29/09/2020 21:08 GMT+7

Tập trung đông người tại vùng dịch bị phạt tới 40 triệu đồng

N.AN
N.AN

TTO - Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch, tập trung đông người tại vùng dịch sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Tập trung đông người tại vùng dịch bị phạt tới 40 triệu đồng - Ảnh 1.

Hành vi tập trung đông người tại vùng dịch bị phạt tới 40 triệu đồng - Ảnh: NAM TRẦN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch. 

Mức phạt này cũng áp dụng trường hợp đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Mức xử phạt thấp hơn, từ 10 - 20 triệu đồng sẽ áp dụng trường hợp cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch không thực hiện tạm đình chỉ hoạt động. 

Trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng cũng bị phạt số tiền trên.

Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng áp dụng với hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A và không tiêu hủy những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch. 

Ngoài ra, nghị định cũng quy định các hành vi, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh với hành vi vi phạm. Cụ thể như có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1 - 24 tháng với các giấy phép kinh doanh dược, khám chữa bệnh, xét nghiệm HIV, sản xuất mỹ phẩm... 

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực y tế có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Lãnh đạo TP.HCM: Lãnh đạo TP.HCM: 'Xem xét xử lý hình sự người không khai báo y tế, tụ tập đông người'

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu các giải pháp quyết liệt khi chủ trì buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 chiều 10-8.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên