31/07/2014 10:17 GMT+7

Tàu cao tốc cũ muốn chạy lại

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Qua kiểm tra tám chiếc tàu cao tốc cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, cơ quan chức năng phát hiện nhiều lỗi ở những con tàu đã sử dụng trên 20 năm.

Cần kiểm tra chất lượng tàu cao tốc cánh ngầmTàu cao tốc triệu đô thay tàu cánh ngầm TP.HCM - Vũng Tàu

nmk6K15d.jpgPhóng to
Một chiếc tàu cao tốc cánh ngầm chuẩn bị cập cảng Bạch Đằng trả khách (ảnh chụp tháng 1-2014). Hiện những tàu tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đang tạm dừng hoạt động - Ảnh: Mậu Trường

Đầu tháng 7-2014, Ban chỉ đạo kiểm tra tình hình an toàn tàu cao tốc cánh ngầm TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM kết quả kiểm tra 8/10 tàu cao tốc chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, phát hiện hàng trăm khiếm khuyết của các tàu cao tốc. Liệu có nên cho tồn tại những chiếc tàu có nguy cơ mất an toàn này?

Cũ nát

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Đó là nội dung báo cáo của đoàn kiểm tra Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra, đánh giá chất lượng của đội tàu cao tốc cánh ngầm TP.HCM vào tháng 5-2014. Đoàn kiểm tra bộ cho rằng các khiếm khuyết được phát hiện nếu được khắc phục cũng chỉ mang tính chất tạm thời, không ổn định. Bởi vì các tàu đã cũ trên 20 năm sử dụng, hoạt động với tần suất cao và đã hoán cải, sửa chữa nhiều lần nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.

Cụ thể, tàu Greenline 11 có 30 khiếm khuyết, trong đó 24 khiếm khuyết được đánh giá là có thể khắc phục được cho tàu hoạt động trở lại và 6 khiếm khuyết nếu khắc phục cũng không đảm bảo khả năng chịu lực, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trong quá trình hoạt động. Thân tàu bị hư hỏng đà ngang, đà dọc và hư hỏng ở hệ thống cánh bay. Tương tự, có hai tàu Vina Express cùng có 6 khiếm khuyết, nếu khắc phục được cũng không đảm bảo khả năng chịu lực và việc khắc phục chỉ mang tính tạm thời. Nặng nhất là tàu Vina Express 02 có đến 44 khiếm khuyết, trong đó có 37 khiếm khuyết có thể khắc phục được và 7 khiếm khuyết nếu khắc phục cũng không bảo đảm an toàn. Bởi vì thân tàu đã bị hư hỏng vách, đà ngang, đà dọc và hư hỏng ở hệ thống cánh bay...

Siêu âm kết cấu vỏ tàu cho thấy vỏ tàu có nhiều vị trí bị thủng đã được hãng tàu hàn vá nên sẽ không đảm bảo an toàn kỹ thuật trong quá trình hoạt động với tốc độ cao, nhất là khi tàu vào vùng sóng gió to ở vịnh Gành Rái. Bên cạnh đó, hệ thống cánh bay của tàu hiện nay không còn sản xuất nên khó có thể thay thế. Đồng thời ở cánh bay xuất hiện nhiều biến dạng, nứt cánh bay, nứt mối hàn giá treo cánh và chân vịt, chỉ được khắc phục bằng phương pháp hàn. “Điều này chưa thật sự đảm bảo độ tin cậy và an toàn như thiết kế ban đầu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình khai thác” - báo cáo của đoàn kiểm tra cho biết.

Có 9/10 tàu cao tốc đã hoán cải thay máy chính có công suất lớn hơn so với thiết kế có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu lực vỏ tàu cũng như việc xử lý các sự cố, hư hỏng, phòng chống cháy nổ. Nói chung, cơ quan kiểm tra đánh giá các khiếm khuyết tàu cao tốc nếu khắc phục được cũng chỉ mang tính tạm thời, không ổn định và không đồng bộ do đội tàu quá cũ. Các cơ quan chức năng xác định các tàu này đã hoán cải sửa chữa nhiều lần nên trong quá trình hoạt động khai thác sẽ luôn tiềm ẩn những khiếm khuyết bất thường về an toàn kỹ thuật, gây ra nguy cơ mất an toàn không thể lường trước.

Chưa xử lý vì... chưa có lộ trình

Mặc dù cảnh báo vụ việc rất nghiêm trọng như trên, nhưng Ban chỉ đạo kiểm tra tình hình an toàn tàu cao tốc TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đăng kiểm kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với số tàu này. Đồng thời, đề nghị nếu các tàu cánh ngầm đủ điều kiện hoạt động thì Bộ GTVT cần hoàn thiện các quy phạm cho các tàu cao tốc này hoạt động trở lại; xây dựng cơ chế kiểm tra, quy trình quản lý giám sát...

Hiện nay do chưa có nghị định quy định niên hạn sử dụng tàu cao tốc nên các cơ quan chức năng đã lúng túng trong việc xử lý dứt điểm quyết định số phận tàu cao tốc cũ nát. Tháng 5-2014, báo cáo kết quả kiểm tra tàu cao tốc Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục dừng hoạt động tàu cao tốc cánh ngầm. Trong khi đó, trong văn bản ngày 1-7-2014, Ban chỉ đạo kiểm tra tình hình an toàn tàu cao tốc TP.HCM lại tiếp tục đề nghị Bộ GTVT xây dựng lộ trình dừng hoạt động tàu cao tốc theo nghị định của Chính phủ về quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa sắp ban hành. Lãnh đạo các hãng tàu cao tốc ở TP.HCM cho rằng việc tạm dừng hoạt động tàu cao tốc mà không nói rõ thời hạn tạm dừng đã gây thiệt hại và dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản. Vì vậy, các hãng tàu cao tốc tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT và UBND TP.HCM cho phép tàu hoạt động trở lại sau khi đã được đăng kiểm đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. Đến nay, thời gian tạm dừng hoạt động tàu cao tốc đã hơn sáu tháng, các doanh nghiệp đã khắc phục xong những khiếm khuyết của tàu cao tốc theo yêu cầu của đoàn kiểm tra Bộ GTVT và đoàn kiểm tra TP.HCM.

Liệu có đầu tư mua mới tàu cao tốc để bảo đảm an toàn cho hành khách? Ông Bùi Công Trùng - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina - cho biết việc mua tàu cao tốc mới cần có lộ trình, bởi vì thời gian đặt mua một chiếc tàu từ 10-12 tháng. Hiện nay trong nước có thể sản xuất loại tàu này nhưng cần phải mua công nghệ thiết kế ở nước ngoài. Theo ông Bùi Công Trùng, Nhà nước cần sớm ban hành quy định niên hạn sử dụng tàu cao tốc. Theo đó, các đơn vị có thời gian tận dụng chở khách bằng tàu cũ và dần dần đưa tàu cao tốc mới vào hoạt động.

Tàu mới 1 triệu USD

Theo Công ty Greenline DP, đơn vị này đang đầu tư tàu cao tốc vào chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Đây là tàu sản xuất trong nước và máy tàu nhập từ nước ngoài. Dự kiến vốn đầu tư một tàu từ 60-80 chỗ có giá từ 1-1,3 triệu USD. Tàu có hai máy nên không lo vấn đề tàu chết máy, trôi dạt trên sông, biển. Mới đây, Greenline DP đã đưa tàu cao tốc chở khoảng 20 khách chạy thử thành công trên sông Sài Gòn. Theo Greenline DP, dự kiến giá vé tàu cao tốc mới sẽ cao hơn chút ít so với giá vé tàu cao tốc cánh ngầm cũ.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên