02/02/2012 07:37 GMT+7

Tất cả do người lớn

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Bóng đá Việt Nam đã nóng ngay trong ngày đầu tiên “xông đất” năm Nhâm Thìn. Đáng tiếc từ “nóng” ở đây mang ý nghĩa tiêu cực, đó là tình trạng bạo lực trên sân cỏ.

22 thẻ vàng và 5 thẻ đỏ cho bốn trận đấu của vòng tứ kết Cúp quốc gia diễn ra hôm mồng 7 (chủ nhật rồi) là một con số cao đến kinh ngạc.

Một đồng nghiệp ở báo Thể Thao & Văn Hóa đã tính một thẻ vàng là một điểm bạo lực, còn thẻ đỏ là ba điểm thì mùa giải năm nay (chỉ mới ba vòng đấu ở Giải vô địch quốc gia và Cúp quốc gia đến tứ kết) đã đến 196 điểm. Trong khi đó, mùa giải được xem là bạo lực nhất trong bốn năm gần đây là năm 2011 thì điểm bạo lực cũng chỉ là 207!

Bạo lực sân cỏ thật ra không phải là chuyện mới của bóng đá Việt. Nó phơi bày hiển nhiên trên sân cỏ, trước mắt hàng ngàn người có mặt trên sân, hàng vạn người xem qua màn ảnh nhỏ. Những cú bỏ bóng song phi vào ngực, vào mắt cá đối thủ, những pha đánh nguội... diễn ra như cơm bữa. Thói quen đá láo, đá xấu ấy đã được cầu thủ VN “xuất khẩu” ra cả đấu trường quốc tế. Sau trận thua Indonesia ở bán kết SEA Games 26, chính nhiều người trong cuộc cũng đã phải thốt lên rằng: nếu trọng tài không ưu ái đội U-23 VN, ắt phải có thẻ đỏ!

Hiện tượng thì đã rõ, vấn đề là tại sao cầu thủ bây giờ đá bóng xấu thế? Cách đây hơn mười năm, khi đã chơi thân với giới bóng đá, tôi thật sự ngỡ ngàng khi nghe một số vị lãnh đạo đội bóng kể về những chuyện thâm cung bí sử trên sân bóng: xin đừng thấy một cầu thủ lại xốc nách đối phương đang nằm sân là một hành động đẹp. Việc xốc nách bao giờ cũng kèm theo hành động đưa hai ngón tay cái bấm thật mạnh vào nách đối phương, làm đau khủng khiếp. Do đó, sau này trọng tài thường ngăn cản không cho thực hiện hành vi mà người ngoài nhìn vào tưởng rằng là fair-play này!

Có vô vàn những trò bẩn thỉu như thế trên sân cỏ VN, mà nếu viết ắt thành sách dày cả trăm trang (!). Nhưng lãnh đạo các đội bóng thường chỉ kể lại như chuyện vui, thậm chí còn khen cầu thủ lắm mánh khóe!

Tất tần tật đều do người lớn mà ra. Mấy hôm nay, hình ảnh bẩn trên sân cỏ xuất hiện khắp trên các phương tiện truyền thông, nhưng hãy xem những người có trách nhiệm ứng xử thế nào: HLV, lãnh đạo đội bóng thì ra sức bao che, bênh vực cho cầu thủ của mình, cho rằng đó chỉ là “quyết liệt”. Lãnh đạo VPF (cũng là lãnh đạo VFF), ban thi đua, khen thưởng và kỷ luật của VFF thì cứ vòng vo, lấp liếm.

Không một ai có trách nhiệm chịu thể hiện hành động cương quyết, cứng rắn với những trò bẩn trong bóng đá, và thế là nó cứ phát triển ngày càng mạnh mẽ.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên