Phóng to |
Nguyễn Quang Tiến - Ảnh: Lê Thanh |
Ông Nguyễn Quang Tiến - vụ trưởng, phó ban cải cách Tổng cục Thuế - khẳng định như vậy bên lề hội thảo “Quản lý hoạt động chống chuyển giá” ngày 11-12,
Câu hỏi lớn từ chuyện lỗ của Coca Cola VNCoca Cola VN có hành vi trốn thuế?Thêm nghi án Metro lỗ
Ông Tiến cho biết: “Trong năm 2012, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra 1.495 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá. Qua đó đã điều chỉnh giá dẫn đến nhiều doanh nghiệp từ lỗ đã có lãi, truy thu và phạt hơn 622 tỉ đồng, giảm lỗ 3.307 tỉ đồng, nộp ngân sách 207 tỉ đồng. Đặc biệt có cuộc thanh tra đã điều chỉnh giảm giá vốn gần 80 triệu USD. Trong kế hoạch từ nay đến năm 2015, ngành thuế sẽ tập trung nhiều hơn cho công tác chống chuyển giá”.
* Hoạt động chống chuyển giá sẽ tập trung vào các đối tượng nào, thưa ông?
- Ngoài kế hoạch về kiểm soát giá chuyển nhượng ở VN vừa được Chính phủ phê duyệt, cơ quan thuế đã trình Bộ Tài chính chương trình kiểm soát chuyển giá từ nay đến năm 2015. Theo đó, sẽ tập trung vào công tác thanh tra theo kế hoạch, mà trọng tâm quản lý theo rủi ro chứ không thanh tra tràn lan. Cụ thể, ngành thuế sẽ nhắm vào các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá như kê khai lỗ triền miên vẫn mở rộng đầu tư, hay nâng vốn đầu tư để chia chác khấu hao.
Như trường hợp của Công ty Coca-Cola, doanh nghiệp con mua nguyên liệu của doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài. Khi mua đã chuyển thu nhập ra nước ngoài vì mua giá cao, còn khi bán lại bán giá thấp để lỗ không phải chịu thuế. Người ta đã hưởng chênh lệch rất lớn. Với hiện tượng này chúng ta phải kiên quyết đấu tranh.
* Nhiều ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp chuyển giá là do năng lực cán bộ thuế còn hạn chế?
"Hoạt động chống chuyển giá sẽ không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài mà là đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính và chống thất thu thuế" |
- Thực tế có những cán bộ trình độ kế toán rất tốt nhưng lại yếu về ngoại ngữ. Hay có những cán bộ có khả năng hiểu biết rất tốt về thuế quốc tế nhưng lại không phân tích báo cáo tài chính, kinh nghiệm quản lý. Chúng ta cũng không có đội thanh tra chuyên trách về giá chuyển nhượng.
Do vậy ngành thuế sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên về mảng này. Trọng tâm là tăng cường năng lực thực thi thuế quốc tế của cơ quan thuế, đặc biệt là chuyển giá đến giao dịch xuyên biên giới...
* Liệu có sự tiếp tay của kiểm toán, thuế cho các doanh nghiệp chuyển giá, thưa ông?
- Tôi được biết có hiện tượng nhiều công ty chuyển giá được sự giúp sức ở đằng sau. Do đó, tới đây cơ quan thuế sẽ kiến nghị sửa đổi bổ sung một số cơ chế pháp lý, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong vấn đề kê khai giao dịch liên kết của các doanh nghiệp. Nếu như xảy ra hậu quả phải truy thu thuế của các giao dịch liên kết thì công ty kiểm toán phải có trách nhiệm với việc này. Tức Nhà nước sẽ có cơ chế, chế tài khi công ty kiểm toán giúp doanh nghiệp tránh được thuế.
Phóng to |
Coca-Cola VN là một trong những doanh nghiệp sẽ được ngành thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra - Ảnh: THUẬN THẮNG |
* Các chính sách về thuế, thu hút đầu tư của VN có nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng né thuế?
- Hoạt động chuyển giá đang là vấn đề nhức nhối không chỉ ở VN mà tại nhiều nước trên thế giới. Một mình cơ quan thuế không thể làm nổi mà phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành. Tuy nhiên phải thừa nhận các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng tạo ra một số kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng nhằm né thuế.
Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp VN ưu đãi miễn thuế cho doanh nghiệp bốn năm, giảm thuế chín năm sau khi đầu tư. Từ đó, có trường hợp sau khi hết thời gian ưu đãi thuế, công ty mẹ lập ra công ty con để chuyển giá lòng vòng lách thuế.
* Thuế thu nhập doanh nghiệp VN hiện được cho là quá cao, nếu giảm thuế suất này có góp phần ngăn chặn hoạt động chuyển giá?
- Tôi cho rằng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng phải giảm cho phù hợp với xu thế của thế giới, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nộp thuế. Nếu thuế suất phù hợp hơn có thể hiện tượng chuyển giá sẽ giảm. Nhưng vấn đề thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là một phần vì chuyển giá có rất nhiều yếu tố, phương thức để chuyển giá. Cùng với việc hạ thuế suất thì cơ quan thuế cần phải nâng cao hiệu quả việc kiểm soát đối với các doanh nghiệp.
* TS Bành Nhuận Trung - giám đốc Trung tâm Tài chính và phát triển châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Tài chính Trung Quốc): Áp dụng phương pháp so sánh với sản phẩm cùng loại Về lý thuyết, doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, thế nên nếu thấy họ khai báo lỗ thì cơ quan thuế phải lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt là các doanh nghiệp khai báo lỗ mà vẫn mở rộng đầu tư thì phải đưa vào diện giám sát đặc biệt. Còn về trường hợp của Công ty Coca-Cola VN, cơ quan thuế VN cần đặt vấn đề ngoài chi phí quảng cáo lớn còn có nguyên nhân nào nữa khiến họ thua lỗ hay không? Bằng phương pháp so sánh, cơ quan thuế nên điều chỉnh mức lợi nhuận cho phù hợp với doanh nghiệp báo lỗ. Vì quan điểm là với sản phẩm cùng loại, điều kiện kinh doanh như nhau mà doanh nghiệp này lãi thì tại sao doanh nghiệp kia lại báo lỗ. * Ông Michael Palmer - chuyên gia về chuyển giá (Úc): Các công ty đa quốc gia có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về giá chuyển nhượng từ khắp nơi trên thế giới. Và họ lập kế hoạch kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu tiền thuế phải nộp. Hầu hết tình trạng chuyển giá xảy ra ở các đối tượng nộp thuế lớn. Mọi giao dịch phát sinh trong doanh nghiệp có khả năng là giao dịch liên kết gồm mua hàng, bán hàng, bán tài sản vô hình, phí bản quyền, chi phí tài chính... Do vậy, để ngăn chặn được hiện tượng chuyển giá, cơ quan thuế của Úc thường tập trung thanh tra giá chuyển nhượng khoảng 30 cuộc mỗi năm. Mỗi tổ thanh tra giá chuyển nhượng bao gồm 2-4 thanh tra viên, có sự tham gia trực tiếp của chuyên gia kinh tế, chuyên gia về giá chuyển nhượng... Thông thường phải mất 1-2 năm mới hoàn thành một cuộc thanh tra. Điều đó cho thấy thanh tra giá chuyển nhượng là rất phức tạp, khó và mất nhiều thời gian. Do vậy, VN cũng không nằm trong ngoại lệ, muốn chống được tình trạng lỗ giả, lãi thật thì phải đầu tư vào con người, phải có những cán bộ thanh tra về chuyển giá giỏi cả về năng lực chuyên môn và ngoại ngữ. |
Tập đoàn đa quốc gia nào cũng né thuế Theo báo cáo điều tra của Thượng viện Mỹ, phần lớn công ty đa quốc gia có xuất xứ tại Mỹ đều né thuế, không chỉ ở nước ngoài mà ngay chính tại Mỹ. Tháng 9-2012, Ủy ban điều tra Thượng viện Mỹ (PSOI) công bố báo cáo khẳng định hầu như tất cả tập đoàn đa quốc gia từ Google, Microsoft, Apple cho đến Hewlett-Packard (HP), General Electric, JPMorgan Chase... đều áp dụng chiêu né thuế thu nhập doanh nghiệp. “Các tập đoàn đa quốc gia đang lợi dụng hệ thống thuế hiện nay để giở trò né thuế - báo Huffington Post dẫn lời thượng nghị sĩ Carl Levin, chủ tịch PSOI, khẳng định - Họ chuyển hàng tỉ USD ra nước ngoài để tránh đóng hàng tỉ USD tiền thuế”. Theo phân tích của trang web tài chính NerdWallet, 10 công ty ăn nên làm ra nhất ở Mỹ chỉ đóng mức thuế trung bình 9% trong năm 2011, thấp hơn nhiều mức thuế 35% Chính phủ Mỹ đặt ra. Hãng Microsoft đạt doanh thu 21 tỉ USD từ năm 2009-2011, nhưng né được khoản thuế 4,5 tỉ USD. Tập đoàn Apple năm 2011 kiếm được 34,2 tỉ USD nhưng chỉ đóng thuế 3,3 tỉ USD (chưa đầy 10%). Riêng ở Mỹ, lẽ ra Apple phải đóng thêm 2,4 tỉ USD trong năm 2011. Điều tra của báo New York Times cho thấy Apple là công ty tiên phong trong kỹ thuật né thuế và hiện nay hàng trăm tập đoàn đa quốc gia khác đang sao chép thủ đoạn của Apple. Theo trang Financialtaskforce.org, các công ty như Apple chủ yếu lợi dụng quy định tài chính ALP, coi các công ty con của mỗi tập đoàn là một doanh nghiệp độc lập. Nhờ vậy, các tập đoàn thường lập trụ sở, chi nhánh ở các “thiên đường thuế thấp” như Luxembourg, Hà Lan, Ireland, quần đảo British Virgin... để chuyển lợi nhuận đến các quốc gia này và hưởng mức thuế thấp ở đây. Các tập đoàn còn áp dụng thêm trò vay tiền từ các công ty chi nhánh ở nước ngoài với lãi suất cắt cổ để đạt mục tiêu tương tự. Ví dụ, Hãng HP có khoảng 17 tỉ USD ở nước ngoài để công ty mẹ “vay”. Apple có khoảng 120 tỉ USD tiền mặt. Chính vì vậy, chỉ có các tập đoàn được lợi, còn tất cả các nước nơi chúng hiện diện đều thất thu thuế, ngay cả “đất mẹ” Mỹ. Thượng nghị sĩ Carl Levin cho biết mỗi năm Chính phủ Mỹ thất thu thuế tới 100 tỉ USD vì trò ma của các tập đoàn đa quốc gia. Reuters đưa tin hồi đầu tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hành vi né thuế khiến EU thiệt hại 1.000 tỉ euro (khoảng 1.310 tỉ USD) mỗi năm. Tất nhiên, phản ứng của tất cả tập đoàn đa quốc gia, từ Apple, Google đến HP đều là: “Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định thuế ở Mỹ và các nước”. Năm 2011, thượng nghị sĩ Carl Levin đã trình dự luật Chống lợi dụng thiên đường thuế (STHAA) và đang vận động để Quốc hội Mỹ thông qua dự luật này. Dự luật buộc các tập đoàn như Apple phải công khai toàn bộ dữ liệu như số lượng nhân viên, doanh số bán hàng, vốn, thuế... ở từng nước. Trang Financialtaskforce.org dẫn lời giáo sư Sol Picciotto thuộc Đại học Lancaster (Anh) khẳng định quy định ALP tồn tại hơn 80 năm qua đã lỗi thời và cần phải được sửa đổi. Ông đề xuất một luật buộc chính quyền các nước coi mỗi công ty đa quốc gia với hàng trăm chi nhánh là một thực thể thống nhất. Lợi nhuận thu được từ quốc gia nào sẽ chịu mức thuế ở quốc gia đó. Đầu tháng 12, EU cũng kêu gọi các nước thành viên chia sẻ thông tin thuế, đưa ra mã số thuế liên EU để ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia né thuế. EU sẽ lập “danh sách đen” các thiên đường trốn thuế. Ủy ban châu Âu cho biết sẽ thuyết phục các nước thành viên thông qua luật mới nghiêm ngặt hơn nhằm chống nạn né thuế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận