27/06/2018 15:47 GMT+7

Tàu cá 'đói' lao động

KHOA NAM - MẬU TRƯỜNG
KHOA NAM - MẬU TRƯỜNG

TTO - Bảy tỉnh ven biển ĐBSCL (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh) với đội tàu hàng chục ngàn chiếc lớn nhỏ.

Tàu cá đói lao động - Ảnh 1.

Tàu cá neo đậu kín rạch Cầu Sấu, thị trấn An Thới, Phú Quốc - Ảnh: K.Nam

“Lý do thiếu nhân công đi biển là vì mỗi chuyến đi kéo dài 1 tháng có thể kiếm từ dăm bảy triệu đến hàng chục triệu đồng nhưng thu nhập bấp bênh, công việc nặng nhọc nên ngày càng ít người tham gia Ông Nguyễn Hữu Lập - Giám đốc Sở LĐ - TB và XH tỉnh Bến Tre

Để đảm bảo cho tàu hoạt động, thì cần đến hàng trăm ngàn lao động khỏe, chấp nhận theo tàu ra khơi nhiều ngày. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân công ngày càng khó khăn. Nhiều tàu vì thiếu người đi mà phải nằm bờ.

Thời ngư phủ "làm giá"

Những ngày này, khi biết đứa con chắc suất vào ĐH và sẽ lên TP.HCM nhập học, ông Nguyễn Phước Trung, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bấm điện thoại gọi cho một chủ ghe ở huyện Ba Tri xin đi theo tàu cá để làm việc trên biển.

"Bây giờ xin đi bạn (ngư phủ- PV) rất dễ, quan trọng là chỗ nào mình cảm thấy phù hợp với mình thôi chứ chủ ghe họ o bế mình dữ lắm", ông Trung nói. Trước đó, không chỉ có chủ ghe ở Ba Tri mà rất nhiều chủ ghe ở nhiều tỉnh khác liên tục gọi cho ông để đi bạn.

Tuy nhiên, ông không muốn đi vì công việc khá vất vả so với tuổi tác. "Hơn nữa, giờ cá tôm cũng không còn nhiều như trước nên thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra", ông Trung vừa nói vừa thu xếp vài bộ quần áo để chuẩn bị chủ ghe cho người chạy xe qua rước đi.

Lý do ông chọn chủ ghe ở tuốt bên huyện Ba Tri là do mối quen, hơn nữa chủ ghe sẵn sàng đưa trước cho ông một số tiền khá lớn để ông kịp đưa cho con chuẩn bị các thứ cần thiết trước khi đi học xa nhà.

Chính vì nghề "đi bạn" (làm việc trên tàu cá) không còn thịnh như trước nên các chủ tàu cũng đỏ mắt để kiếm bạn. Dù bị "làm giá", "làm mình làm mẩy" nhưng nhiều chủ ghe đành phải chấp nhận vì kiếm được người trong giai đoạn này không hề đơn giản. Chưa kể, nhiều bạn nhận tiền cọc xong thì sẵn sàng trốn khỏi tàu nếu có cơ hội.

Điển hình như đợt bão Tembin vào cuối năm 2017, một số tàu đánh cá vào sông để tránh bão nhưng không dám vào đậu sát bờ vì sợ bạn nhảy xuống bỏ trốn. Phải đến khi lực lượng chức năng ra "tối hậu thư", các chủ tàu mới chịu để tàu vào bờ.

Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, cho hay không chỉ tàu của Kiên Giang, mà vùng biển Tây Nam còn có sự góp mặt của hàng ngàn tàu cá tới từ nhiều tỉnh, thành khác. Đáng lo ngại là có nhiều phương tiện trong số đó sử dụng các hình thức khai thác hủy diệt như: cào bay (dùng lưới mắt nhỏ cào từ đáy biển lên tới mặt nước không chừa thứ gì), cào điện, đánh mìn…

Ngư trường cạn kiệt, đồng nghĩa với việc những con tàu đánh cá phải đi xa hơn, dài ngày hơn, trong khi thu nhập của thuyền viên (từ địa phương gọi là ngư phủ) thì ngày càng teo tóp.

"Cò" ngư phủ

Theo ông Trương Văn Ngữ, gần đây, việc tìm kiếm ngư phủ cho mỗi chuyến đi biển của các chủ tàu cá rất khó khăn. Chính vì vậy, không biết từ lúc nào xuất hiện rất nhiều người chuyên đứng ra giới thiệu ngư phủ để nhận tiền "cò".

Tàu cá đói lao động - Ảnh 3.

Một tàu đánh cá vào tỉnh Bến Tre để tránh bão nhưng không dám vào đậu sát bờ vị sợ người làm trốn - Ảnh: Mậu Trường

Thông thường, mỗi con tàu đánh cá hiện cần khoảng 5-7 ngư phủ, bao gồm cả thuyền trưởng, máy trưởng. Thuyền trưởng, máy trưởng ít khi biến động, do đây là những người được đào tạo, trang bị kiến thức nhất định, thu nhập khá cao. Còn lại lực lượng ngư phủ lao động chân tay trên tàu cá thì thay đổi vô chừng.

Từ lâu, nhiều chủ tàu cá đã phải đau đầu với tình trạng ngư phủ ứng tiền rồi bỏ trốn. Sở dĩ có tình trạng này là do một số ngư phủ sử dụng CMND giả, tiếp cận chủ tàu cá xin ứng trước tiền đi biển, thường vào khoảng 30% số tiền được chia sau mỗi chuyến ra khơi.

"Tụi tôi cẩn thận lắm nhưng vẫn bị hoài. Thậm chí, ngư phủ xuống tàu ra khơi rồi mới cho vợ con của họ ứng tiền, nhưng rồi họ cũng nhảy xuống biển thuê tàu nhỏ ra đón vô bờ bỏ trốn" – ông Ngữ nói.

Ông Trần Văn Hon (56 tuổi, ngụ phường An Hòa, TP. Rạch Giá), cho biết thêm, chính vì phức tạp như vậy nên mới nảy sinh ra "cò ngư phủ".

Có 2 loại "cò", một loại làm ăn đàng hoàng, nhận tìm người uy tín đi biển cho các chủ tàu, đảm bảo ngư phủ không bỏ trốn, làm việc nhiệt tình. Nhưng loại "cò" thứ 2 thì phức tạp vô cùng.

Thường ngư phủ sau mỗi chuyến đi biển về được chia tiền hay lao vào rượu chè, bài bạc, ăn chơi trác táng. Biết ngư phủ ít tiền, một số đối tượng chuyên cho vay nặng lãi đứng ra "bảo kê", tạm ứng cả chục triệu đồng cho ngư phủ thỏa sức ăn chơi.

Giảm dần số lượng tàu cá

Ông Nguyễn Văn Tâm-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay tính bình quân từ năm 2005 đến nay, sản lượng khai thác thủy sản của Kiên Giang giảm khoảng 3%/CV mỗi năm, từ 0,49 tấn xuống chỉ còn 0,3 tấn/CV (1 đơn vị công suất tàu cá).

Từ năm 2015 tới nay, số tàu cá của Kiên Giang giảm khoảng 1.000 chiếc. Hiện địa phương cũng đã dừng đăng ký đóng mới tàu cá từ nay tới năm 2030.

Để có tiền trả nợ, những ngư phủ trót vay nóng phải bán mình cho "cò". Lúc này, "cò" sẽ tìm gặp chủ tàu cá thông báo tình trạng nợ nần của ngư phủ và ra giá. Có trường hợp, ngư phủ chỉ vay 5 triệu đồng, sau 3 ngày đã bị "cò" bán lại cho chủ tàu với giá 7 triệu đồng.

Tàu cá đói lao động - Ảnh 5.
KHOA NAM - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên