Miền Bắc xuất hiện ca viêm não mô cầu
Sáng 16-1, Sở Y tế cùng với UBND Q.7 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp gồm Trung tâm Y tế dự phòng Q.7, phòng nghiệp vụ y Sở Y tế, ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận, đại diện các nhà máy ở khu chế xuất nhằm đề ra ngay các biện pháp phòng chống bệnh viêm não mô cầu tại đây.
Theo đó, từ hôm nay (17-1) các ngành chức năng và đoàn thể đồng loạt đổ quân tới các nhà máy khác thực hiện các kế hoạch truyền thông, triển khai ngay kháng sinh dự phòng và kiểm tra nhiệt độ cơ thể của công nhân.
Quyết liệt chặn nguồn lây
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết trung tâm đã làm việc với phòng khám của Khu chế xuất Tân Thuận để kiểm tra sức khỏe toàn bộ bệnh nhân có triệu chứng viêm họng. Qua 28 mẫu lấy từ các bệnh nhân sốt, viêm họng từng đến phòng khám mang đi kiểm tra, tất cả đều cho kết quả dương tính. Điều này chứng tỏ công nhân các nhà máy khác trong khu chế xuất đã bị lây.
Đường lây chính là các khu vực nhà trọ ở xung quanh. Cuối tuần qua, trung tâm đã cho toàn bộ 6.200 công nhân Nhà máy FAPV uống thuốc dự phòng bắt buộc. Đồng thời những người có biểu hiện sốt được đưa ra ngoài phòng khám nghỉ ngơi và không để quay lại làm việc nhằm hạn chế nguồn lây.
Theo kế hoạch, riêng Q.7 tiếp tục giám sát khi công nhân khu chế xuất tỏa về quê. Theo đó, triển khai cho tất cả công nhân nào sốt, viêm họng uống thuốc dự phòng và bệnh nhân nào dương tính uống thuốc điều trị theo liều quy định để không lây lan khi về quê. Tại khu vực nhà trọ, ngoài cho những ca dương tính uống thuốc, Trung tâm Y tế dự phòng Q.7 đã đến các khu vực này cho người kế bên hoặc những công nhân ở chung phòng với bệnh nhân uống thuốc dự phòng.
Ở Q.9, đến nay chỉ có một ca nhưng may mắn ca đó ở nội trú và phần lớn học viên ở chung với bệnh nhân đã về quê từ sớm. Đồng thời Trung tâm Y tế dự phòng TP đã cho 2.000 người uống thuốc dự phòng trước khi về quê.
Biện pháp phòng ngừa
Theo bác sĩ Siêu, tỉ lệ vi khuẩn não mô cầu thường trú trong họng người bình thường là 10%. Vì đường lây chủ yếu qua đường hô hấp nên biện pháp phòng ngừa chính là vệ sinh đường hô hấp, giữ miệng sạch sẽ, tránh tiếp xúc gần. Phải súc họng một ngày ba lần bằng nước muối hoặc các chai thuốc súc họng có bán tại các nhà thuốc tây.
Theo bác sĩ Siêu, cách này đơn giản nhưng hạn chế được nguồn lây hiệu quả. Đồng thời phải vệ sinh các bề mặt tiếp xúc nơi có bệnh nhân bằng Chloramine B. Về điều trị, uống Ciprofloxacin 500mg một viên duy nhất cho người cần dự phòng. Liều này có tác dụng trong khoảng mười giờ nhưng luôn phải uống thuốc dự phòng kết hợp với súc miệng như đã nói. Nếu có bệnh thì uống mỗi ngày hai viên trong vòng năm ngày. 30 ca đã phát hiện uống theo liều trên và có đáp ứng tốt.
Bác sĩ Siêu cho biết Trung tâm y tế dự phòng đã hướng dẫn công nhân khi về quê nếu thấy sốt, đau họng phải đến y tế địa phương khám, uống thuốc ngay nhằm không lây cho người thân.
Giám sát chặt ổ dịch viêm não mô cầu Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Thanh Dương vừa có công điện gửi Sở Y tế TP.HCM và Nam Định, yêu cầu giám sát chặt các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân ở ổ dịch viêm não mô cầu vừa phát hiện tại hai địa phương này. Ông Dương yêu cầu sở y tế TP.HCM và Nam Định chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị cho bệnh nhân, phát hiện sớm các bệnh nhân mới, xử lý triệt để ổ dịch. Cục Y tế dự phòng yêu cầu TP.HCM và tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm, sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận