12/09/2012 11:36 GMT+7

Tập trung kiểm toán các tập đoàn và ngân hàng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là định hướng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2013 vừa được tổng kiểm toán Đinh Tiến Dũng trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-9.

eJy8Lx0N.jpgPhóng to
Cần bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu. Trong ảnh Công nhân EVN vận hành nguồn điện, sửa chữa đường dây - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

Kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn

Tổng kiểm toán Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2013 sẽ đặc biệt chú trọng đến chất lượng công tác kiểm toán tổng hợp và lồng ghép một số nội dung kiểm toán trọng tâm của ngành như: công tác quản lý và sử dụng đất đai, bất động sản, phát triển nhà và đô thị; khai thác, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản và một số mục tiêu khác.

“Tăng cường kiểm toán những nhóm liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các dự án, công trình phục vụ cho quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công; sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phục vụ đánh giá chất lượng các dự án, công trình được kiểm toán” - ông Dũng nói.

Vẫn theo tổng kiểm toán, trọng tâm mà KTNN hướng đến sẽ là: “Tập trung kiểm toán các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng thương mại nhà nước để phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn, ngân hàng thương mại trong giai đoạn từ năm 2013-2015 để kịp thời cung cấp thông tin cho hoạt động tái cấu trúc DNNN và các ngân hàng thương mại nhà nước”.

Cần kiểm toán tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm

Thể hiện quan điểm của thường trực Ủy ban Kinh tế - ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nói: “KTNN cần cân đối nguồn lực hiện có để kiểm toán các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước lớn một cách thường xuyên; kiểm toán công tác quản lý, sử dụng quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng; thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tạm nhập tái xuất và một số quỹ tài chính nhà nước”.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, ông Hiển nhấn mạnh: “Ngoài các nhóm kiểm toán đã được nêu trong dự thảo báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2013, đề nghị KTNN cần thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán trong thời gian trước, đánh giá về hoạt động tái cấu trúc đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, cần bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu”.

Đối với tổ chức tài chính - ngân hàng “cần tập trung đánh giá hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua; tình hình mua bán ngoại tệ và quản lý, sử dụng ngoại hối, lãi suất; nợ xấu; tình hình sử dụng nguồn vốn mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng; tình hình luân chuyển vốn sau khi sáp nhập; việc thực hiện các quy định hiện hành về sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cổ phần” - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách nói.

Đặt câu hỏi cho hàng tạm nhập tái xuất

Đề nghị KTNN kiểm toán hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, báo cáo thẩm tra của thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách chú thích: Thống kê đến nay còn 3.177 tờ khai đã quá hạn nhưng chưa thực hiện làm thủ tục hải quan. Vi phạm về khai báo sai số lượng, phá niêm phong kẹp chì, giả mạo chữ ký và con dấu hải quan, tẩu tán hàng hóa trong quá trình vận chuyển… diễn ra khá phổ biến.

Riêng đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm một số DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối có tỉ lệ hàng tồn kho tạm nhập tái xuất cao như Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) tồn kho tạm nhập tái xuất khoảng 65.000 tấn xăng (63 triệu USD), 170.000 tấn dầu DO (150 triệu USD).

Tương tự, Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) tồn kho 48.000 tấn dầu DO, 7.000 tấn xăng; Công ty dầu khí TP.HCM 10.000 tấn dầu DO; Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) 31.000 tấn dầu DO, 10.000 tấn xăng; Công ty xăng dầu Hàng không VN 62.000 tấn xăng máy bay, 11.000 tấn xăng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên