01/11/2017 12:52 GMT+7

Tập trung những sản phẩm '5 sao', xuất khẩu tỉ đô

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - "Biến đổi khí hậu nếu biết tận dụng vẫn có thể có những sản phẩm cạnh tranh" - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói tại Quốc hội sáng 1-11.

Trích phát biểu của bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Quốc hội sáng 1-11 - Nguồn clip: VTV 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hiến kế giúp miền núi thoát nghèo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hiến kế giúp miền núi thoát nghèo

TTO - Xuất khẩu rau, hoa, củ, quả năm qua đã vượt dầu thô - ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đây có thể là phương án thoát nghèo chủ lực cho nông thôn và miền núi.

Ông Nguyễn Xuân Cường nói Việt Nam đang lựa chọn nền kinh tế mở về nông nghiệp, xuất khẩu nông nghiệp được 30 tỉ USD thì cũng phải chấp nhận nông sản thế giới tràn vào. "Do đó phải lựa chọn sản phẩm có thế mạnh, đây là nguyên tắc trong tái cơ cấu nông nghiệp", ông Cường nói.

Nơi khắc nghiệt nhất vẫn có trái cây ngon nhất

Bộ trưởng Cường cho rằng ngay cả việc biến đổi khi hậu nếu biết cách tận dụng thì vẫn có thể có những sản phẩm cạnh tranh. Đơn cử là tại ĐBSCL, từ thứ tự ưu tiên lúa gạo - thủy sản - trái cây, nay đã đổi sang thủy sản - trái cây - lúa gạo.

Lý do là nước biển dâng, phải lựa chon đối tượng thích ứng với biến động mới và thủy sản rất phù hợp, trong đó hai sản phẩm phù hợp xu hướng thị trường thế giới là tôm và cá tra.

"Riêng con tôm, thế giới này 7 tỉ người, mỗi người mỗi năm ăn 1kg thì đã cần 7 triệu tấn, trong khi sản lượng thế giới hiện nay mới 5 triệu tấn. Rõ ràng dư địa còn rất lớn. Thủ tướng đã chủ trì hội nghị xây dựng con tôm thành ngành hàng chủ lực, đến năm 2025 phấn đấu con tôm trở thành ngành hàng có giá trị 8-10 tỉ USD, chỗ này hoàn toàn có cơ sở", bộ trưởng nói.

Dẫn tiếp ví dụ, ông Cường nêu cả nước không nơi nào khô hạn bằng Ninh Thuận nhưng cũng không nơi nào táo, nho ngon bằng Ninh Thuận.

"Từ những tác động biến đổi khi hậu, nếu biết cách lựa chọn sản xuất thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp", ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cấp xã cũng tạo ra thương hiệu

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đang rà soát lại để tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh nhất để đầu tư, cải thiện chất lượng.

"Cá tra là một sản phẩm cấp quốc gia, hiện có 5.000ha ao nuôi, cho 1,3 triệu tấn, nhưng giống chưa tốt, chế biến sản phẩm chưa nhiều, cần tập trung cải thiện. Vừa qua An Giang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Khoa học công nghệ đã giải quyết tốt vấn đề con giống", ông Cường nói.

Thứ hai là các sản phẩm cấp tỉnh, những đặc sản như xoài Cao Lãnh, rau Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong (Hòa Bình).

Ông Cường nêu một ví dụ sinh động: "Điển hình như Bắc Giang có 3 sản phẩm chính là vải thiều 20.000ha có giá trị sản lượng 5.000 tỉ đồng, gà đồi Yên Thế có 5 triệu con giá trị 1.400 tỉ; na (mãng cầu) Lục Nam có giá trị gần 1000 tỉ. Như vậy riêng một tỉnh lựa chọn đúng ngành hàng đã có giá trị gần 500 triệu USD".

Thứ ba, theo bộ trưởng, là mỗi làng, mỗi xã lựa chọn đặc sản để đầu tư. 

"Việt Nam có gần 9.000 xã, trải dài 15 vĩ độ, nhiều chủng tiểu khí hậu, có nhiều sản phẩm mang tính địa phương, nếu biết lựa chọn thực hiện theo quy mô công nghệ cao thì sẽ có kết quả rất tốt. Riêng Quảng Ninh đã có 290 sản phẩm, trong đó có 85 sản phẩm đạt cấp độ 5 sao, xuất khẩu được trà hoa vàng, chả cá, mực...", bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

"Cùng một lúc có 3 trục sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, địa phương, chúng ta áp dụng công nghệ cao, lựa cho chiến lược phù hợp thì sẽ thành công".

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên