Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An (gọi tắt Tập đoàn Thuận An) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Tập đoàn đa ngành, vốn tăng gấp 200 lần so với lúc thành lập
Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) tiền thân là Công ty cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, được thành lập năm 2004 bởi ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch HĐQT.
Lúc thành lập, công ty này có vốn điều lệ ban đầu 3,9 tỉ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, Thuận An đạt quy mô vốn 800 tỉ đồng, tức gấp khoảng 200 lần khi mới thành lập. Doanh nghiệp giữ quy mô vốn điều lệ từ 2021 đến nay.
Được giới thiệu là tập đoàn đa ngành (gồm lĩnh vực năng lượng, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng), nhưng hạ tầng giao thông với nhiều công trình cầu đường lớn vẫn là ngành giúp Thuận An "nổi danh".
Theo dữ liệu của Tuổi Trẻ, riêng trong giai đoạn 2019 đến nay, Tập đoàn Thuận An từng tham gia khoảng 51 gói thầu (hình thức trực tuyến), trong đó trúng 39 gói thầu, trượt 8 gói và 4 gói vẫn chưa có kết quả.
Tổng giá trị của các gói trúng thầu là 22.612 tỉ đồng. Trong số này, đáng chú ý có hơn 8.272 tỉ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu.
Dữ liệu cũng cho thấy tổng giá trị trúng thầu độc lập chỉ hơn 144 tỉ đồng, còn lại đa phần Thuận An tham gia dưới hình thức liên danh trong tổng giá trị nêu trên.
Tuy nhiên, cần lưu ý con số thực tế gộp cả giai đoạn thành lập đến nay (19 năm), số giá trị tham gia thầu có thể lớn hơn.
Các địa phương mà Thuận An đã tham gia đấu thầu dự án gồm: Hà Nội, Ninh Thuận, TP.HCM, Quảng Nam, Bắc Giang, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Lạng Sơn…
Trên website Thuận An cũng giới thiệu từng tham gia một loạt dự án cầu lớn như: cầu Sông Rút, cầu Cửa Hội, cầu Đồng Việt, cầu Máy Chai, cầu Kỳ Lộ, cầu Rạch Miễu 2…
Trong đó, dự án cầu Đồng Việt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.
Đây cũng là cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, vượt sông Thương nối với tỉnh Hải Dương. Thuận An là một trong hai liên danh tham gia dự án với giá trị thi công hơn 800 tỉ đồng.
Lợi nhuận nhiều năm không mấy tích cực
Dù trúng thầu nhiều dự án, nhưng tình hình kết quả kinh doanh của Thuận An không quá tích cực. Theo dữ liệu của Tuổi Trẻ, trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Thuận An ở mức 250 - 300 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức vài trăm triệu đồng.
Theo một số chuyên gia, mức lợi nhuận trên ở mức "đáng buồn" với doanh nghiệp quy mô vốn như trên.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch Tập đoàn Thuận An - để điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.
Ngoài ông Hưng, ông Hoàng Thế Du - trưởng phòng Ban quản lý dự án tỉnh Bắc Giang - cũng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và ông Trần Anh Quang - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - về tội "đưa hối lộ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận