, ông Trần Như Long - bí thư, chủ tịch UBND huyện Cô Tô - cho biết hôm nay huyện đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh đề nghị quan tâm, có ý kiến để bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội trước việc các công ty, doanh nghiệp vừa thực hiện tăng giá vé vận tải hành khách tuyến Vân Đồn - Cô Tô (và ngược lại).
Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận để "ép" các doanh nghiệp vận tải tuyến này phải giữ theo mức giá hiện nay là rất khó khăn, bởi Sở Giao thông vận tải cũng chỉ có thể vận động là chính.
"Huyện có văn bản ý kiến nhưng họ trả lời lại nếu phải duy trì mức giá cũ thì họ sẽ buộc phải dừng hoạt động tàu cao tốc của mình. Thực tế người dân và du khách nếu không đồng tình với mức giá này thì hoàn toàn có thể chọn đi tàu gỗ với giá rẻ hơn, tuy nhiên thời gian di chuyển sẽ lâu hơn" - ông Long cho hay.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Hồng Minh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh - khẳng định việc doanh nghiệp vận tải điều chỉnh tăng giá vé đều có báo cáo, thực hiện đúng các quy định liên quan.
Theo ông Minh, ngay từ năm 2018, các doanh nghiệp này đã đề xuất mức giá vé là 250.000 đồng/lượt khách sau khi đã tính toán kỹ các chi phí như giá xăng, đầu tư cơ sở vật chất của tàu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận